Trường trong ngõ, thoát lối nào khi xảy ra cháy?
Nhiều trường mầm non, nhóm trẻ độc lập nằm ngay bên cạnh cây xăng, chợ, cơ sở sản xuất nhưng thiếu các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy...
Trường học quá tải học sinh, trong ngõ nhỏ, đặc biệt nhiều trường mầm non, nhóm trẻ độc lập nằm ngay bên cạnh cây xăng, chợ, cơ sở sản xuất nhưng thiếu các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và chỉ có một lối thoát hiểm. Vậy khi xảy ra hỏa hoạn, cô, trò thoát nạn cách nào?
Dạy học trong lo âu
Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nằm sâu trong con hẻm nhỏ của đường Hoàng Diệu. Lối vào trường, chỉ có thể di chuyển bằng xe gắn máy. Thậm chí, hai chiếc xe máy đi tránh nhau còn khó vì người dân để xe cộ ngay lối đi; nhiều hộ dân còn tranh thủ bán đồ ăn sáng nên phụ huynh đưa đón con đi học rất vất vả.
Cô Trần Thị Như Lai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vân kể lại sự cố cháy nổ ngay gần trường: “Gần đến giờ ăn bữa trưa, các cô nghe người dân xung quanh trường chạy tán loạn. Nhìn ra thấy khói bốc đen ngòm. Mọi người vừa chạy vừa quay lại dặn “đưa học sinh chạy đi chớ đang cháy trước đường Hoàng Diệu rồi”.
Nghe đến đó, ban giám hiệu và giáo viên đều run, đưa các cháu đi đâu bây giờ? Đường vào trường quá hẹp, người dân xung quanh cũng náo loạn chạy thoát thân, đưa các cháu nhỏ chạy lúc này có khi còn nguy hiểm hơn, không khéo còn bị giẫm đạp vì không có chỗ để chen chân. May mà đám cháy được dập tắt kịp thời”.
Kể từ “sự cố” cháy nổ ngay sát bên hông, cô Như Lai cho biết: “Hễ cứ có mùi khét, việc đầu tiên phải ngắt cầu dao điện của toàn trường. Tiếp theo là liên hệ với điện lực nhờ xuống kiểm tra lại hệ thống dây điện”. Các lớp học được trang bị 2 bình chữa cháy và giáo viên đều phải thuần thục các thao tác. Ngoài cổng chính, trường còn mở thêm cổng phụ phía sau để có lối thoát hiểm. “Tuy nhiên, cả cổng chính và cổng phụ đều dẫn ra các hẻm nhỏ, đông dân cư. Trẻ phải di chuyển một đoạn đường khá dài mới ra đến đường lớn. Chưa kể, trường cũng khá gần chợ nên mật độ người tập trung cao. Vì vậy, dù giáo viên nhớ nằm lòng các phương án di chuyển trong trường hợp có hỏa hoạn, lớp nào di chuyển theo cổng, cầu thang nào nhưng nếu xảy ra sự cố thì không tránh khỏi tâm lý hoảng loạn”, cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vân cho biết.
Cơ sở 2 của Trường Mầm non Cẩm Vân nằm ngay sát đường Trưng Nữ Vương, nhưng các cô giáo ở đây cũng nơm nớp lo cháy nổ. Hiện cơ sở này có 70 cháu thuộc độ tuổi lớp nhà trẻ. Vì diện tích chật hẹp nên mỗi tầng chỉ có một phòng học.
“Mặc dù đã thiết kế riêng cầu thang thoát hiểm nhưng do diện tích quá nhỏ nên buộc phải dùng cầu thang sắt theo hình xoắn ốc. Khi thực nghiệm phương án phòng cháy chữa cháy, cô giáo di chuyển một mình đã khó khăn chứ đừng nói bồng bế theo cháu trên tay”, cô Như Lai kể và thông tin thêm:
Hiện trường phải thuê địa điểm bên ngoài với chi phí 3 triệu/tháng, làm chỗ để xe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Điều này để đảm bảo công tác thoát hiểm và an toàn giao thông ở cổng trường, nhưng cũng do một phần khoảng sân của trường quá nhỏ, không có chỗ để xe.
Nước xa không cứu được lửa gần
Bếp ăn của Trường Mầm non Cẩm Vân nằm đối diện cửa ra vào một lớp học. “Dù cơ quan phòng cháy chữa cháy khuyến cáo không đặt bếp ăn ở tầng trệt để đảm bảo an toàn nhưng trường không thể di chuyển được vì cơ sở vật chất chật hẹp”, cô Như Lai cho biết. Để giảm thiểu độ nóng, nhà trường đặt bếp nấu và bình ga vào sát phía tường để giãn khoảng cách giữa bếp và lớp học. Phía cửa ra vào của khu vực bếp, chỉ đặt các bồn rửa.
Lớp học nằm ngay cạnh bếp nấu, cô Nguyễn Thị Tú Quỳnh kể: “Hai giáo viên đứng lớp buộc phải ghi nhớ, trong tình huống khẩn cấp di chuyển trẻ ra cửa thoát hiểm ở phía sau. Trong lớp học, luôn có khăn mặt thấm ướt sẵn đủ cho mỗi trẻ/cái. Bình chữa cháy cũng ở góc lớp và chúng tôi phải sử dụng thuần thục”.
