Những 'Gia sư áo xanh' trên mặt trận tình nguyện

Mùa hè về, tại các khu dân cư, đặc biệt là các khu lưu trú công nhân ở TP Hồ Chí Minh, không khí rộn ràng hơn nhờ những lớp học đặc biệt dành cho trẻ em. Ở đó, các 'Gia sư áo xanh' là những bạn sinh viên trẻ tuổi, nhiệt huyết, đã và đang âm thầm mang theo ước mơ, hy vọng đến với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu điều kiện học tập.

Ngọn lửa xanh của tinh thần thiện nguyện

Mang trên mình màu áo xanh tuổi trẻ, những sinh viên tình nguyện trở thành “người thầy đặc biệt” trong mắt các em nhỏ. Đoàn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh đã hai lần đồng hành cùng chương trình “Gia sư áo xanh”. Uyên chia sẻ: “Chương trình có ý nghĩa lớn khi tạo điều kiện cho các em nhỏ, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, được tiếp cận tri thức. Em yêu trẻ và mong muốn tận dụng tất cả kiến thức của mình để giúp các em có thêm hành trang vươn tới tương lai”.

Các sinh viên tình nguyện trong giờ học tiếng Anh tại lớp học tình thương dành cho trẻ em ở phường Phú Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Các sinh viên tình nguyện trong giờ học tiếng Anh tại lớp học tình thương dành cho trẻ em ở phường Phú Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Đoàn Phương Uyên, sinh viên trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh hướng dẫn các trẻ em nói tiếng Anh tại lớp học tình thương ở phường Phú Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Đoàn Phương Uyên, sinh viên trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh hướng dẫn các trẻ em nói tiếng Anh tại lớp học tình thương ở phường Phú Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Cũng với tinh thần ấy, Nguyễn Tấn Phát, sinh viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh không giấu nổi cảm xúc trong lần đầu tham gia chiến dịch: “Em mong muốn được góp sức mình, hỗ trợ các em nhỏ ở khu lưu trú công nhân, giúp các em hệ thống lại kiến thức và có mùa hè thật ý nghĩa.”

Tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, sinh viên Nguyễn Duy Tân (Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh) cùng đội hình tình nguyện viên tổ chức các buổi ôn tập Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh, kết hợp chia sẻ kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ bản thân. “Chúng em không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn muốn lắng nghe, tâm sự để thấu hiểu khó khăn các em đang trải qua, từ đó tìm cách hỗ trợ hiệu quả hơn”, Duy Tân tâm sự.

Các em nhỏ hào hứng trong giờ học giáo dục giới tính tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh.

Các em nhỏ hào hứng trong giờ học giáo dục giới tính tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh.

Lớp học hướng dẫn kỹ năng phòng tránh xâm hại và bắt cóc tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo các sinh viên tình nguyện và trẻ em tham gia.

Lớp học hướng dẫn kỹ năng phòng tránh xâm hại và bắt cóc tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo các sinh viên tình nguyện và trẻ em tham gia.

Đa số trẻ em quanh khu vực lưu trú là con em công nhân lao động, điều kiện tiếp cận các lớp học thêm và kỹ năng sống còn khá hạn chế. Chính vì vậy, lực lượng sinh viên tình nguyện trong đội "Gia sư áo xanh" luôn nỗ lực hết mình để giúp đỡ, hướng dẫn và đồng hành, nhằm mang lại cho các em những buổi học thú vị, thoải mái và ý nghĩa hơn. Nguyễn Duy Tân chia sẻ: "Bản thân em cũng như các thành viên trong đội luôn cố gắng để mỗi buổi học không chỉ là giờ ôn tập kiến thức, mà còn giúp các em có thêm kỹ năng mới, cảm thấy vui vẻ, tự tin hơn trong cuộc sống".

Bên cạnh đó, sự góp mặt của các giáo viên giàu kinh nghiệm như cô Mỹ Phúc, giáo viên Trường mầm non Sơn ca 4 cũng tiếp thêm động lực lớn cho sinh viên tình nguyện và các em nhỏ. Cô Phúc cho biết: "Khi còn là sinh viên, tôi từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như Mùa hè xanh, Gia sư áo xanh, Xuân tình nguyện. Những trải nghiệm ấy giúp tôi tích lũy nhiều kiến thức xã hội quan trọng cho nghề giáo về sau. Quay lại đồng hành cùng các bạn sinh viên, hỗ trợ hướng dẫn các em nhỏ kỹ năng phòng tránh xâm hại, bắt cóc tại khu lưu trú số 48, tôi cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng và sống lại những ngày nhiệt huyết sôi nổi của tuổi trẻ".

