Trường tư vẫn tăng học phí dù Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị giữ nguyên
Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản đề nghị các trường ngoài công lập giữ nguyên học phí để chia sẻ với khó khăn của người dân. Tuy nhiên, năm học 2021-2022, các trường vẫn tăng học phí.
Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng đây là lúc cần thiết có sự đồng hành, chia sẻ của các đơn vị giáo dục ngoài công lập đối với phụ huynh gặp khó khăn trong điều kiện dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong biểu phí năm học 2021-2022, đa số các trường ngoài công lập tại TP.HCM đều điều chỉnh tăng học phí so với năm trước. Theo khảo sát của Zing, trường Quốc tế Á Châu điều chỉnh tăng học phí từ 10-15% so với năm trước. Trường Quốc tế Việt Úc tăng khoảng 11%. 10% là mức tăng học phí của hệ thống trường Tuệ Đức. Trường Quốc tế Australia, Wellspring Saigon, tăng học phí 5%.
Học phí trường tư vẫn tăng
Thầy Trần Minh, Phó hiệu trưởng trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TP.HCM), cho biết đến nay trường vẫn chưa “chốt” mức học phí chính thức cho năm học tới do còn chờ thông báo thời gian trở lại trường của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Tuy nhiên, ông cho biết mức học phí năm tới sẽ khó có thể giữ nguyên hoặc giảm như mong đợi của phụ huynh.
“Mỗi tháng trường phải trả 400-500 triệu tiền thuê mặt bằng. Sang năm, chủ cho thuê sẽ tăng giá theo định kỳ 3 năm/lần. Lương giáo viên cũng phải được tăng qua mỗi năm. Ví dụ, năm vừa rồi chúng tôi trả 100.000/tiết học thì năm tới phải trả giáo viên 110.000 đồng/tiết học. Thực phẩm, bữa ăn, những dịch vụ phục vụ cho công tác nội trú cũng mỗi năm một tăng do trượt giá”, thầy Minh kể những khó khăn của nhà trường.
Do đó, ông dự báo học phí năm học mới sẽ tăng khoảng 100.000-300.000 đồng, tùy theo mỗi khối. Theo ông, số tiền phụ huynh phải đóng bao gồm cả tiền học phí, cơ sở vật chất và các dịch vụ sử dụng đi kèm như nội trú, ăn trưa, y tế. Trong điều kiện dịch bệnh, nhà trường chỉ tăng tiền các dịch vụ do trượt giá, tiền học vẫn được giữ nguyên.
“Trường cũng đã họp nhiều lần để bàn về vấn đề học phí. Mức tăng như vậy là chúng tôi đã cắt giảm, làm hết khả năng để chia sẻ với phụ huynh. Các trường tư thục cũng có cái khó riêng. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đề nghị các trường giảm, giữ nguyên học phí nhưng khó có trường nào có thể làm đúng tinh thần bộ, sở mong muốn”, thầy Trần Minh nói.
Trong trường hợp năm học mới phải bắt đầu bằng hình thức online, thầy Minh cho biết nhà trường sẽ chỉ thu học phí đủ để trả lương giáo viên dạy online và các bộ phận kỹ thuật. Học phí online sẽ được thu bằng 50-60% so với mức học phí thông thường.
Chia sẻ với Zing, tổng hiệu trưởng của một trường quốc tế tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết học phí năm học 2021-2022 của trường được điều chỉnh tăng 5% so với năm cũ.
"Thông thường, học phí của trường sẽ điều chỉnh tăng 7% so với năm liền trước. Nhưng năm tới trường quyết định tăng 5%. Đây là cố gắng của trường để chia sẻ một phần khó khăn về kinh tế với phụ huynh", tổng hiệu trưởng này cho hay.
Ông cho biết thêm ở các trường tư thục, quốc tế nói chung, lương giáo viên năm sau phải được trả cao hơn năm trước. Một phần để giữ chân họ, một phần đảm bảo đời sống của giáo viên trước tỷ lệ trượt giá của hàng hóa, dịch vụ. Cơ sở vật chất phải thường xuyên được cải tiến, đơn cử như toàn bộ khu vực nhà ăn đều được dựng vách ngăn để đảm bảo khoảng cách cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh. Nhiều máy móc, trang thiết bị phải mua mới để phục vụ, chuẩn bị cho việc học online.
