Trường tư thục Đắk Nông 'chia lửa' giảm áp lực thiếu giáo viên ở trường công lập

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, thời gian qua, Đắk Nông luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các trường ngoài công lập (tư thục), góp phần giảm áp lực thiếu giáo viên ở các trường công lập.

Tạo được uy tín và niềm tin

Chúng tôi thật sự ấn tượng khi đến Trường tiểu học - THCS và THPT Hai Bà Trưng, một ngôi trường tư thục (TT) nằm ở tổ dân phố 2, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp bởi quy mô, môi trường, khuôn viên hết sức hoành tráng, bài bản, khoa học.

Trường tiểu học - THCS và THPT Hai Bà Trưng, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp đầu tư các phòng học bộ môn một cách bài bản

Trường tiểu học - THCS và THPT Hai Bà Trưng, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp đầu tư các phòng học bộ môn một cách bài bản

Qua tham quan, tìm hiểu, trong khuôn viên khoảng 10.000m2, trường được đầu tư đầy đủ phòng học cho cả 3 cấp học. Các phòng đều được trang bị tivi, hệ thống máy tính, kết nối internet phục vụ giảng dạy và học tập. Trường còn có các phòng chức năng như phòng học ngoại ngữ, phòng học âm nhạc, phòng học mỹ thuật... Phòng thư viện xanh không ngừng cập nhật các đầu sách để đáp ứng sự tìm tòi nghiên cứu của học sinh và giáo viên.

Khu vận động dành cho học sinh rèn luyện thể chất được Trường tiểu học - THCS và THPT Hai Bà Trưng, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp đầu tư đầy đủ

Khu vận động dành cho học sinh rèn luyện thể chất được Trường tiểu học - THCS và THPT Hai Bà Trưng, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp đầu tư đầy đủ

Để thuận lợi cho hoạt động vui chơi, giáo dục thể chất của học sinh, trường còn xây dựng hồ bơi, sân bóng đá mini, sân bóng rổ, khu vận động… Ngoài ra, nhà trường có khu ký túc xá với quy mô 400 học sinh, các phòng nội trú cho giáo viên và hiện đang mở rộng quy mô để phục vụ tốt hơn cho công tác bán trú, nội trú tại trường.

Bà Vũ Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS và THPT Hai Bà Trưng cho biết, từ khi thành lập vào năm 2017 đến nay, trường liên tục phát triển về quy mô, từng bước trở thành một trong những ngôi trường TT có uy tín về chất lượng giáo dục của tỉnh. Để có thể thực hiện tốt các định hướng giáo dục đã đề ra, tập thể giáo viên, học sinh nhà trường không ngừng rèn luyện, sáng tạo, lấy việc nâng cao chất lượng giáo dục làm nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình dạy và học.

Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy tại Trường tiểu học - THCS và THPT Hai Bà Trưng, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp được đào tạo bài bản

Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy tại Trường tiểu học - THCS và THPT Hai Bà Trưng, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp được đào tạo bài bản

Cùng với hệ thống giáo dục công lập, trên địa bàn huyện Đắk R'lấp hiện có 5 trường và 40 nhóm, lớp mầm non TT, thu hút 1.766 học sinh. Mặc dù số lượng các cơ sở giáo dục TT chưa nhiều nhưng đã đóng góp đáng kể cho sự đa dạng giáo dục của huyện, góp phần quan trọng để giảm bớt áp lực về thiếu giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công lập.

Ông Phan Văn Tấn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp

Các trường TT đã xây dựng được môi trường giáo dục hoàn thiện, tạo được nhiều lựa chọn cho phụ huynh và tạo sự cạnh tranh công bằng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo được uy tín và dần khẳng định thương hiệu, vị thế trong bức tranh giáo dục của huyện Đắk R’lấp.

Địa chỉ tin cậy

Với slogan: "Ươm mầm nhân cách - Chắp cánh tương lai", Trường mầm non Bé Yêu, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa được xem là trường TT đầu tiên của tỉnh Đắk Nông có nhiều thành tích trong công tác giáo dục, nuôi dạy trẻ. Hiện tại, trường có 3 dãy với 11 phòng học, 1 văn phòng, 1 bếp. Các phòng học thông thoáng, được trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi và giáo cụ phù hợp với từng góc học tập. Trường có sân chơi ngoài trời rộng rãi và an toàn cho trẻ vui chơi, tập luyện thể chất một cách tự do.

