Trường vùng biên 'khát' nước sạch
Nhiều năm qua, thầy trò các trường khu vực biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) phải xin nước nhà dân hoặc bơm nước từ mương về sử dụng.
Nguy cơ mất an toàn cao
Thầy Nguyễn Hữu Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Sa Loong (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) cho biết, trường đóng chân trên địa bàn xã biên giới với 1.148 học sinh, theo học tại 3 điểm trường. Những năm qua, từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, giếng tại điểm trường thôn Giang Lố 1 (xã Sa Loong) - nơi có gần 500 học sinh theo học, lại cạn nước.
Dù nhà trường có 2 giếng và thường xuyên nạo vét nhưng không đảm bảo nguồn nước cho giáo viên, học sinh sử dụng. Do đó, nhà trường đã chi hơn 10 triệu đồng mua máy bơm và hệ thống ống dài trên 300m để dẫn nước từ mương thủy lợi về dùng.
“Nước mương thủy lợi cơ bản bảo đảm sử dụng sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, vào mùa khô người dân chặn dòng lấy nước tưới tiêu nên nhiều hôm nước chảy về trường thiếu. Khi mưa xuống thì nước lại đục, mất vệ sinh”, thầy Phượng chia sẻ.
Ngoài ra, thầy hiệu trưởng lo lắng, nguồn nước mương người dân sử dụng cho việc trồng trọt có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu, phân bón… ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên, học sinh. Dù có hệ thống máy lọc nhưng nhà trường không yên tâm để thầy, trò uống nguồn nước này. Trước mắt, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, trường yêu cầu các em tự mang theo nước uống từ nhà. Nguồn nước bơm từ mương về chỉ sử dụng rửa tay chân, tưới cây, vệ sinh trường, lớp…
“Để đảm bảo nguồn nước sử dụng, giáo viên thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh tiết kiệm. Các em cũng ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên nước nên thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, dù có một số giải pháp trước mắt thì việc thiếu và nguồn nước không đảm bảo vẫn diễn ra”, thầy Cảnh nói.
Nhiều năm công tác tại Trường Tiểu học – THCS Sa Loong, thầy Ngô Văn Cảnh cho hay, vào mùa mưa nước mương đục, nhiều bùn đất nên thường xuyên gây tắc ống, hư hỏng thiết bị lọc. Nhà trường phải sửa chữa và thay mới liên tục. Tuy nhiên, dù được xử lý qua hệ thống lọc thì nước vẫn không bảo đảm sạch hoàn toàn và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sức khỏe của thầy, trò.
Em A Thuê (lớp 8B) tâm sự, có hôm học sinh không có nước sử dụng, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt tại trường. Nước đục và không đảm bảo vệ sinh cũng khiến học sinh lo lắng mắc một số bệnh ngoài da. “Em mong muốn có một nguồn nước sạch để sử dụng hàng ngày, tránh ảnh hưởng đến việc học tập và sức khỏe”, em A Thuê bày tỏ.
Theo thầy Nguyễn Hữu Phượng, đa số gia đình học sinh của trường khó khăn nên không thể kêu gọi xã hội hóa. Nhà trường đã đề xuất lên Phòng GD&ĐT, UBND huyện đầu tư kinh phí xây dựng giếng khoan tại cấp THCS (thôn Giang Lố 1) nhằm phục vụ dạy học và sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, học sinh.
Mong nguồn nước sạch
Cùng cảnh với Trường Tiểu học – THCS Sa Loong, vài năm qua giáo viên điểm trường thôn Đăk Sút - Trường Mầm non Đăk Ang (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi) cũng phải xin nước dân để sử dụng. Để cán bộ, giáo viên bớt vất vả, vừa qua chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhà trường sử dụng hệ thống nước sạch liên thôn.
Cô Nguyễn Thị Hưng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đăk Ang cho biết, trường có 415 trẻ, theo học ở 4 điểm với trên 90% học sinh người Xơ Đăng. Các điểm có giếng, đảm bảo nước sinh hoạt, riêng điểm trường Đăk Sút đang sử dụng nguồn nước của thôn. Theo cô Hưng, trước mắt nguồn nước của thôn đảm bảo cho cán bộ, giáo viên và gần 70 học sinh điểm trường. Song, về lâu dài nếu nhà trường có giếng khoan sẽ chủ động được nguồn nước, đặc biệt vào mùa khô.
“Nhà trường dẫn nước từ hệ thống nước sạch của thôn lên bồn chứa, sử dụng trong vài ngày. Tuy nhiên, vào mùa khô người dân sử dụng nhiều nên nỗi lo thiếu nước thường trực. Cán bộ và giáo viên phải tiết kiệm, chắt chiu từng giọt. Nhà trường đã kiến nghị lên cấp trên nhưng nguồn kinh phí hạn chế. Chúng tôi rất mong nhà hảo tâm hỗ trợ để trường có giếng nước sạch sử dụng, đảm bảo sức khỏe, và sinh hoạt cho giáo viên, học sinh”, cô Hưng tâm sự.
Theo ông Vũ Việt Thắng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi, vấn đề nước sạch và nhà vệ sinh được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. Những năm qua, địa phương luôn ưu tiên và chú trọng nâng cấp, đầu tư mới đối với hai nội dung này. Tuy vậy, với nguồn kinh phí hạn hẹp nên một số đơn vị chưa thể cải thiện được nguồn nước sạch. Qua nắm bắt, thống kê đầu năm học, trên địa bàn huyện còn Trường Tiểu học – THCS Sa Loong và một điểm trường Mầm non Đăk Ang chưa đảm bảo nguồn nước sử dụng.
“Các đơn vị đã tổng hợp những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đề xuất lên UBND huyện. Thời gian tới, địa phương sẽ cân đối, ưu tiên nguồn lực để đảm bảo nguồn nước sạch cho trường học”, ông Vũ Việt Thắng cho biết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-vung-bien-khat-nuoc-sach-post654645.html