Trường THPT chuyên dừng tuyển sinh hệ THCS - Phải quan tâm quyền lợi học sinh
'Đứng ngồi không yên' là tâm trạng chung của hàng ngàn phụ huynh, học sinh đang chạy đua tìm suất học lớp 6 tại 2 trường THPT chuyên lớn của cả nước là Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) và Trần Đại Nghĩa (TPHCM). Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên khiến dư luận phản ứng trái chiều, học sinh và phụ huynh lo lắng.
Làm rõ khái niệm “trường chuyên”
Sau khi Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo dừng tuyển sinh hệ THCS tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025 (trong đó có phương án tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên) báo cáo UBND TP Hà Nội.
Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù đối với công tác tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, đồng thời đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo mũi nhọn của thành phố. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, việc tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên đã duy trì 30 năm qua và đạt nhiều kết quả tốt trong việc tạo nguồn học sinh giỏi.
Căn cứ pháp lý của việc tuyển sinh này là Luật Thủ đô (ban hành năm 2012) và Quyết định số 5029/QĐ-UBND (ban hành ngày 29-9-2009) của UBND TP Hà Nội về thí điểm hệ THCS trình độ cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tại TPHCM, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) là trường THPT chuyên duy nhất tuyển sinh hệ THCS. Việc tuyển sinh lớp 6 đã được thực hiện từ năm đầu tiên thành lập trường - khi đó trường hoạt động theo mô hình thí điểm tăng cường tiếng Anh và dạy học 2 buổi/ngày. Hai năm sau đó, UBND TPHCM ban hành quyết định chuyển đổi mô hình thành Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Một nhà giáo nguyên là hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, Luật Giáo dục 2019 chỉ công nhận mô hình trường chuyên ở cấp THPT. Do đó, không tồn tại trường chuyên ở cấp tiểu học và THCS. Tuy nhiên, cần làm rõ việc tuyển sinh vào lớp 6 ở các trường THPT chuyên có theo mô hình chuyên hay không, sự giống và khác nhau giữa các mô hình trường chuyên; trường chất lượng cao; trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập. Một khi chưa phân định rõ các khái niệm thì việc dừng tuyển sinh hay tiếp tục tuyển sinh theo cơ chế đặc thù sẽ thiếu tính thuyết phục. Ngoài ra, theo lãnh đạo các phòng GD-ĐT, nếu Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa dừng tuyển sinh lớp 6 theo hình thức khảo sát năng lực thì việc tuyển sinh lớp 6 cũng theo hình thức này tại các trường tiên tiến, hội nhập trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện có phải dừng lại?
Năm học 2023-2024, cả nước có 2 trường THPT chuyên tổ chức tuyển sinh và đào tạo hệ THCS là THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM). Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khoảng 200 học sinh, song có khoảng 3.000 học sinh bậc tiểu học đăng ký dự tuyển. Tương tự, tỷ lệ chọi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hàng năm luôn ở mức cao, dao động từ “1 chọi 7” đến “1 chọi 9”. Để có suất học lớp 6 ở hai trường này, nhiều gia đình cho con luyện thi từ lớp 3, 4.
Công bằng, minh bạch nhưng không cào bằng
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi môn Hóa học nổi tiếng trên mạng xã hội, bày tỏ, các quy định hiện nay của ngành giáo dục không cho phép đào tạo hệ chuyên ở cấp THCS; tuy nhiên trong thực tế, các mô hình trường chất lượng cao, trường điểm vẫn tồn tại ở nhiều quận, huyện. Song song đó, trong các trường phổ thông công lập, mô hình lớp chuyên, lớp chọn được triển khai với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Do đó, để phù hợp với thực tiễn, cần có quy định rõ ràng hơn đối với việc “phân luồng” học sinh ở cấp THCS trên cơ sở công bằng, minh bạch, không tạo sự căng thẳng cho học sinh, phụ huynh. Điều này không mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục cơ bản ở cấp THCS, bởi những học sinh có năng lực nổi trội cần được tạo điều kiện phát huy năng lực, phẩm chất, tạo tiền đề cho việc học tập theo định hướng giáo dục nghề nghiệp ở cấp THPT.
