Trường THPT A Túc chú trọng giáo dục giới tính cho học sinh

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi của tỉnh đã được phản ánh nhiều nhưng vẫn luôn là vấn đề cần sự quan tâm chung tay của các cấp, ngành, địa phương để có các giải pháp phòng, chống hiệu quả. Để góp phần ngăn chặn thực trạng này, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Hướng Hóa đã đưa nội dung giáo dục giới tính vào trong trường học, nhất là khối THCS, THPT với mong muốn đẩy lùi hiệu quả nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngay từ sớm. Trường THPT A Túc là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục giới tính, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hiệu quả thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Một buổi giáo dục giới tính ở Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa diễn ra cởi mở, vui vẻ -Ảnh: Đ.V

Một buổi giáo dục giới tính ở Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa diễn ra cởi mở, vui vẻ -Ảnh: Đ.V

Thời gian gần đây, Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, trong đó lấy nội dung giáo dục giới tính làm hoạt động chính. Vượt qua những khoảng cách, sự ngần ngại ban đầu, dần dần học sinh của trường đã làm quen và hòa nhập tốt với không khí buổi ngoại khóa một cách hào hứng, tự tin.

Cũng như nhiều buổi ngoại khóa khác, một buổi ngoại khóa tại lớp 12B1, Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa diễn ra trong không gian sôi nổi, vui vẻ. Các đề tài về tình bạn, tình yêu, những vấn đề nhạy cảm hơn như cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục hay vấn đề xâm hại và lạm dụng tình dục vị thành niên, cách chăm sóc vệ sinh thân thể đối với học sinh nữ... đều được các bạn trao đổi một cách thoải mái và cởi mở.

Em Hồ Thị Quyền, lớp 12B1, Trường THPT A Túc vui vẻ nói: “Tham gia các buổi ngoại khóa, sau khi được tuyên truyền đã giúp em hiểu hơn về tác hại của kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống. Hủ tục này sẽ ảnh hưởng lớn đến giống nòi, chất lượng dân số và kết hôn sớm cũng làm mình ít hiểu biết hơn, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế gia đình, dễ rơi vào nghèo đói”.

Các buổi sinh hoạt ngoại khóa cũng được thầy, cô giáo tận tình hướng dẫn, gợi mở nhiều chủ đề sinh động, phù hợp và tạo được không khí gần gũi, hào hứng, vui vẻ cho các em.

Cô giáo Hồ Thị Mến, Trường THPT A Túc chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui vì học sinh tham gia các buổi ngoại khóa đông đủ, nhiệt tình, sôi nổi. Qua buổi ngoại khóa đã cung cấp cho các em một số hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Hy vọng với những kiến thức, kỹ năng lĩnh hội được, các em sẽ hiểu biết và thực hiện tốt việc phòng tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong gia đình và cộng đồng”.

Trường THPT A Túc hiện có gần 410 học sinh, với trên 90% học sinh là người đồng bào DTTS. Chính vì vậy, việc đồng hành, kịp thời chia sẻ, nắm bắt tâm tư tình cảm của học sinh sẽ giúp các em nhận thức đúng về sức khỏe vị thành niên, tình yêu và hôn nhân cũng như những hệ lụy do kết hôn sớm gây ra.

Ngoài tổ chức các buổi ngoại khóa tại trường lớp, các thầy, cô giáo cũng thường xuyên đến thăm, động viên, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em và lồng ghép với việc tuyên truyền về tác hại, hệ lụy tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho gia đình để giúp họ nâng cao nhận thức, cải biến hành vi.

Hiệu trưởng Trường THPT A Túc Nguyễn Tửu cho biết: “Những năm qua, công tác giáo dục pháp luật, trong đó có giáo dục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho học sinh là vấn đề hết sức quan trọng, được nhà trường quan tâm thực hiện. Trước đây, tại địa phương có xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng để kết hôn sớm do mang thai ngoài ý muốn.

Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, việc bỏ học giữa chừng do tảo hôn đã không còn. Đạt được kết quả đáng mừng đó có vai trò quan trọng của nhà trường trong việc chỉ đạo các tổ chức đoàn thể của nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các em. Việc nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi là việc làm thường xuyên, tuy vậy cũng gặp không ít khó khăn vì để thay đổi hành vi cho các em về văn hóa, phong tục ở địa phương là không dễ.

Nhà trường sẽ tiếp tục duy trì chương trình ngoại khóa, có các biện pháp tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi cho học sinh để từ đó quyết tâm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong học sinh cũng như cộng đồng”.

Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, cũng như mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Nhờ đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học, mà vấn nạn đáng lo ngại này ở huyện miền núi Hướng Hóa đã có những chuyển biến tích cực, trước hết là duy trì được sĩ số ở các nhà trường do tình trạng bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng đã giảm mạnh.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/truong-thpt-a-tuc-chu-trong-giao-duc-gioi-tinh-cho-hoc-sinh/182662.htm