“Với trường tôi, số tiền từ tỷ lệ học phí tăng của năm tới chủ yếu dùng để điều chỉnh lương giáo viên là chính. Chi phí cho cơ sở vật chất, các công tác khác được lấy từ lợi nhuận tích lũy trước đây của trường. Nói vậy để thấy mức tăng học phí 5% vẫn chưa thể chi trả, đảm bảo cho mọi chi phí phát sinh, đầu tư trong năm học tới”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, tổng hiệu trưởng này cho biết ông tham mưu với chủ đầu tư của trường xem xét lại mức tăng học phí trong năm học tới.
"Tôi nghĩ lúc này các trường cần chia sẻ với phụ huynh nhiều hơn. Chủ đầu tư của các trường ngoài công lập cần suy nghĩ lại về việc tăng học phí, nhất là khi cả xã hội đang khó khăn vì dịch bệnh", ông nói.
Để không tăng học phí, trường tư mong Nhà nước hỗ trợ
Thầy Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng trường TH - THCS - THPT Tuệ Đức cơ sở quận 12 (TP.HCM), cho hay ông không phản đối việc kêu gọi các trường tư thục giảm hoặc giữ nguyên mức học phí để chia sẻ khó khăn của người dân trong bối cảnh hiện nay. Đó là mong mỏi chính đáng của các phụ huynh. Nhưng các trường tư cũng cần được hỗ trợ nếu bắt buộc phải giữ nguyên mức học phí.
Trường tư thục ngoài việc là cơ sở giáo dục còn là doanh nghiệp. Các trường phải trả tiền thuê mặt bằng, đóng thuế doanh nghiệp, áp lực cải thiện cơ sở vật chất hàng năm, tăng lương cho giáo viên. Chi phí đó được tính vào học phí vì các trường "sống" chỉ bằng nguồn thu học phí của học sinh.
Thầy Thịnh cho biết mức tăng học phí của đa số các trường tư thục thường nằm trong khoảng 10-12%. Học phí năm tới của trường Tuệ Đức cũng được điều chỉnh tăng trong khoảng 10%. Việc tăng học phí là để bù cho mức trượt giá vì giá xăng, dầu, điện, gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm đều tăng qua mỗi năm.
Ngoài ra, khác với trường công, lương giáo viên có hệ số theo quy định của Nhà nước, 3 năm mới được xem xét điều chỉnh một lần. Nhưng ở trường ngoài công lập, mỗi năm lương của giáo viên đều được điều chỉnh. Ví dụ như trường Tuệ Đức, lương giáo viên được điều chỉnh tăng khoảng 5-12% mỗi năm, tùy vào mức đóng góp.
"Cùng với lời kêu gọi các trường tư không tăng học phí, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP.HCM có thể đề xuất với Thủ tưởng miễn, giảm thuế cho các trường tư trong năm ngoái hoặc năm nay. Thay vì phải đóng thuế, các trường sẽ có một khoản tiền để bù đắp cho vấn đề trượt giá mà không phải tăng học phí", thầy Thịnh kiến nghị.
Thầy Thịnh cho rằng đề nghị các trường tư không tăng học phí nhưng không có biện pháp hỗ trợ đi kèm, các trường khó lòng thực hiện. Bởi trường tư phải chi trả mọi chi phí mà không có sự hỗ trợ nào.
"Đơn cử như việc thay sách giáo khoa, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong khi giáo viên trường công được tập huấn miễn phí thì trường tư phải bỏ một số tiền không nhỏ để tập huấn cho giáo viên. Trường Tuệ Đức có gần 1.000 giáo viên, chỉ riêng tiền mở tài khoản cho mỗi giáo viên đã gần 500 triệu đồng. Chưa kể có những khóa bồi dưỡng giáo viên tốn khoảng 10-15 triệu đồng/người", thầy Thịnh đưa ra ví dụ.