Huỳnh Kim Tuyền, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Tân Tạo A, bày tỏ sự hào hứng khi tham gia các lớp học của chương trình “Gia sư áo xanh” tại khu lưu trú công nhân: “Ở đây, cô chú dạy con nhiều lắm, con được học viết chữ đẹp, học toán, học tiếng Anh, múa, hát... Cô chú còn dặn khi đi ra ngoài phải tránh xa người lạ. Ngoài ra, con còn được tặng quà, tập, bút rất nhiều, vui lắm”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hồng, chủ khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, các lớp học do sinh viên tình nguyện tổ chức không chỉ giúp các em nhỏ ôn lại kiến thức mà còn bổ sung nhiều kỹ năng thực hành sống. Đặc biệt, năm nay chương trình có sự tham gia của sinh viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng lớn như Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Cao đẳng Sư phạm Trung ương… nên việc truyền đạt kiến thức cho các em thuận lợi, sinh động và hấp dẫn hơn. Bà Hồng kỳ vọng hoạt động này sẽ được duy trì thường xuyên với nhiều môn học, giúp mang lại không gian học tập, vui chơi bổ ích và hoàn toàn miễn phí cho các em nhỏ tại khu lưu trú.

Cô Mỹ Phúc, giáo viên Trường mầm non Sơn ca 4 hướng dẫn các trẻ em kỹ năng phòng tránh xâm hại và bắt cóc tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh.

Cô Mỹ Phúc, giáo viên Trường mầm non Sơn ca 4 hướng dẫn các trẻ em kỹ năng phòng tránh xâm hại và bắt cóc tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh.

Lớp học tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh đa phần là con em của các thanh niên công nhân cò hoàn cảnh khó khăn.

Lớp học tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh đa phần là con em của các thanh niên công nhân cò hoàn cảnh khó khăn.

Đa dạng hoạt động, lan tỏa giá trị nhân văn

Nguyễn Hà My, Chỉ huy trưởng chương trình tình nguyện Mùa hè xanh của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tại TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay nhà trường phối hợp cùng ban tổ chức chương trình “Gia sư áo xanh” để triển khai các lớp học tình thương dành cho con em công nhân tại các khu lưu trú trên địa bàn thành phố. Mỗi đội hình tình nguyện thường có từ 20 đến 30 sinh viên đồng hành hỗ trợ các em nhỏ ôn tập hè, đồng thời tổ chức các lớp kỹ năng thực hành xã hội và năng khiếu như múa, hát. Ngoài chương trình học trong sách giáo khoa, các tình nguyện viên còn chú trọng trang bị cho các em những kỹ năng sống cần thiết để bổ sung vốn sống và tạo nền tảng phát triển toàn diện.

Nguyễn Hà My mong muốn chương trình “Gia sư áo xanh” không ngừng mở rộng cả về quy mô lẫn chiều sâu, mà còn lan tỏa đến nhiều trẻ em còn gặp khó khăn trong việc học tập ở vùng sâu, vùng xa. “Em hy vọng, chương trình sẽ mang lại cho các em nhiều kiến thức mới, kỹ năng mới, và niềm vui thật sự ý nghĩa trong mùa hè”, Hà My bày tỏ.

Theo thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh, hoạt động “Gia sư áo xanh” năm 2025 do Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh phát động, diễn ra từ 29/6 đến 31/12/2025. Các lớp học được tổ chức định kỳ vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần hoặc linh hoạt tùy theo điều kiện của sinh viên tình nguyện và nhu cầu thực tế của học sinh. Đây là sáng kiến nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ con em thanh niên công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không chỉ giúp các em củng cố, nâng cao kiến thức, mà còn trang bị kỹ năng thực hành xã hội, phát triển năng khiếu và tăng trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động ngoại khóa, sân chơi sáng tạo và tư vấn tâm lý học đường.

Các trẻ em tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh hào hứng trong tiết học kỹ năng sống.

Các trẻ em tại khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh hào hứng trong tiết học kỹ năng sống.

Em Huỳnh Kim Tuyền, học lớp 2, Trường tiểu học Tân Tạo A với tình nguyện viên của chương trình "Gia sư áo xanh".

Em Huỳnh Kim Tuyền, học lớp 2, Trường tiểu học Tân Tạo A với tình nguyện viên của chương trình "Gia sư áo xanh".

Các sinh viên tình nguyện và các trẻ em ở khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh.

Các sinh viên tình nguyện và các trẻ em ở khu lưu trú số 48, phường Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh.

Điểm mới nổi bật của chương trình “Gia sư áo xanh” năm nay là mô hình tổ chức linh hoạt, kết hợp giữa các lớp học trực tiếp tại khu lưu trú văn hóa, khu nhà trọ thanh niên công nhân và hình thức học trực tuyến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng nhóm học sinh. Cách tiếp cận này không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập tại chỗ mà còn tạo điều kiện cho các em nhỏ dễ dàng tham gia dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Song song với việc củng cố kiến thức, ban tổ chức còn mở rộng các lớp năng khiếu, kỹ năng sống, kết hợp với đơn vị chuyên môn triển khai những lớp học sáng tạo, các buổi tham quan thực tế tại trung tâm công nghệ, lập trình, tiếng Anh…, góp phần phát triển toàn diện cho các em nhỏ.

Hoạt động cũng là môi trường để các đoàn viên, sinh viên thể hiện tinh thần xung kích, rèn luyện kỹ năng sư phạm, am hiểu tâm lý trẻ em và phát huy chuyên môn. Qua đó, chương trình lan tỏa mạnh mẽ giá trị nhân văn, vun đắp kiến thức, kỹ năng và hy vọng cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bài và chùm ảnh,clip: An Hiếu/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/nhung-gia-su-ao-xanh-tren-mat-tran-tinh-nguyen-20250718135519394.htm