Trường mầm non Bé Yêu ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa có nhiều thành tích trong công tác giáo dục, nuôi dạy trẻ

Trường mầm non Bé Yêu ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa có nhiều thành tích trong công tác giáo dục, nuôi dạy trẻ

Trường không sử dụng tivi để bảo vệ đôi mắt và trí óc của trẻ mà khuyến khích trẻ thoải mái chạy nhảy, vui chơi ngoài trời. Để trẻ phát triển thể chất một cách tốt nhất, trường đầu tư bộ vận động liên hoàn, gần 100 xe chòi, tập thể dục mỗi buổi sáng và học Aerobic mỗi buổi chiều.

Bà Nguyễn Thị Hồng Mến, Hiệu trưởng Trường mầm non Bé Yêu cho biết, trong suốt 17 năm hoạt động, bên cạnh chương trình dạy -học của Bộ GD-ĐT, trường luôn nỗ lực nghiên cứu đưa các phương pháp giáo dục mới tiên tiến, hiện đại vào giảng dạy, chăm sóc để mang đến cho trẻ những bài học thú vị, phát triển toàn diện. Trường luôn chú trọng phát triển thể chất, tinh thần và nhân cách cho trẻ, với việc tập trung hướng dẫn các kỹ năng sống phù hợp lứa tuổi.

Trường mầm non Bé Yêu ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa đầu tư nhiều hạng mục trong sân chơi cho trẻ

Trường mầm non Bé Yêu ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa đầu tư nhiều hạng mục trong sân chơi cho trẻ

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 7 trường mầm non và 27 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, TT, thu hút 1.870 trẻ, học sinh theo học. Các trường TT góp phần quan trọng trong phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố, nhất là giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước về đầu tư cơ sở vật chất và biên chế giáo viên.

Mạng lưới tư thục mở rộng

Thời gian qua, mặc dù Đắk Nông chưa có nhiều chính sách riêng đối với các trường TT nhưng các trường đã có nhiều cố gắng nỗ lực tham gia cùng các hoạt động giáo dục của tỉnh. Cơ sở vật chất tại các trường TT được xây dựng khang trang, sạch đẹp, mang đến môi trường học tập thân thiện, bảo đảm các điều kiện về thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định.

Toàn tỉnh có 2 trường THCS&THPT tư thục với gần 900 học sinh

Toàn tỉnh có 2 trường THCS&THPT tư thục với gần 900 học sinh

Các cơ sở giáo dục TT có chuyển biến tích cực về nền nếp, kỷ cương, thực hiện quy chế chuyên môn, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn tâm lý và thể chất cho học sinh.

Tính đến năm học 2024-2025, toàn tỉnh Đắk Nông có 211 trường mầm non, nhóm nhà trẻ độc lập, TT, với hơn 10.000 trẻ; 2 trường tiểu học TT, với 600 học sinh; 1 trường THCS TT, với 162 học sinh; 2 trường THCS&THPT TT với gần 900 học sinh…

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non TT còn được xem là hình mẫu trong xây dựng và phát triển của địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các bậc phụ huynh, với mong muốn con được yêu thương, phát triển toàn diện.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, việc phát triển hệ thống giáo dục TT đã góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập, giảm chi phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư, xây dựng hệ thống trường lớp. Bên cạnh đó, phát triển trường TT còn góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay ở các cơ sở giáo dục công lập.

Kết quả học tập của học sinh các trường TT đạt cao và ổn định. Một số trường đã quan tâm triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất, có tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Việc không ngừng đổi mới, áp dụng nhiều phương pháp giáo dục vào giảng dạy đã giúp tăng cường kiến thức cho học sinh, được các phụ huynh đồng tình, ủng hộ cao.

Các cơ sở giáo dục TT có hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khá bài bản

Các cơ sở giáo dục TT có hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khá bài bản

Ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông khẳng định: Các cơ sở giáo dục TT có hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư khá bài bản, khang trang theo hướng của những nền giáo dục hiện đại. Học sinh đến trường không chỉ được giáo dục về kiến thức mà còn được giáo dục về tính kỷ luật và ứng xử văn hóa. Là một bộ phận của hệ thống giáo dục, các trường TT đã góp phần xứng đáng vào thành công, thắng lợi chung của ngành Giáo dục.

Không phân biệt công-tư

Theo Sở GD-ĐT Đắk Nông, hiện nay tỉnh đangtriển khai Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND ngày 23/12/2010 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vàNghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Vì vậy, các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục luôn được các tỉnh, sở, ngành liên quan tạo điều kiện trong việc hướng dẫn quy trình, thực hiện thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng nhanh, gọn theo đúng quy định của pháp luật. Các huyện, thành phố luôn tổ chức rà soát, quy hoạch và bổ sung quy hoạch đất phát triển giáo dục ở những nơi có nhu cầu mở rộng quy mô trường, lớp.

