Trưởng thành qua từng cương vị đảm nhiệm

Không ít cán bộ được đào tạo chuyên ngành quân sự nhưng do yêu cầu nhiệm vụ cùng với 'duyên nghề' đã chuyển sang làm cán bộ chính trị. Ban đầu khó khăn là không nhỏ, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, họ cho thấy sự trưởng thành trên từng cương vị đảm nhiệm.

 Thượng úy Nguyễn Đức Phúc, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9) hướng dẫn chiến sĩ lắp kính lấy hướng chuẩn cho pháo.

Thượng úy Nguyễn Đức Phúc, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9) hướng dẫn chiến sĩ lắp kính lấy hướng chuẩn cho pháo.

Ở Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu, Đại úy Nguyễn Hoàng Huy, trợ lý tuyên huấn, Ban Chính trị là một trong những cán bộ được đào tạo chuyên ngành quân sự nhưng đang đảm nhiệm tốt nhiệm vụ của cán bộ chính trị. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 năm 2011, anh về nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội Vệ binh, rồi Phân đội trưởng Trinh sát, Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh, sau đó là trợ lý tác huấn, Ban CHQS thị xã Giá Rai (Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu). Đến năm 2017, anh làm giáo viên chính trị Trường Quân sự tỉnh. Năm 2018, anh được đào tạo chuyển loại chính trị và nhận nhiệm vụ trợ lý tuyên huấn của nhà trường. Nhớ về những ngày mới chuyển sang làm cán bộ giảng dạy chính trị, Đại úy Nguyễn Hoàng Huy bộc bạch: “Tôi phải tìm hiểu, học hỏi rất nhiều, cả tháng trời, đêm nào tôi cũng thức đến 1-2 giờ sáng nghiên cứu tài liệu. Để trau dồi kiến thức, chuyên môn tôi thường truy cập internet nghe những bài nói chuyện của các giáo sư nổi tiếng về vấn đề thời sự trong nước và quốc tế; các mẩu chuyện cùng lời dạy của Bác Hồ; chú ý đến phương pháp dẫn dắt và giải quyết từng vấn đề đặt ra cùng lập luận chặt chẽ bằng những dẫn chứng mang tính thời sự, sự kiện chính trị quan trọng. Điều này cho tôi nhiều thứ, không chỉ ở quá trình soạn giáo án, kỹ năng thuyết trình mà còn tích lũy khối lượng lớn kiến thức để có những bài giảng phong phú, lôi cuốn cho học viên”.

Quả thật, nói thì dễ nhưng khi làm không đơn giản chút nào. Bởi tác phong, khẩu khí trong quá trình lên lớp cũng không phải thay đổi được một sớm một chiều và Nguyễn Hoàng Huy luôn phải tự điều chỉnh từng ngày. Anh chia sẻ thêm: “Nhiều khi có lúc cao hứng, “âm lượng” mỗi lúc một tăng lên, bài giảng chính trị nhưng lại mang hơi hướng quân sự trong đó. Cái khó là phương pháp soạn giáo án trình chiếu tôi cũng chưa quen và tất nhiên phải học từ đầu. Rồi đến khi sang phụ trách mảng thi đua-khen thưởng, tuyên truyền, giáo dục... khó khăn ngày càng nhiều, song tôi nghĩ, cái gì cũng vậy, phải luôn tìm tòi học hỏi, lắng nghe, chú tâm, trách nhiệm thì mọi công việc dù có khó mấy cũng sẽ làm được”.

Với Trung úy Lý Tân Quy, Chính trị viên Đại đội Thông tin, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9), khi nhận nhiệm vụ mới cái gì cũng lạ lẫm nên phải nhờ sự hướng dẫn của cấp trên và cơ quan chính trị trung đoàn giúp đỡ, từ sổ sách ghi chép đến các loại văn bản, báo cáo... Điều mà anh xác định là việc lên lớp giáo dục chính trị, nắm bắt tư tưởng bộ đội cần phải học tập, trau dồi nhiều hơn nữa. “Thời gian chuyển sang làm công tác này chưa tròn một năm nhưng sự thay đổi lớn nhất mà tôi cảm nhận được đó là tính tình điềm đạm hơn trước, biết tự điều chỉnh bản thân trong giao tiếp, lắng nghe nhiều hơn, cố gắng bình tĩnh để xem xét thấu đáo mọi việc. Có lần quan sát thấy trung đội trưởng nói nặng lời với chiến sĩ, tôi suy nghĩ rất kỹ trước khi xử lý vấn đề, vừa để đồng chí đó rút ra kinh nghiệm, vừa không làm ảnh hưởng uy tín của cán bộ đối với chiến sĩ", Trung úy Lý Tân Quy tâm tình.

Thượng úy Nguyễn Đức Phúc, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 6 (Quân khu 9) cho biết: "Tháng 6-2016, sau khi chuyển loại chính trị và nhận nhiệm vụ chính trị viên đại đội, tôi may mắn được đồng đội, cấp trên giúp đỡ. Ban đầu, trong giao tiếp tôi còn hơi cứng nhắc, chưa thật sự gần gũi nên nhiều anh em không dám chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình... Có lần tôi mời đồng chí khẩu đội trưởng lên gặp gỡ vì quá trình công tác, lời nói, tác phong chưa chuẩn mực. Mục đích ban đầu là muốn tâm sự, tìm hiểu nguyên nhân và nhắc nhở, chấn chỉnh giúp đồng chí đó thấy được hạn chế của mình. Lúc kết thúc, buổi nói chuyện chưa đạt được kết quả như mong muốn do bản thân tôi chưa thật sự kiên nhẫn, lắng nghe”, Thượng úy Nguyễn Đức Phúc tâm sự.

Từ thực tiễn cùng với sự rèn giũa bản thân, Thượng úy Nguyễn Đức Phúc từng bước cho thấy vai trò của mình như câu nói mà lúc nào anh cũng nằm lòng: “Chính trị viên phải công bằng như người anh, am hiểu như người bạn và tình cảm như người chị”. Anh tâm niệm, cán bộ chính trị phải mềm mỏng, khéo léo, công tâm, giải quyết mọi vấn đề từ trong ra chứ không phải từ ngoài vào. “Ví dụ như trường hợp chiến sĩ đi tranh thủ lên đơn vị chậm, nếu mình áp đặt rằng, anh em xem thường chỉ huy, chấp hành quy định không nghiêm mà chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân sẽ vô tình gây nên sự ức chế. Bởi thực tế có thể do điều kiện khách quan như tắc đường, trễ xe... Khi đã rõ sự việc thì mình có biện pháp xử lý, chấn chỉnh sao cho hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy, điều thuận lợi đối với cán bộ quân sự chuyển sang chính trị đó là quá trình học tập của bộ đội trên thao trường mình có thể giúp chiến sĩ sửa sai ở từng hành động, động tác, hiểu được vất vả của anh em và có sự động viên, khích lệ tinh thần kịp thời, tạo không khí thi đua sôi nổi trong huấn luyện”, Thượng úy Nguyễn Đức Phúc nói.

Bài và ảnh: THẾ HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/truong-thanh-qua-tung-cuong-vi-dam-nhiem-581213