Trượt tất cả các nguyện vọng xét tuyển, thí sinh thi lại vào năm 2025 thế nào?

Năm 2024 là năm cuối thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Thế nên trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay, nhiều thí sinh băn khoăn: Nếu không may trượt đại học năm nay thì sang năm sẽ thi lại như thế nào?

Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, tính đến 12h ngày 29/7, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GDĐT là 702.762 thí sinh.

Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2024 đến thời điểm này tăng khoảng 60.000 em so với tổng số thí sinh đã đăng ký xét tuyển đại học năm 2023.

Sáng suốt lựa chọn nguyện vọng

Trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay, nhiều thí sinh, phụ huynh lo lắng: Nếu không may trượt đại học năm nay thì sang năm sẽ thi lại như thế nào?

Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ băn khoăn: “Em đã tốt nghiệp THPT năm 2024. Tuy nhiên, điểm thi của em không cao. Nếu không đỗ được vào trường đại học mong muốn thì em sẽ thi lại vào năm 2025 để xét tuyển đại học thế nào?

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Lê Khánh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Lê Khánh.

Sở dĩ có băn khoăn này là bởi năm 2024 là năm cuối thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018).

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đã khẳng định, thí sinh học sinh lớp 12 năm nay vẫn có thể sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tốt nghiệp hoặc sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng. Về nguyên tắc thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó.

Tuy nhiên vì năm sau, số thí sinh dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ không còn nhiều và có thể các cơ sở đào tạo sẽ không dành nhiều chỉ tiêu cho đối tượng này, từ đó mức độ cạnh tranh có thể lớn hơn.

Do đó, thí sinh nên cố gắng có lựa chọn sáng suốt để đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào năm nay.

Về phía các cơ sở giáo dục đại học, đại diện một số trường thông tin, năm 2025 các trường có thể sẽ vẫn giữ phương án tuyển sinh ổn định ở mức cao nhất để tạo điều kiện cho thí sinh.

Rà soát, kiểm tra dữ liệu trước khi hoàn tất đăng ký nguyện vọng

Về nguyên tắc, hệ thống sẽ xét từ trên xuống, thí sinh đỗ ở nguyện vọng nào sẽ dừng ở nguyện vọng đó.

Vì vậy, ngay cả khi thí sinh để nguyện vọng đã trúng tuyển ở cuối nhưng các nguyện vọng xếp trên trượt hết thì hệ thống vẫn xác định thí sinh đỗ nguyện vọng này.

Khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống, thí sinh chỉ cần quan tâm tới ngành đào tạo và trường, không cần chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, thí sinh sẽ phải cập nhật lên hệ thống những dữ liệu mà thí sinh có liên quan tới việc xét tuyển (điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ năng lực quốc tế, kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...). Phần mềm sẽ tự động lựa chọn phương thức, tổ hợp mà thí sinh có lợi nhất để xét tuyển.

Theo quy định, thí sinh sẽ phải hoàn thành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trước 17h hôm nay (30/7).

Sau thời gian trên, hệ thống sẽ đóng lại, thí sinh không thể bổ sung, điều chỉnh nguyện vọng được nữa.

Thí sinh lưu ý không nên để đến phút cuối mới đăng ký nguyện vọng vì có thể bị quá tải hệ thống, chỉ nên dành thời gian này để rà soát, kiểm tra dữ liệu.

Sau khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh phải thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/truot-tat-ca-cac-nguyen-vong-xet-tuyen-thi-sinh-thi-lai-vao-nam-2025-the-nao-10286781.html