Trường THPT công lập được tự chủ biên chế: Hiệu trưởng có dễ lộng quyền?
Ủng hộ hướng các trường đã tự chủ về tài chính thì nên tự chủ cả về tổ chức bộ máy, biên chế, song nhiều ý kiến cũng băn khoăn: liệu trao quyền lực quá nhiều cho hiệu trưởng có gây sự lạm quyền?
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế giai đoạn 2020-2023 cho Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa.
Đây là trường công lập đầu tiên trong cả nước được tự chủ cả tổ chức bộ máy và biên chế. Trước đó, ngôi trường này cũng được tự chủ tài chính từ năm 2008.
Tự chủ sẽ tạo ra đột phá?
Chia sẻ với VietNamNet, nguyên hiệu trưởng của một trường công lập cho hay hoàn toàn đồng tình và ủng hộ mô hình này.
“Trường đã tự chủ toàn phần về tài chính thì nên giao cho họ quyền tự chủ về biên chế. Nhiều người sợ giao nhiều quyền cho hiệu trưởng thì họ dễ sinh lạm quyền, lộng quyền. Tuy nhiên, hãy nhìn vào hiệu quả của việc trao quyền đó. Hiệu trưởng có năng lực thì việc này sẽ tạo cơ chế, hành lang pháp lý để chủ động hơn trong việc đưa ra ra quyết sách, chiến lược để phát triển nhà trường. Thậm chí sẽ gần giống như mô hình trường tư. Tức muốn có kinh phí hoạt động, duy trì và tồn tại nhà trường thì phải có người học. Mà muốn có đông học sinh thì buộc trường phải có chất lượng giảng dạy tốt, nhiều hoạt động, nề nếp,...
Và muốn có chất lượng thì phải có đội ngũ giáo viên giỏi, phải có nhiều vị trí việc làm hơn so với các trường công lập đại trà để tổ chức nhiều các hoạt động giáo dục khác để khiến phụ huynh hài lòng”, vị này phân tích.
Theo vị này, biên chế của các trường công hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào các quy định và bộc lộ nhiều bất cập. “Ví dụ, hiện nay, hầu như tất cả các trường công đều thiếu giáo viên tiếng Anh để dạy theo chương trình nhưng lại hạn chế về biên chế”.
Hiệu trưởng một trường chuyên nổi tiếng cũng ủng hộ hướng trao quyền tự chủ cho các trường công lập.
“Khi đó, hiệu trưởng có nhiều quyền hơn và ít chịu ảnh hưởng của cơ quan quản lý trực tiếp nhưng mức chịu trách nhiệm cũng cao nhất”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cho hay, sau thời gian dài tự chủ tài chính trước đây, trường cũng có những hiệu quả, bước tiến nhất định. Cơ chế tự chủ buộc trường phải khai thác nguồn lực một cách hiệu quả hơn.
“Đương nhiên tự chủ tài chính thì vất vả hơn các trường công lập bình thường. Do đó khi đã có được nguồn tài chính thì phải luôn có ý thức sử dụng nguồn đó sao cho hiệu quả nhất. Có thể hình dung khi bạn được bố mẹ cấp cho 5 triệu đồng/tháng để chi tiêu sẽ khác với việc tự mình phải kiếm 5 triệu đó. Mình sẽ phải tính toán, tìm cách để chi tiêu hợp lý hơn. Nhà trường cũng vậy, sẽ luôn luôn phải đưa ra những phương án vận hành tốt hơn, tự ý thức nâng cao chất lượng giáo dục hơn và phải được xã hội ghi nhận, để tự nuôi sống mình”, ông Nhâm nói.
Xuất phát điểm là trường bán công, Trường THPT Phan Huy Chú chuyển sang tự chủ tài chính từ năm 2008 đến nay. Với mức thu học phí khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều lần so với học phí của các trường công lập đại trà, nhưng những năm gần đây, Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đều có hơn 1.000 học sinh theo học. Không chỉ vậy, trường còn thuộc tốp những trường có điểm chuẩn đầu vào cao.
“Chỉ cần năm nay không được ghi nhận, năm sau người ta không cho con em vào học, không thể tuyển sinh thì nhà trường tự chết luôn. Là sự sống còn nên buộc phải tìm cách để khẳng định uy tín và chất lượng”, ông Nhâm nói.
Và được tự chủ tổ chức bộ máy, biên chế, theo ông Nhâm có thể tạo nên đột phá, giúp nhà trường cởi trói rất nhiều vấn đề.
“Việc này giúp trường có thể chủ động hơn, bởi giáo dục không phải cái bất biến mà thay đổi theo từng năm. Ví dụ khi cần thay đổi một nội dung nào đó đều phải chờ cấp phép, phê duyệt với độ trễ nhất định thì nhiều khi bị lỡ mất cơ hội. Giờ đây, với cơ chế tự chủ gần như hoàn toàn này, chúng tôi cảm thấy rất thuận lợi", ông Nhâm nói.
'Lộng quyền' là tự giết mình
Nói về tuyển dụng giáo viên, ông Nhâm cho rằng nếu ký tuyển bừa bãi, ào ạt thì không khác gì hiệu trưởng tự mình giết mình. Bởi chất lượng đầu vào giáo viên yếu kém thì kéo theo chất lượng giáo dục chung toàn trường.
Và theo ông Nhâm, không có chuyện hiệu trưởng được ký tuyển dụng bừa cho một cá nhân nào đó vào biên chế để tìm cách cho giáo viên đó "tuồn" sang trường khác. Bởi ở trường khác, họ phải chịu trách nhiệm nên chắc chắn phải đánh giá chuyên môn, trình độ.
Ông Nhâm cũng cho rằng lo lắng về việc trao rất nhiều quyền có thể dẫn đến việc hiệu trưởng lộng quyền là có cơ sở. Tuy nhiên, đó chỉ là khi nhìn vấn đề từ bên ngoài.
“Với những trường tự chủ nuôi sống mình, nếu hiệu trưởng lạm quyền hoặc lợi dụng quyền lực để tư lợi cá nhân thì chỉ ít năm ngôi trường đó cũng tan và kéo theo bản thân hiệu trưởng cũng sẽ mất hết. Bởi khi chất lượng giáo dục yếu kém, dân không cho con em vào học, thì hiệu trưởng sẽ lấy gì để mà lộng quyền. Hiệu trưởng như tôi, nếu không khuyến khích, lôi kéo được người tài thì hiệu trưởng là người “chết trước” chứ không phải là chuyện thể hiện quyền lực hay lộng quyền đối với giáo viên”, ông Nhâm nói.
Song, ông Nhâm cũng nhấn mạnh, tất cả những nội dung được tự chủ không có nghĩa hiệu trưởng thích làm gì thì làm mà đều phải gắn với trách nhiệm giải trình.
Bà N., hiệu trưởng một Trường THPT công lập ở Hải Phòng cho rằng, tự chủ là xu thế tất yếu song cũng đặt ra lo ngại bởi “sòng phẳng quá trong giáo dục có cái lợi nhưng cũng có cái hại”.
“Khi tự chủ gần như hoàn toàn như thế này thì chắc học phí sẽ cao, nhưng liệu chất lượng đào tạo có đảm bảo thực sự tương xứng? Và không rõ liệu học sinh trường này sẽ được thụ hưởng những gì hơn so với các trường công lập khác?”, bà N. nói.