Trường vùng cao có biên chế mà không tuyển được GV, cần thêm chính sách ưu đãi
Cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên đối với nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để thu hút và giữ chân họ.
.t1 { max-width: 100%; }
Bài toán thiếu giáo viên vẫn là một thách thức lớn với ngành giáo dục, đặc biệt là tại các trường ở địa bàn vùng cao, khi triển khai dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù đã có nhiều chính sách linh hoạt cũng như nhiều giải pháp gỡ khó, nhưng tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học đặc thù vẫn chưa thể giải quyết.
Thiếu giáo viên, trường học phải ghép lớp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Quàng Thị Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La) chia sẻ, tính đến nay, nhà trường đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên đặc biệt ở môn tiếng Anh và Tin học.
Trước thực trạng đó, nhà trường đã phải thực hiện việc ghép lớp , như ở 1 điểm trường có 3 lớp 4 thì ghép thành 1 lớp và dạy ở hội trường lớn. Tuy nhiên, nếu việc thiếu giáo viên kéo dài sẽ khiến công tác sắp xếp thời khóa biểu trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải đảm bảo dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh một cách toàn diện.
Đồng thời, với số lượng học sinh đông như vậy thì rất khó để giáo viên có thể kiểm soát, hướng dẫn được từng em so với việc ít học sinh.
Theo cô Xuân, hiện nay nhà trường có 54 lớp nhưng chỉ có 2 giáo viên tiếng Anh, còn môn Tin học hiện nay nhà trường chưa có giáo viên nào mà chỉ bố trí giáo viên môn văn hóa được cấp chứng chỉ Tin học để giảng dạy môn này.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là ở vùng cao, cô Xuân cho biết, tình trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy, đặc biệt là ở các môn như tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, những môn học đòi hỏi chuyên môn riêng, không phải giáo viên nào cũng có thể kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, mặc dù Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có lộ trình từ trước, tuy nhiên người đi học tiếng Anh vẫn không nhiều và thiếu nguồn tuyển. Đặc biệt, mức lương của giáo viên hợp đồng còn thấp cũng khiến nguồn tuyển này bị hạn chế.
Đồng thời, giáo viên vùng cao không chỉ giảng dạy mà còn kiêm nhiều nhiệm vụ khác như vận động học sinh đến lớp, hỗ trợ đời sống, tổ chức các hoạt động xã hội, khiến khối lượng công việc lớn và dễ gây quá tải.
Ngoài ra, mặc dù hiện nay giao thông ở khu vực này đã cơ bản đảm bảo tuy nhiên vẫn gặp khó trong thu hút giáo viên do điều kiện sống, môi trường làm việc còn nhiều hạn chế. Đối với sinh viên mới ra trường, chính sách thu hút chưa thật sự mạnh, chế độ đãi ngộ còn thấp nên họ thường không mặn mà về công tác lâu dài tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.
“Giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với học sinh vùng cao, không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn là người truyền cảm hứng, khơi dậy ước mơ và thay đổi cuộc đời các em. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn để duy trì sĩ số thì giáo viên phải thường xuyên quan tâm, động viên, sẻ chia với phụ huynh và các em. Vì vậy, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ đủ mạnh để giải bài toán thiếu giáo viên, đặc biệt ở vùng cao”, cô Xuân chia sẻ.

Cô Quàng Thị Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La) và học sinh nhà trường. Ảnh: NVCC
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Bùi Văn Chuyển, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ, theo chỉ tiêu biên chế được giao, nhà trường có tổng 50 người, bao gồm cả cán bộ quản lý và giáo viên. Tuy nhiên, đội ngũ hiện tại mới chỉ có 34 người, thiếu tới 16 biên chế. Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở các môn như Toán, tiếng Anh, Tin học, Thể dục, Ngữ văn. Bên cạnh đó, nhà trường hiện nay chỉ có nhân viên thư viện và nhân viên ý tế, chưa có nhân viên văn thư.
Để không xảy ra tình trạng khó khăn khi xếp lớp cũng như ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, nhà trường khi tổ chức tuyển sinh đã thông báo công khai rộng rãi các nhóm môn mà có đủ giáo viên để học sinh có sự lựa chọn phù hợp.
Theo thầy Chuyển, khi thiếu giáo viên, các thầy, cô trong trường sẽ phải dạy vượt định mức, hiện nay theo quy định, định mức tiết dạy đối với giáo viên trường trung học phổ thông là 17 tiết/tuần, khi thiếu giáo viên các thầy, cô sẽ dạy trên 20 tiết/tuần, nhà trường cũng động viên các thầy, cô để đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh được tốt nhất, đặc biệt là với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời ký hợp đồng với giáo viên ở một số môn học còn thiếu.
Nguyên nhân khiến việc tuyển dụng gặp khó là do nhiều ứng viên mặc dù đã thi đỗ và trúng tuyển vào trường, nhưng lại từ chối nhận công tác vì những khó khăn liên quan đến khoảng cách địa, không muốn xa gia đình lên làm việc tại các vùng cao.