Ngoài Trường Mầm non Cẩm Vân, một số trường học ở Đà Nẵng nằm sâu trong khu dân cư đông đúc, lối vào là những hẻm nhỏ. Như Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, Trường Mầm non Phong Lan, Mầm non Mẫu Đơn, Tiểu học Hàm Nghi (quận Thanh Khê) hay Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (quận Liên Chiểu).
Bà Lê Thị Hoàng Chinh – Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho hay: “Với các trường này, đường ống của xe PCCC có thể vào được. Như Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu thì đường vào trường đủ rộng để xe có thể di chuyển vào. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là trong tình huống khẩn cấp, việc di chuyển học sinh, giáo viên phải đảm bảo được an toàn, tránh hoảng loạn rồi giẫm đạp lên nhau”.
Để vào 2 cơ sở của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phải băng qua đường dân sinh cắt ngang đường sắt với con dốc khá cao. Tình trạng bị dồn ứ xe vào đầu và cuối buổi học tại 2 điểm trường xảy ra như cơm bữa do đường vào trường quá nhỏ, lại ngoằn ngoèo, nằm chen giữa khu dân cư.
Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu trao đổi: “Dù không gian phía trong của Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh khá rộng và thoáng, nhưng chúng tôi vẫn lo ngại các sự cố cháy nổ, chập điện do 2 cơ sở của trường không thể di chuyển xe ô tô hay taxi vào được. Vì vậy, hằng năm, phòng GD&ĐT đều chọn cơ sở này để tổ chức diễn tập. Mục đích để học sinh không hoảng loạn, di chuyển an toàn khi có sự cố xảy ra”.
Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh cũng chuẩn bị sẵn 2 hố cát trong khuôn viên, mỗi dãy phòng học đều trang bị đủ bình xịt. Tuy nhiên, về lâu dài, trường cần di chuyển ra khỏi khu dân cư để đảm bảo các yêu cầu về PCCC. UBND quận Liên Chiểu đang hoàn chỉnh đề án để xây dựng trường ở khu vực Hòa Hiệp 3 với số vốn đầu tư 42 tỷ đồng.
Không an toàn, không hoạt động
Thời gian gần đây, tình hình cháy nổ trên địa bàn Hà Nội nói chung - quận Hoàng Mai nói riêng có chiều hướng gia tăng, diễn ra phức tạp. Hoàng Mai là nơi có nhiều trường mầm non tư thục nhiều nhất Hà Nội. Các trường nằm sát khu dân cư, chợ, xưởng sản xuất nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Đặc biệt, loại hình cơ sở này chủ yếu là trẻ nhỏ, chưa có kỹ năng PCCC, thoát nạn, tâm lý dễ hoảng loạn khi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, phần lớn các nhóm, lớp, trường mầm non tư thục thuê lại nhà ở của người dân và thay đổi công năng sử dụng. Do đó, không được trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy, chỉ có một cửa thoát nạn, hệ thống điện chưa bảo đảm an toàn.
Chia sẻ của bà Trương Thu Hà - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, những năm qua, quận luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng chống cháy nổ trong các trường học; hướng dẫn cho giáo viên, học sinh cách thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra.
Đặc biệt, phòng không cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở giáo dục tư thục không đủ an toàn phòng cháy. Mới đây, phòng yêu cầu một trường mầm non tư thục tạm thời dừng hoạt động do chưa bảo đảm điều kiện an toàn về công tác phòng cháy chữa cháy. Nguyên nhân do cơ sở này thuê địa điểm, không thể làm lối thoát nạn, buồng thang bộ.
Nằm trên địa bàn đông dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, Ban giám hiệu Trường THCS Thịnh Liệt luôn ý thức được tầm quan trọng của việc phòng cháy, chữa cháy. Theo cô Hiệu trưởng Bùi Hoàng Yến, nhà trường tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về phòng chống cháy nổ cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tuyên truyền trong giờ sinh hoạt, ngoài giờ lên lớp nhằm giúp các em thực hiện tốt một số biện pháp phòng chống cháy nổ.
Đặc biệt, học sinh được diễn tập các tình huống thoát nạn khi có sự cố xảy ra; mỗi lớp trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết. Từ kiến thức được trang bị qua các buổi truyền thông, các em không quên nhắc nhở gia đình nên trang bị thêm bình chữa cháy xách tay.
Qua những hình ảnh tư liệu lồng ghép với tình huống thực tế, các em được giới thiệu và hướng dẫn những kỹ năng cơ bản trong công tác phòng chống cháy, nổ: Thao tác ứng phó sự cố cháy nổ khi mới phát sinh, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy.
Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh học sinh ở quận Đống Đa bày tỏ: Vụ cháy ở phố Khương Hạ vừa qua là lời cảnh tỉnh, giúp nhận thức về công tác phòng cháy chữa cháy của người dân được nâng cao hơn trước rất nhiều. Trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ.
Để phục vụ hoạt động dạy học cần khối lượng lớn cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó hầu hết là chất dễ cháy như bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu... Do đó, tăng cường công tác phòng cháy trong trường học hết sức cần thiết. Đặc biệt là kỹ năng thoát nạn khi có sự cố.