Trường tư, trường nghề tại TPHCM chật vật tuyển sinh

Khác với những năm trước, thời điểm sau khi Sở GD&ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn, việc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 tại trường tư, trường nghề khó khăn hơn.

Tiết học của học sinh hệ 9+Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM. Ảnh: MA

Tiết học của học sinh hệ 9+Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM. Ảnh: MA

Dù các cơ sở tung ra nhiều chính sách ưu đãi nhưng tình hình tuyển sinh khá ế ẩm.

Nhiều chính sách ưu đãi

Năm học 2025 - 2026, Trường THPT Trần Nhân Tông (phường Bình Trị Đông) được Sở GD&ĐT TPHCM giao 150 chỉ tiêu, tuy nhiên hơn 10 ngày qua, trường chỉ tuyển được hơn nửa. Trước đó, để thu hút học sinh, trường không tăng học phí, mà còn có nhiều chính sách ưu đãi như tặng ba lô, đồng phục cho các em. Dù như vậy, trường vẫn khó thu hút vì lượng học sinh quá ít trong khi có nhiều nơi để các em chọn lựa.

Ông Trần Minh - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm nay, số học sinh tốt nghiệp THCS ít hơn so với năm ngoái, trong khi đó, tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 công lập cao. Mặt khác, địa bàn trường hoạt động mới thành lập một trường THPT công lập với hơn 500 chỉ tiêu, điểm chuẩn khá thấp. Do đó, các em đều trúng tuyển vào trường này. Các năm trước, với điểm số trên, học sinh sẽ chọn trường tư để theo học.

“Ngoài ra, từ sau dịch Covid-19, kinh tế trở nên khó khăn, nếu con không đỗ trường công, phụ huynh sẽ ưu tiên lựa chọn trung tâm GDNN - GDTX hoặc trường nghề vì có miễn giảm học phí. Trường hợp quá xa hay không tiện đường họ mới chọn các trường tư. Với tình hình trên, bộ phận tuyển sinh của nhà trường đang cố gắng đi tuyển sinh, hy vọng đến đầu tháng 8 sẽ đạt được 2/3 chỉ tiêu”, ông Trần Minh cho biết.

Tương tự, Trường THCS - THPT Hồng Hà (phường Gò Vấp) đến nay mới tuyển được hơn 400 học sinh so với chỉ tiêu được giao là 700 em. Tuy nhiên theo bà Hà Kim Sa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, so với các trường, đây là con số khá lớn nhưng so với năm ngoái, tình hình tuyển sinh vẫn chậm và chưa đạt như kỳ vọng.

“Để thu hút học sinh, trường có nhiều chế độ miễn giảm học phí chính khóa cho các em. Cụ thể, học sinh xuất sắc đạt điểm trung bình cả 3 môn Toán, Văn, Anh từ 8,0 - 9,0 trở lên được trao học bổng tại lễ khai giảng năm học. Bên cạnh đó, anh chị em ruột cùng học Trường Hồng Hà - Nhựt Tân sẽ được giảm học phí...”, bà Sa cho hay.

Đối với trường nghề, ghi nhận tại các nhà trường cho thấy hoạt động tuyển sinh năm nay khá ảm đạm. Ông Hoàng Quốc Long - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (phường Gò Vấp) cho biết, dù chỉ tiêu 400 học sinh như năm trước nhưng hiện tại mới được hơn 50 hồ sơ đăng ký.

Việc học nghề dù được Nhà nước trợ cấp học phí, tuy nhiên trong bối cảnh hệ thống giáo dục ngày càng mở rộng, các trường trung cấp chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các hệ đào tạo cao hơn như cao đẳng và đại học. “Hiện không còn lựa chọn ‘trượt đại học, cao đẳng thì học trung cấp’ như trước, các trường nghề giờ đây gần như không còn cơ hội tuyển sinh sau THPT. Tỷ lệ học sinh đăng ký học trung cấp sau khi tốt nghiệp THPT rất thấp, gần như không đáng kể”, ông Long cho hay.

 Nhân viên Trường THCS - THPT Hồng Hà tư vấn cho học sinh về chương trình lớp 10 tại trường. Ảnh: NTCC

Nhân viên Trường THCS - THPT Hồng Hà tư vấn cho học sinh về chương trình lớp 10 tại trường. Ảnh: NTCC

Tự làm mới

Ông Hoàng Quốc Long nhấn mạnh, đã đến lúc cần nhìn nhận lại vai trò trường trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trung cấp không nên là phương án cuối cùng, mà phải là lựa chọn có định hướng từ đầu.

Theo ông, trung cấp có thể trở thành nơi đào tạo kỹ năng thực hành vững vàng cho học sinh sau lớp 9, đặc biệt ở các ngành thiếu nhân lực như kỹ thuật, dịch vụ, sản xuất. Với ưu điểm đào tạo nhanh, gắn với tay nghề, trường trung cấp có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường lao động. Nếu làm tốt, đây sẽ là nguồn cung lao động có kỹ năng, giảm tải chi phí đào tạo lại cho doanh nghiệp.

Ở góc độ chuyên gia, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, các trường trung cấp phải thay đổi hình ảnh, không còn là nơi “dành cho học sinh yếu”, mà phải trở thành nơi học thực hành, ra nghề nhanh, có việc làm rõ ràng.

Một số trường đã đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, môi trường học tập thân thiện, mô phỏng môi trường doanh nghiệp, để học sinh có thể “làm thật” ngay trong quá trình học. Chẳng hạn tại một số trường, mô hình “doanh nghiệp trong trường” hoặc hợp tác đào tạo với doanh nghiệp đã được triển khai. Học sinh có thể thực tập, làm việc và được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

“Khi học sinh, phụ huynh thấy rõ lộ trình nghề nghiệp cụ thể, việc tuyển sinh không còn khó. Tuy nhiên, công việc này sẽ tốn nhiều thời gian”, ông Tuấn cho hay.

Với các trường ngoài công lập, nhiều năm nay, một số trường đã đưa ra các phương án đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm nâng tầm thương hiệu trên bản đồ giáo dục của thành phố.

Theo bà Phan Thị Ánh Hoàng - Hiệu trưởng Trường Mầm non - Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt (TPHCM), năm học 2025 - 2026, nhà trường đặt mục tiêu đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, thu hút học sinh. Trường cũng xây dựng mức học phí hợp lý, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm tạo điều kiện cho nhiều học sinh có cơ hội theo học.

“Tại hệ thống Trường Nam Việt, ngoài việc giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường còn đầu tư mạnh vào các dịch vụ hỗ trợ học sinh như xe đưa đón, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao năng lực tiếng Anh và Tin học theo chuẩn quốc tế”, bà Hoàng cho hay.

Ông Hoàng Minh Huy - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng (Tân Hòa, TPHCM), cho biết: Dù công tác tuyển sinh khó khăn, song những năm qua, nhà trường luôn chú trọng đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đủ điều kiện, xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo theo xu hướng hội nhập, tăng cường dạy ngoại ngữ và kỹ năng sống.

“Nhà trường tuyển chọn và đào tạo giáo viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Họ cũng được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm”, ông Huy cho hay.

“Năm học 2024 - 2025, TPHCM có hơn 88.772 học sinh lớp 9, giảm 29.000 so với năm trước. Trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập gần 71.020 học sinh. Số lượng học sinh giảm mạnh, là một trong những nguyên nhân các trường ngoài công lập, trường nghề khó khăn trong tuyển sinh năm học 2025 - 2026”, ông Trần Minh nhận định.

Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-tu-truong-nghe-tai-tphcm-chat-vat-tuyen-sinh-post740154.html