Riêng đối với Sở GD-ĐT, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về những chính sách khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển giáo dục TT trên địa bàn tỉnh, ngành luôn chỉ đạo các trường công lập tích cực hỗ trợ các trường TT ở địa phương duy trì hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh.

Phòng GD-ĐT các địa phương phối hợp với chính quyền thường xuyên rà soát những trường hợp nhóm trẻ gia đình hoạt động có tính tự phát để tuyên truyền, hướng dẫn chủ nhóm trẻ thực hiện đúng các quy định về việc tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Các địa phương thường xuyên mở lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho giáo viên làm việc tại các cơ sở nhóm, lớp độc lập TT. Đặc biệt, ngành Giáo dục luôn quan tâm, động viên, không phân biệt trường công lập và trường TT trong các hoạt động của ngành cũng như khen thưởng.

Có thêm chính sách cần thiết

Tuy nhiên, hiện nay, quy mô các trường TT trên địa bàn tỉnh đa số nhỏ, chưa có trường theo hướng hiện đại, chất lượng cao và chưa có hợp tác đầu tư nước ngoài.

Đối với bậc mầm non, tình trạng những nhóm trẻ quy mô nhỏ (dưới 5 trẻ) tự phát vẫn còn xảy ra, đa số điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Mức thu của các trường TT còn thấp nên chưa có đủ điều kiện để thu hút đội ngũ giáo viên ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, gắn bó với trường.

Việc thay đổi giáo viên hàng năm ảnh hưởng đến công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ trong quá trình phát triển của nhà trường.

Để giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập, việc thúc đẩy phát triển giáo dục TT trên địa bàn tỉnh cần phải được tỉnh, các địa phương quan tâm, chú trọng hơn nữa ở nhiều góc độ

Để giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập, việc thúc đẩy phát triển giáo dục TT trên địa bàn tỉnh cần phải được tỉnh, các địa phương quan tâm, chú trọng hơn nữa ở nhiều góc độ

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, qua thực tế cho thấy, với việc kêu gọi đầu tư, mở các trường TT, bước đầu đã góp phần giải quyết tình trạng thừa học sinh, thiếu giáo viên ở các trường công lập. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của Đắk Nông còn khó khăn nên việc kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ sở giáo dục TT chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Để giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập, việc thúc đẩy phát triển giáo dục TT trên địa bàn phải được tỉnh, các địa phương quan tâm, chú trọng hơn nữa ở nhiều góc độ. Trong đó, để có thể thu hút đầu tư xây dựng trường TT ở các khu vực vùng sâu vùng xa cần có những chính sách rõ ràng, sát thực hơn. Cụ thể, tỉnh, chính quyền địa phương cần có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục TT trong việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đội ngũ giáo viên, nhân viên ở các trường ở vùng khó khăn; hỗ trợ trả lương giáo viên đối với những nhóm trẻ, lớp mầm non TT…

Bên cạnh đó, chủ trương tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp theo hướng chuẩn hóa của quốc gia và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Đắk Nông sẽ có cơ chế, chính sách để chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.

“Với mong muốn tất cả trẻ em trong độ tuổi từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa đều được đến trường, được chăm sóc và giáo dục, tỉnh Đắk Nông luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể trong khả năng để phát triển quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành Giáo dục”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định.

Từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 21 dự án giáo dục, đào tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 464,4 tỷ đồng; trong đó 16 dự án đang triển khai hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 349,8 tỷ đồng.

Nguồn: Sở KH-ĐT Đắk Nông

Bên cạnh đó, hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm thực hiện dự án lĩnh vực giáo dục, đào tạo gồm: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đắk Nông của Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục nghề nghiệp K27 (huyện Đắk R’lấp); Trường tiểu học song ngữ Hòa Bình của Công ty TNHH Đầu tư phát triển giáo dục Hòa Bình (huyện Đắk Mil); Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế của Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Hutaco (huyện Đắk Song); đầu tư các dự án lĩnh vực giáo dục và một số lĩnh vực khác theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt của Công ty cổ phần Khai Sáng.

Lâm Nhiên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/truong-tu-thuc-dak-nong-chia-lua-giam-ap-luc-thieu-giao-vien-o-truong-cong-lap-229122.html