Ở góc độ khác, theo cô Nguyễn Thị Hải, giáo viên có nhiều năm tham gia bồi dưỡng học sinh thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, việc các trường có đặc thù riêng về chất lượng giáo dục bị ràng buộc bởi các quy định về xét tuyển học bạ, điều kiện hồ sơ đã khiến cho việc tuyển sinh bỏ sót nhiều đối tượng học sinh giỏi có mong muốn được học tại trường. Trong khi đó, những học sinh thực sự có năng lực, kiến thức được tạo điều kiện học tập ở môi trường chất lượng cao là yêu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh.
Đứng dưới góc độ phụ huynh, anh Trần Văn Hùng, một phụ huynh ở quận Hà Đông (TP Hà Nội), nêu ý kiến: “Nếu cho rằng không nên có sự ưu tiên trong tuyển sinh của bất kỳ trường nào để tạo sự công bằng cho tất cả học sinh là không đúng, bởi thực chất đó là sự cào bằng, không thể nâng cao chất lượng giáo dục. Thay vào đó, cơ hội chia đều cho tất cả học sinh, ai cố gắng hơn, có năng lực tốt hơn thì được tạo điều kiện để phát huy, đó mới là công bằng trong giáo dục”.
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nếu các trường THPT chuyên đáp ứng đủ điều kiện dạy hệ THCS thì không nên hạn chế. “Nếu trường không chuyên mà mở hệ chuyên mới phải bàn, ngược lại trường THPT chuyên dư năng lực về cơ sở vật chất, giáo viên để mở hệ THCS, đáp ứng được nhu cầu xã hội thì không nên cấm, trừ khi họ cố mở mà vượt quá năng lực, không bảo đảm chất lượng giáo dục thì cơ quan quản lý mới phải “tuýt còi”. Chúng ta cần tính đến hiệu quả cuối cùng của việc đào tạo là đem lại lợi ích gì cho xã hội”, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Cần lộ trình triển khai phù hợp
Trong thời điểm các địa phương đang hoàn thiện và chuẩn bị công bố phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh lớp 6 ở các trường THPT chuyên khó tránh tạo tâm lý hoang mang cho phụ huynh, học sinh. Điều này cũng tương tự với việc Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng các chính sách ưu tiên trong xét tuyển lớp 10 năm học 2024-2025 đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS mới đây. Tôi cho rằng, không nên có thêm bất kỳ xáo trộn nào nữa, mọi thay đổi (nếu có) cần có lộ trình và áp dụng từ năm học 2025-2026.
Hiện nay, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 vẫn được các địa phương tổ chức. Nếu dừng tuyển sinh hệ chuyên ở cấp THCS thì có ảnh hưởng đến việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi ở cấp học này không; phương án tuyển sinh lớp 10 cần thay đổi thế nào để phù hợp với yêu cầu phân hóa, lựa chọn môn học ở cấp THPT theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là những nội dung cần được nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
(Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1, TPHCM)
Phụ huynh như “ngồi trên lửa”
Để chuẩn bị cho con tham gia kỳ thi khảo sát năng lực vào lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM), tôi đã cho con tham gia lớp luyện thi từ đầu năm học lớp 3. Lớp con tôi đang học có hơn nửa lớp phụ huynh cho con tham gia các khóa luyện thi vào lớp 6. Việc Bộ GD-ĐT đột ngột yêu cầu dừng tuyển sinh lớp 6 trong trường THPT chuyên khiến hai ngày nay các phụ huynh như “ngồi trên lửa”. Số tiền các gia đình đã bỏ ra cho con học luyện thi không hề nhỏ, nhưng quan trọng hơn là tâm lý của các con. Tôi mong cơ quan quản lý lấy ý kiến rộng rãi dư luận trước khi quyết định chính thức vì việc này ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình học sinh.
(Chị NGUYỄN THU TRANG, phụ huynh có con đang học lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM)