Trường vùng cao khát nước
Nắng nóng kéo dài khiến trường vùng cao ở Lai Châu, Nghệ An vốn thiếu nước lại càng gặp khó khi những mạch nước ngầm ngày càng khô kiệt.
Thầy cô và học sinh đã xoay xở mọi cách để có nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống.
Như nhiều học trò bán trú, lịch sinh hoạt của em Thào Thị Phương Yến, học sinh lớp 8 Trường PTDTBT THCS Hồng Thu xã Hồng Thu (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) có thay đổi vào mùa nắng nóng. Sáng nào cũng vậy, Phương Yến cùng các bạn dùng nước lấy về từ hôm trước để vệ sinh cá nhân. Từ đánh răng, rửa mặt đều phải tiết kiệm. Kết thúc buổi học chiều, các em đi hơn một cây số để tắm rửa, giặt giũ. Xong xuôi, tất cả lại hứng và xách nước về phòng để phục vụ nhu cầu vào sáng mai.
Nước trường học vùng cao như thứ đồ quý giá nên cả thầy và trò đều ý thức tiết kiệm. Chị Mã Thị Dao, nhân viên phục vụ Trường PTDTBT THCS Hồng Thu kể: “Chúng tôi phải sử dụng tiết kiệm nước trong mọi công việc. Nước qua sử dụng không đổ đi mà tận dụng để tưới hoa”.
Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Hồng Thu cũng giáo dục học sinh phải sử dụng nước tiết kiệm. Thay vì trực tiếp xả nước, nhà trường hướng dẫn trò hứng nước vào chậu để rửa tay. Nước sau sử dụng được tận dụng để tưới hoa hoặc dội nhà vệ sinh.
Những ngày này, có nước, kể cả nước ở mó để sử dụng với thầy trò vùng cao là điều quý giá. Với ngôi trường nằm biệt lập trên đồi cao, mó nước cách xa trường lại thường xuyên trong tình trạng khô cạn, thầy trò nhiều hôm đi bộ vài cây số rồi lại lếch thếch quần áo, can nhựa về tay không. Những lúc cao điểm mất nước, ban giám hiệu đành vận động nhân dân ủng hộ từ 1 đến 2 can nước 20 lít/ngày.
Bước vào mùa Hè, ảnh hưởng khí hậu của Lào, nhiều huyện vùng cao Nghệ An chịu thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, khô hạn kéo dài như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu... Khan hiếm nguồn nước trở thành nỗi lo thường trực của bà con nơi đây, trong đó các trường học cũng bị ảnh hưởng, chịu nhiều vất vả. Đặc biệt là những đơn vị đang tổ chức mô hình bán trú, giữ học sinh ở lại trường nuôi ăn ở, sinh hoạt từ đầu tuần đến cuối tuần.
Ông Phạm Viết Phúc - Quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho hay, mùa khô trên địa bàn kéo dài từ khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 4 - 5 năm sau. Dịp này đang vào cao điểm nắng nóng, nhiều trường học đóng ở các xã nằm trên 1.000m so với mực nước biển rơi vào tình trạng thiếu nước như: Huồi Tụ, Keng Đu, Mường Lống, Phà Đánh… Tại huyện Quế Phong, ông Lữ Thanh Hà - Trưởng phòng GD&ĐT chia sẻ, nơi khô hạn, thiếu nước trên địa bàn là các bản Mông thuộc xã biên giới Tri Lễ như: Nậm Tột, Huồi Xái, Huồi Mới… Các bản này đang duy trì điểm lẻ của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 và Mầm non Tri Lễ.
Hiện một số trường vùng cao của Nghệ An được đơn vị thiện nguyện hỗ trợ kinh phí khoan giếng, có nước, song nhiều điểm bản vùng sâu, vùng cao vẫn chưa triển khai được do địa hình quá cao và chưa có đường giao thông thuận lợi.
Hành trang đến trường của học sinh ở Lai Châu ngoài cặp sách còn có chai đựng từ 1 đến 5 lít nước. Thầy cô mỗi ngày đến trường có thêm bạn đồng hành là can 20 lít đựng nước sạch cho trò. Những thầy cô ở lại trường thì ngày dạy, đêm đi hứng nước. Việc thức đến 2 - 3 giờ sáng trở thành quen. Chẳng ai kêu ca, phàn nàn bởi có đủ nước phục vụ nhu cầu tối thiểu đã là vui lắm rồi.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-vung-cao-khat-nuoc-post640638.html