Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Hải Phòng sáng tạo cách dạy vần cho học sinh
Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Hải Phòng) đã đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo trong việc dạy những bài dạng nhiều vần, tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) vừa tổ chức chuyên đề chuyên môn cấp quận “Dạy học tiếng Việt theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 kiểu bài dạy vần mới”.
Tại chuyên đề, các đại biểu được dự tiết dạy minh họa tiếng Việt 1, bài 59 với bài dạy vần “ang, ăng, âng” do cô giáo Hoàng Thị Thúy và các em học sinh lớp 1A7 thực hiện.
Với sự chuẩn bị chu đáo, phương pháp dạy học sáng tạo, linh hoạt, biết kế thừa những điểm mạnh của mô hình trường học VNEN, tiếng Việt công nghệ giáo dục nên giờ học đạt được hiệu quả cao, học sinh chủ động, tích cực, thao tác cô trò nhịp nhàng.
Đặc biệt, cô giáo Hoàng Thị Thúy rất sáng tạo với clip thư giãn “bé vui học vần” giúp học sinh củng cố cách học vần, tạo hứng thú cho các em khi chuyển hoạt động mới.
Phát biểu tại chuyên đề, cô giáo Vũ Diệu Thư, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện dạy học tiếng Việt lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Qua 3 tháng triển khai dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục tại trường đã đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên lúng túng, khó khăn trong tiếp cận thực tế nội dung, chương trình, phương pháp dạy học nhất là khi chuyển các dạng bài mới.
Để khắc phục tình trạng trên, ngay sau khi lựa chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp, Trường tiểu học Võ Thị Sáu đã cho giáo viên khối 1 nghiên cứu kỹ nội dung trong sách.
Từ đó xây dựng được kế hoạch giáo dục môn học, tìm ra những bài có nội dung dài, khó để điều chỉnh giãn tiết.
Đặc biệt, nhà trường đã xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn giảng dạy tiếng Việt 1 gồm tiến trình giảng dạy của từng dạng bài cụ thể như: dạy âm, dạy vần, dạy ôn tập và kể chuyện,…
Chính vì vậy, giáo viên nhà trường đã nắm chắc được tiến trình của giờ dạy, chủ động trong việc tổ chức các hoạt động dạy học.
Cô giáo Vũ Diệu Thư cho rằng: “Đối với dạng bài dạy 3 vần thì tiến hành dạy song song 3 vần, nhưng từ điểm giống nhau của các vần nên chúng tôi đã linh hoạt ở một số chỗ như: tập viết, ghép vần để phát triển năng lực cho học sinh.
Chúng tôi đã chú ý sử dụng đồ dùng học tập trong phát triển tiếng mới, tự dựng các video làm học liệu ngoài mục đích thư giãn còn củng cố vần vừa học và là phần chuyển giữa các hoạt động trong giờ dạy.
Phần học liệu này thực sự hấp dẫn và lôi cuốn học sinh, tạo được không khí giờ học thoải mái mà hiệu quả.
Sách giáo khoa được sử dụng trong phần đọc hệ thống toàn bộ nội dung bài. Đưa sách sử dụng vào phần này vừa hợp lý về nội dung và còn hợp lý với việc sử dụng các đồ dùng của học sinh, tạo được sự nhịp nhàng nề nếp cho lớp học.
Chúng tôi đã kế thừa những điểm mạnh của mô hình trường học VNEN, tiếng Việt Công nghệ giáo dục khi áp dụng dạy tiếng Việt 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chính vì thế, mọi đối tượng học sinh được tham gia tích cực trong giờ học từ cá nhân đến nhóm, tổ, lớp học có nề nếp”.
Chuyên đề dạy học môn tiếng Việt theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 kiểu bài dạy vần mới của Trường tiểu học Võ Thị Sáu được triển khai đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn về dạy tiếng Việt lớp 1, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với các đối tượng học sinh, các nhà trường và từng địa phương.
Chuyên đề còn đóng góp sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời là cơ hội để các giáo viên trên địa bàn quận Lê Chân trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và sáng tạo trong quá trình giảng dạy.