Trưởng thôn, già làng nỗ lực tuyên truyền bình đẳng giới

Trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách về bình đẳng giới.

Ảnh minh họa: Bộ Tư pháp

Ảnh minh họa: Bộ Tư pháp

Đơn cử như, tỉnh Bắc Kạn có 67 xã thuộc khu vực III; 7 xã khu vực II; 34 xã khu vực I và 648 thôn đặc biệt khó khăn; với hơn 88% dân số là đồng bào DTTS, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa... Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức về hành vi thực hiện bình đẳng giới, nhất là ở vùng đồng bào DTTS.

Là một trong những người tham gia tích cực vào Tổ truyền thông cộng đồng, chị Bàn Thị Dinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khuổi Nhàng, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới cho biết, Chi hội Phụ nữ thôn hiện có 23 hội viên với 100% là đồng bào dân tộc Dao Đỏ. Thời gian qua, Chi hội Phụ nữ thôn đã tổ chức các buổi tuyên truyền lồng ghép những kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới đến với đông đảo hội viên và Nhân dân. Nhờ đó, người dân đã dần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

Sơn La là một tỉnh có tỷ lệ DTTS cao. Dân số toàn tỉnh có 1,239 triệu người, gồm 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 11 DTTS, chiếm 83,51% dân số cả tỉnh và bằng 7,33% DTTS của cả nước. Toàn tỉnh hiện nay có 2.551 người có uy tín, bao gồm: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, bản; nhân sỹ, trí thức; cán bộ nghỉ hưu; già làng; trưởng dòng họ; doanh nhân, người sản xuất; thầy mo, thầy cúng; chức sắc tôn giáo và thành phần khác. Những năm qua, những người này đã đóng góp nhiều công sức trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách về bình đẳng giới.

Từ nhận thức về vai trò quan trọng của trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng đồng bào DTTS trong việc thực hiện bình đẳng giới, ngày 18/12, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phối hợp Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả thúc đẩy bình đẳng giới - Đề xuất giải pháp lồng ghép giới hiệu quả, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Dự án 8).

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, sau 3 năm triển khai (2021 - 2023), các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi, trọng tâm của Dự án 8 đề ra trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) đã đạt được những kết quả tích cực. Giai đoạn 2021 - 2023 đã có 7.623 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập, duy trì (đạt 84,7% chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 1), với sự tham gia của 61.685 thành viên là nam giới, nữ giới; 233 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho gần 12.500 cán bộ các cấp được thực hiện (đạt 38,8% chỉ tiêu giai đoạn 1). Đã có 1.145 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, thu hút 65.233 người tham gia (đạt 26% chỉ tiêu giai đoạn 1); 250 cuộc tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp được tổ chức với sự tham dự của 12.789 cán bộ huyện, xã (đạt 52,1% chỉ tiêu giai đoạn 1); 570 cuộc tập huấn dành cho 35.604 trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín tại cộng đồng (đạt 35,6% chỉ tiêu giai đoạn 1)…

Có thể nói, những hoạt động trên như “mưa dầm thấm lâu” góp phần trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng, để từ đó nhận thức về bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS và miền núi được thay đổi. Hay nói như bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án 8 Trung ương tại Hội thảo ngày 18/12: “Việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức ở đồng bào DTTS là việc vô cùng khó khăn, cần sự kiên trì bền bỉ, luôn sáng tạo trong công tác truyền thông, chứ không phải tức thì có sự thay đổi ngay”.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/truong-thon-gia-lang-no-luc-tuyen-truyen-binh-dang-gioi-post499382.html