Nguyên nhân thứ hai là nguồn tuyển dụng giáo viên còn hạn chế, số lượng đăng ký tham gia tuyển dụng không nhiều. Hơn nữa, đa số họ không muốn đăng ký công tác tại Mù Cang Chải do khoảng cách địa lý quá xa xôi.
Thêm vào đó, dù chế độ đãi ngộ đã được cải thiện nhưng chưa có các chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút giáo viên làm việc tại các vùng cao.
Chẳng hạn như Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải nằm ở thị trấn Mù Cang Chải, so với các trường ở thành phố có điều kiện đi lại thuận tiện, đời sống kinh tế - xã hội tốt hơn thì các thầy, cô sẽ ưu tiên công tác tại đó. Nếu có ưu đãi, chẳng hạn như khi đến Mù Cang Chải được miễn giảm một số chi phí hoặc nhận hỗ trợ tài chính, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều giáo viên hơn.
Ngoài ra, nhà trường cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái biệt phái, điều động giáo viên giữa các trường, phân công giáo viên từ các trường ở thành phố. Việc luân chuyển, điều động giáo viên hiện nay đang trở thành giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ, đảm bảo hoàn thành đúng chất lượng và mục tiêu đề ra”.
Cần thêm chế độ, chính sách ưu tiên đủ mạnh
Theo cô Hoàng Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính ( Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, việc thu hút và giữ chân giáo viên công tác tại vùng cao luôn là một bài toán khó, đặc biệt đối với các huyện miền núi. Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần tại vùng cao đã có nhiều cải thiện nhưng nhiều thầy cô vẫn còn e ngại do khoảng cách địa lý và việc phải sống xa gia đình.
Như trường có tổng cộng 25 lớp, nhưng chỉ có 31 thầy, cô đứng lớp. Trong số các giáo viên, có 3 người là viên chức biệt phái được điều động tăng cường từ các khu vực khác về.
Thời gian qua, nhà trường đã có khu nhà công vụ dành cho giáo viên mới đến sinh hoạt và làm việc, đồng thời tạo điều kiện để thầy, cô được tham gia học tập, bồi dưỡng, phát huy năng lực giáo viên. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững, ngoài việc cải thiện hạ tầng, cơ sở chất thì cũng cần quan tâm hơn đến nguồn tuyển, có chính sách hợp lý để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương.
Đồng thời, cần chú trọng ưu tiên tuyển dụng sinh viên ngành sư phạm là người địa phương, có sự kết nối giữa các trường đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục để đảm bảo sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Website nhà trường.
Còn theo cô Quàng Thị Xuân, để thu hút, đặc biệt hơn là giữ chân giáo viên, cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần áp dụng các chính sách linh hoạt để thu hút giáo viên đến làm việc tại các khu vực còn thiếu nhân lực. Chẳng hạn như hỗ trợ nhà ở, tạo điều kiện làm việc tốt hơn, giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa các khu vực.
Đồng thời, cần phải cải thiện các chính sách đào tạo và tuyển dụng để đảm bảo rằng các giáo viên được phân bổ có đủ trình độ và kỹ năng phù hợp với nhu cầu thực tế của từng khu vực cũng như hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo ở các khu vực này. Theo đó, giáo viên tại các vùng khó khăn cần được tạo cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Ngoài ra, cần tăng mức hỗ trợ tài chính gắn với thời gian cam kết công tác, khuyến khích giáo viên giỏi, có tâm huyết cống hiến lâu dài tại các khu vực khó khăn.
“Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống và làm việc cho giáo viên mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ để giữ chân họ lâu dài, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các khu vực khó khăn và đảm bảo công bằng trong cơ hội học tập cho học sinh”, cô Xuân chia sẻ.
Đồng quan điểm, theo thầy Bùi Văn Chuyển, mặc dù các chính sách ưu đãi dành cho giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được cải thiện, song vẫn cần thêm chính sách để đáp ứng đầy đủ nhu cầu và mong mỏi của các giáo viên.
Vì vậy, cần tạo môi trường làm việc hạnh phúc, động viên giáo viên theo đuổi sự nghiệp giáo dục. Không chỉ là tiền lương hay đãi ngộ, mà nên khuyến khích nhà trường tạo ra nơi làm việc với văn hóa tốt, dân chủ, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển cá nhân.
Bên cạnh đó, rất cần thêm chính sách thu hút đặc thù đủ mạnh hơn nữa cho giáo viên đang công tác tại huyện, đảo, các vùng sâu vùng xa để thầy, cô yên tâm công tác. Hiện nay theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định: “Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa” và “Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh”.
Có thể thấy, mức phụ cấp không chênh nhau nhiều nhưng điều kiện làm việc và điều kiện sống của giáo viên ở vùng sâu, vùng xa lại khó khăn hơn nhiều cũng là rào cản trong việc thu hút giáo viên.
Cuối cùng, để thu hút được đội ngũ giáo viên trẻ và giáo viên giỏi, cần có các chương trình học bổng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho sinh viên sư phạm cam kết công tác tại các vùng khó khăn. Việc tuyển dụng đặc cách hoặc có chế độ ưu tiên đối với giáo viên giỏi sẽ khuyến khích họ đến làm việc tại các địa phương này.