Trường Yên, nơi lưu giữ nhiều 'vốn cổ' của quê hương, dân tộc
Là nơi đặt Kinh đô của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam gắn với 3 triều đại: Đinh, tiền Lê và Lý, xã Trường Yên (thành phố Hoa Lư) còn lưu giữ nhiều nghi lễ truyền thống, giữ gìn 'vốn cổ' của quê hương, dân tộc.

Nghi thức tế cửu khúc nữ quan tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh tư liệu: Minh Quang
Gìn giữ “vốn cổ”- tâm huyết của các thế hệ người dân Trường Yên
Những ngày này, Nhà văn hóa thôn Đông Thành luôn là địa điểm quen thuộc của các thành viên đội tế cửu khúc nữ quan của thôn Đông Thành. Dù mỗi người một công việc khác nhau, nhưng những ngày chuẩn bị cho lễ hội Hoa Lư, các buổi tập đều có đông đủ các thành viên. Ai cũng cố gắng sắp xếp việc nhà để có mặt đúng giờ.
Bà Nguyễn Thị Sơn, chánh tế, Đội tế cửu khúc nữ quan thôn Đông Thành chia sẻ: Đội tế cửu khúc nữ quan thôn Đông Thành được duy trì 34 năm nay. Với nhiều người dân xã Trường Yên, tham gia đội tế cửu khúc luôn là niềm vinh dự, tự hào vì được thực hiện những nghi thức tế lễ cổ truyền để dâng lên Đức Vua, góp phần giữ gìn, bảo tồn một trong các nghi thức truyền thống của Lễ hội Hoa Lư.
Nhiều năm tham gia đội tế cửu khúc nữ quan thôn Đông Thành, các thành viên đội tế đều có chung suy nghĩ, luyện tập thật tốt để bày tỏ sự tri ân công lao của đức Đinh Tiên Hoàng Đế. Đồng thời, để con cháu chứng kiến và cảm nhận những nỗ lực của các thế hệ đi trước luôn hướng về cội nguồn bằng những việc làm ý nghĩa…

Đội tế cửu khúc thôn Đông Thành luyện tập chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lư năm 2025. Ảnh: Lý Nhân
Tại xã Trường Yên, từ năm 1992 đến nay, các đội tế của xã đã được quan tâm khôi phục, giữ gìn cho đến ngày nay. Hiện trên địa bàn xã Trường Yên duy trì nhiều đội tế, nhưng tế cửu khúc chỉ còn 3 đội là đội tế cửu khúc nữ quan thôn Đông Thành và đội tế cửu khúc nam quan, nữ quan xã Trường Yên.
Cùng với các đội tế nam quan, nữ quan, người dân Trường Yên còn tham gia nhiều hoạt động khác tại Lễ hội, trong đó phần lớn các hoạt động thuộc phần lễ đều do người dân địa phương đảm nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư chi bộ thôn Minh Hoa cho biết: Hàng năm chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lư, dù làm ngành nghề gì, bận rộn ra sao, người dân Trường Yên chúng tôi đều thu xếp để tham gia các đội hình luyện tập cho lễ hội như: tham gia đoàn rước nước, tế lễ, các trò chơi dân gian… Ai cũng xác định trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Cùng các học sinh Trường THCS Trường Yên luyện tập cho màn diễn tích “Cờ lau tập trận”, em Bùi Nguyễn Bảo Linh, học sinh lớp 8A chia sẻ: Màn diễn tích “Cờ lau tập trận” có ý nghĩa đặc biệt trong các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư nên mỗi học sinh chúng em đều có chung niềm tự hào được nhắc về thời thơ ấu của người anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của lễ hội..

