Trường tư giải thể, trường công quá tải, nhiều trẻ mầm non chưa được đi học
Trong khi nhiều trẻ mầm non Hà Nội được đi học trực tiếp thì không ít bé vẫn phải ở nhà do trường cũ giải thể, chưa tìm được chỗ học mới.
Bé Bống (4 tuổi, Hà Nội) hôm nay vẫn nghỉ ở nhà do trường cũ giải thể. Chị Nguyễn Phương Thảo (31 tuổi, mẹ bé Bống) chưa tìm được chỗ học mới cho con nên tiếp tục gửi con đến nhà bà ngoại.
Từ tháng 1/2022, trường mầm non tư thục Họa Mi thông báo giải thể do không đủ năng lực tài chính để duy trì hoạt động, chị Thảo và phụ huynh khác ngỡ ngàng, tiếc nuối. Họ đành tìm cho con môi trường học tập mới. Do không có hộ khẩu Hà Nội, nên lựa chọn duy nhất của chị Theo là trường tư thục. Tiêu chí bà mẹ 31 tuổi đưa ra là không gian lớp sạch sẽ, rộng rãi, lớp học không quá đông và có camera. Bên cạnh đó, chị muốn trường có chương trình dạy học, rèn luyện cho con chứ không đơn thuần trông trẻ. Mức chi phí dự tính từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền ăn.
"Qua 3 tháng tìm kiếm, tôi vẫn chưa ưng cơ sở nào. Trường đáp ứng đủ tiêu chí thì mức học phí quá cao, trường trong hạn mức thì chưa thực sự đáp ứng mong muốn của phụ huynh, thậm chí cơ sở vật chất có phần xuống cấp”, chị Thảo nói và cho biết, sau 4 lần dịch, số lượng trường mầm non tư thục giải thể lớn, trường mới mở gần như rất ít, nên phụ huynh không có nhiều sự lựa chọn như trước đây.
Trong khi đó, chị Phan Thị Chung (29 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) có hộ khẩu Hà Nội song không thể "chen chân" xin cho con vào trường mầm non công lập. Trước đợt dịch, con gái chị học ở trường mầm non tư thục song ngữ Sunrice. Cuối năm 2021, trường thông báo chuyển nhượng chủ đầu tư khác, đổi tên và thay đổi toàn bộ giáo viên và chương trình học. Nếu phụ huynh có nhu cầu thì có thể tiếp tục cho con theo học.
“Trường học đổi chủ, học phí tăng cao hơn 1,5 lần so với trước kia, hơn 10 triệu đồng/tháng. Do đó, gia đình tôi quyết định xin thôi học để chuyển con sang trường phù hợp hơn", chị Chung nói. Gia đình chị đăng ký vào trường công lập gần nhà nhưng do đã đủ chỉ tiêu trường không thể nhận thêm trẻ. Chị đành ngậm ngùi tìm trường tư thục khác phù hợp hơn. Trong thời gian chờ đến trường, gia đình chị quyết định gửi con về quê cho ông bà nội trông và tạm theo học một trường mầm non gần đó.
Không chỉ chị Thảo, chị Chung, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm trường, tìm lớp cho con thời điểm này. Sau thời gian dài dịch bệnh, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đồng loạt “biến mất” hoặc đổi chủ, thay tên khiến phụ huynh trở tay không kịp.
Trường tư khóc ròng
Nhiều chủ trường mầm non ngậm ngùi, bất lực khi không thể mở cửa ngay để đón học sinh. Anh Lê Hải Anh, chủ trường mầm non Hoa Ban (Hoàng Mai, Hà Nội) đang đau đầu với việc sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị lớp học.
"Đóng cửa gần một năm, 50% bàn ghế, đồ chơi gỗ, giấy đều bị mọt, mục không thể tái sử dụng, tường lớp học mốc đen buộc phải sơn lại toàn bộ. Chi phí sơn, sửa và sắm mới thiết bị dự toán gần 1 tỷ đồng, vượt quá tiềm lực kinh tế của trường. Thời gian nghỉ dịch, trường vẫn phải chi trả các khoản phí thuê mặt bằng, tiền hỗ trợ để giữ chân giáo viên...", anh Hải Anh nói và cho biết, tạm thời trường quyết định đóng cửa thêm một tuần để thay thế và sửa chữa, kịp đón trẻ vào đầu tuần tới.
Cô Nguyễn Thị Tiến, chủ của hai cơ sở mầm non tư thục Nụ cười bé thơ buồn bã, một cơ sở phải giải thể từ 5 tháng trước do không đủ kinh phí thuê mặt bằng, còn một sơ sở không tuyển đủ giáo viên đứng lớp nên cũng chưa thể hoạt động.
"Nhiều phụ huynh nhắn tin, gọi điện hỏi cô khi nào trường có thể hoạt động trở lại. Tôi không biết hồi đáp phụ huynh ra sao khi ở thời điểm hiện tại, nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực chưa được khắc phục", cô nói.
Trước dịch, mỗi cơ sở mầm non của cô Tiến trung bình khoảng 150 trẻ ở các độ tuổi khác nhau, với mức thu khoảng 4 triệu/tháng/trẻ. Tuy nhiên dịch bệnh kéo dài, trong khi không có khoản dự phòng, sau hơn 5 tháng gồng gánh liên tục, cô quyết định phải giải thể trường một trường.
“Dù rất muốn bám trụ, nhưng vì không thể co kéo nên chúng tôi đành phải buông tay. Việc sang nhượng cơ sở cũng rất khó do không ai muốn mua lại trường mầm non ở thời điểm ấy, chúng tôi chỉ có thể “bán tống, bán tháo” đồ đạc, thu về chưa đến 1/3 giá trị đầu tư”, cô nói.