Trường THPT Thanh Hòa khẳng định chất lượng giáo dục
Mặc dù có đông học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng đầu vào thấp nhưng nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên chất lượng giáo dục ở Trường THPT Thanh Hòa (Bù Đốp) ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây, trường có điểm bình quân đạt cao, trong đó có 2 thủ khoa đại học.
>> “Khai tử” chứng chỉ lỗi thời
>> THPT Đồng Phú - 20 năm khẳng định vị thế
>> Giáo dục trẻ phát triển toàn diện
>> Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học
>> Lá phiếu sau thử nghiệm và lối đi quyết định
Trò chọn thầy
Địa bàn huyện Bù Đốp có 2 trường dành cho học sinh bậc THPT là cấp 2-3 Tân Tiến và THPT Thanh Hòa. Trong đó, Trường THPT Thanh Hòa vùng tuyển sinh khá rộng với 5/7 xã, thị trấn toàn huyện, gồm các xã: Thanh Hòa, Hưng Phước, Phước Thiện, Thiện Hưng và thị trấn Thanh Bình. Dù vậy, tỷ lệ tuyển sinh hằng năm vẫn không đạt chỉ tiêu tỉnh giao. Hiệu phó Nguyễn Ngọc Huân cho biết: Chỉ trừ những em bị điểm liệt, số còn lại đều trúng tuyển vào lớp 10 của trường nhưng mỗi năm chỉ tuyển sinh trên dưới 340 em/380 chỉ tiêu cấp trên giao. Ngoài chất lượng đầu vào thấp, trường có hơn 20% học sinh dân tộc thiểu số, mỗi năm khoảng 150 học sinh thuộc diện nghèo, khó khăn cần quan tâm, hỗ trợ. Năm học 2019-2020, trường có 998 học sinh/32 lớp, so với năm học 2018-2019 tăng 10 học sinh nhưng giảm 6 lớp.
Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đối với học sinh thuộc diện gia đình chính sách, khó khăn, trường miễn giảm tiền học thêm; những học sinh vượt khó học tốt, trường vận động trao học bổng, mỗi năm gần 100 triệu đồng. Những năm qua, trường thực hiện phong trào “chống chay học” rất hiệu quả, do thầy Nguyễn Anh Huy, nguyên Hiệu trưởng trường khởi xướng. Những học sinh nguy cơ bỏ học, lãnh đạo trường cùng Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em và gia đình để tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu học sinh gặp khó khăn về kinh phí, tư trang học tập, phương tiện đi lại thì trường vận động hỗ trợ; nếu khó khăn được giải quyết mà học sinh vẫn không còn động lực đi học thì vận động chuyển sang học nghề. Vào tiết chào cờ đầu tuần, đoàn thanh niên tổ chức cho các lớp thi kể chuyện về gương người tốt, việc tốt, nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập, qua đó lan tỏa những hành động đẹp, việc làm tốt trong toàn trường. Từ những cách làm này đã tạo điểm nhấn ở Trường THPT Thanh Hòa, đó là học sinh rất nền nếp, chăm ngoan, luôn chấp hành đúng nội quy, quy chế trường đề ra; nhiều năm liền không xảy ra tình trạng bạo lực học đường hay mắc các tệ nạn xã hội.
Hiện trường có 101 cán bộ, giáo viên, trong đó 93 giáo viên đứng lớp. Phần lớn giáo viên đang trong “độ chín” nên yêu nghề, với tuổi đời trên dưới 40. Ở trường, giáo viên không được chọn lớp, chọn học sinh mà học sinh được chọn thầy. Hằng năm, trường lấy ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh về các mặt hoạt động của trường, của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thông qua phiếu khảo sát. Qua kết quả khảo sát, Hội đồng sư phạm trường họp bàn chấn chỉnh lại nội quy, quy chế hoạt động; đồng thời phân công giáo viên theo nguyện vọng của học sinh nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề giáo và tạo sự hứng thú say mê học tập của các em. Những giáo viên được học sinh tín nhiệm, trường phân công dạy lớp chất lượng cao, cuối cấp và ngược lại. Từ kết quả sau 1 năm học lớp 10, tùy vào thành tích, năng lực, sở trường của các em trường phân thành nhóm, lớp để đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Buổi sáng học chính khóa, buổi chiều bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém.