Học sinh Trường THCS Trường Yên luyện tập màn diễn tích "Cờ lau tập trận" tham gia Lễ hội Hoa Lư năm 2025. Ảnh: Lý Nhân
Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trường Yên cho biết: Các hoạt động phần lễ và phần hội tại Lễ hội Hoa Lư, trong đó có các nghi lễ truyền thống là nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của Lễ hội Hoa Lư luôn được các thế hệ người dân Trường Yên gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay. Do đó, năm nào cũng vậy, dịp tháng 3 âm lịch bao giờ cũng là thời điểm ở các thôn, xóm rộn rã không khí luyện tập của các đội văn nghệ, các đội tế lễ cổ truyền, diễn tích “Cờ lau tập trận” của học sinh… Người dân địa phương chính là chủ thể của lễ hội, góp phần tạo nên môi trường văn hóa lễ hội truyền thống đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa con người và vùng đất Cố đô. Và cũng chính họ-những người dân thôn quê đã và đang chung tay gìn giữ và phát huy những nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo của các nghi lễ truyền thống.
Di sản-nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương
Những năm qua, địa phương đã chú trọng thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-truyền thống quê hương, nhất là các giá trị lịch sử văn hóa liên quan đến triều đại nhà Đinh, nhà Lê và không gian văn hóa Hoa Lư.
Xã Trường Yên hiện có 25 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 9 di tích cấp tỉnh, 16 di tích cấp quốc gia. Những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, điêu khắc như Đền thờ Vua Đinh-Vua Lê, chùa Nhất Trụ...; những áng thơ văn, lễ hội, ca múa, trong đó cái nôi hát Chèo có từ thời Đình... vẫn được duy trì và phát triển đến ngày nay.
Nhiều danh nhân nổi tiếng và các vị khoa bảng, nhà văn hóa, nhà khoa học đương đại được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này.
Mỗi ngọn núi, con sông trên đất Trường Yên đều là những địa danh ghi lại những dấu tích về văn hóa, lịch sử… tạo nên một Trường Yên đa dạng, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa nằm trong phạm vi của một vùng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An.
Đặc biệt, các lễ hội truyền thống tại xã Trường Yên được khôi phục gìn giữ và tổ chức hàng năm đã góp phần quan trọng tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô như: lễ hội Phủ làng Thong (ca ngợi, tri ân công đức của vị tướng thủy quân triều Đinh-Đức Vạn Dần Đại Vương); lễ hội đền Vực Vông (ca ngợi người con gái tiết liệt Nguyễn Thị Niên); Lễ hội Phủ Chợ (nơi được phối thờ bà tổ ngành chèo của nước ta); Ngày kỵ công chúa Phất Kim…
Trong đó, Lễ hội Hoa Lư năm 2025-kỷ niệm 1057 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (968-2025) được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh. Với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Hoa Lư hiện gìn giữ, lưu truyền nhiều nét văn hóa tiêu biểu, độc đáo.

Lễ rước kiệu tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh tư liệu: Minh Quang
Hiện nay, Lễ hội Hoa Lư được phục dựng lại gần như đầy đủ các nghi lễ cổ truyền như: lễ rước nước; lễ mộc dục; lễ tiến phẩm; tế Cửu khúc; tế lễ cổ truyền… của thời cha ông, mô phỏng, tôn vinh những giá trị văn hóa thời Đinh-Tiền Lê, cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tạo không khí linh thiêng và đa sắc màu văn hóa.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của tỉnh, địa phương về bảo tồn di sản văn hóa, lấy nguồn lực văn hóa để phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xã Trường Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về bảo vệ di sản, giá trị và tiềm năng to lớn của di sản trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nhằm khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao tinh thần yêu quê hương, đất nước.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Trong chiến lược phát huy giá trị văn hóa, con người Cố đô, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Trường Yên trở thành xã du lịch giàu bản sắc văn hóa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trường Yên chọn 3 nội dung trọng tâm để tạo khâu đột phá là xây dựng con người văn hóa để phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là du lịch cộng đồng, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư.
Địa phương đã đẩy mạnh các phong trào thi đua lồng ghép giữa xây dựng văn hóa, con người với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu… để duy trì nguồn lực văn hóa, phát triển du lịch.
Hiện nay, Trường Yên đã hình thành mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại 7 khu dân cư; xây dựng các tuyến đường hoa, tuyến đường tự quản, mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”…
Xã đã tiến hành rà soát, bảo tồn, phát huy giá trị các nhà cổ truyền thống, bến nước, sân đình, giếng cổ. Đồng thời, có biện pháp quyết liệt trong ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến di sản.
Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, xây dựng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa, văn minh được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật được tổ chức sâu rộng, nhiều sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia, quốc tế.
Trường Yên đang nỗ lực trở thành một làng quê hiện đại, văn minh nhưng vẫn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, hồn cốt của dân tộc.