Đổi mới dạy học
Nhằm đánh giá đúng chất lượng dạy và học, Ban giám hiệu trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em phù hợp từng môn học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Trường THPT Thanh Hòa (Bù Đốp) được xây dựng mới, đưa vào hoạt động từ đầu năm học 2019-2020
Trong 2 năm học liền (2016-2017 và 2017-2018), tỷ lệ tốt nghiệp của Trường THPT Thanh Hòa đều đạt 100%; năm học 2018-2019 đạt 98,75%, cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trường có 2 em đạt điểm thi theo khối cao nhất tỉnh là Giang Văn Thìn, thủ khoa khối A với tổng 25,65 điểm (Toán 8,4, Lý 8,75, Hóa 8,5); Ngô Thị Thiên Thảo, thủ khoa khối C1 với tổng 24,25 điểm (Toán 8, Văn 7,5, Lý 8,75). Kỳ thi Olympic 19/5, năm học 2018-2019, trường đoạt 44 huy chương (2 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 30 huy chương đồng). Kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh năm học 2019-2020, trường đoạt 23 giải (2 giải nhì, 7 giải ba, 14 giải khuyến khích), tăng 7 giải so với năm học 2018-2019.
Cô Huỳnh Thị Minh Hạnh, Tổ phó Tổ Văn cho biết: Những năm gần đây, cấu trúc đề thi thay đổi, thường đề cập đến các vấn đề thời sự nóng hổi mà cả xã hội quan tâm. Vì thế, người thầy cũng cần phải thay đổi phương pháp dạy, linh hoạt vận dụng kiến thức thực tế trong cuộc sống lồng ghép vào bài giảng. Song song đó, đề thi cũng phải thay đổi theo hướng “đề mở” để học sinh bày tỏ chính kiến, nhận định về các vấn đề xã hội mình quan tâm. Ngoài ra, nội dung chương trình dạy học hiện nay cũng cần thay đổi, như những vấn đề có lượng kiến thức nhiều, tính chất quan trọng, liên quan đến thi cử thì dành nhiều thời gian để phân tích, khai thác sâu; ngược lại, những vấn đề không thật sự cần thiết, mang tính tham khảo, xã hội ít quan tâm thì có thể lướt qua. Tuy nhiên, tuyệt đối không được cắt xén nội dung chương trình, thời lượng. Nhờ linh hoạt đổi mới dạy học, trong các kỳ thi THPT quốc gia, môn Văn của học sinh Trường THPT Thanh Hòa không có điểm liệt, hằng năm điểm bình quân đều trên trung bình và cao hơn điểm bình quân chung của tỉnh. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, điểm bình quân môn Văn đạt 5,27, cao hơn điểm bình quân chung của tỉnh 0,03.
Khác với những năm học trước, đầu năm học 2019-2020, thầy trò Trường THPT Thanh Hòa vui mừng vì được dạy - học ở trụ sở mới khang trang, đồng bộ, bề thế. Trường được xây dựng ở khu đất mới với diện tích 2 ha, gồm 3 dãy lầu. Trong đó, 1 dãy 30 phòng học lý thuyết; 1 dãy lầu 8 phòng học bộ môn và 1 dãy lầu khối hiệu bộ, hội trường. Ngoài ra còn có cổng, hàng rào, nhà xe, sân trường và các hệ thống tổng thể đi kèm. Tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp. Thầy Trương Thanh Bình, Hiệu trưởng trường chia sẻ: Để đạt chuẩn theo quy định, trường còn thiếu một số công trình, hạng mục cần đầu tư xây dựng bổ sung. Dù vậy, có được ngôi trường mới là niềm vui, hạnh phúc lớn đối với thầy và trò. Phát huy những thành quả đạt được cùng với ngôi trường mới sẽ là điều kiện thuận lợi, động lực để thầy, trò phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Vũ Thuyên
>> Duy trì sĩ số học sinh bằng tấm lòng người thầy
>> Tiên phong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo
>> Quan tâm khen thưởng những đóng góp cho sự phát triển giáo dục
>> Học sinh cấp 2 khom lưng ngồi bàn ghế cấp 1
>> “Thầy say nghề, học trò sẽ say học”