Erich von Däniken và nhiều nhà lý thuyết tin vào giả thuyết người ngoài hành tinh cổ xưa hay còn gọi là nhà du hành vũ trụ đã xuất hiện trên Trái đất từ hàng ngàn năm trước. Người ngoài hành tinh đã xuống Trái đất, nơi mà họ được ca ngợi như những vị thần và giúp nền văn minh của con người dần được hình thành.
Để chứng minh cho lập trường của mình, những người ủng hộ quan điểm trên đã đưa ra những bằng chứng bao gồm: các văn bản tôn giáo cổ xưa và những hiện vật còn sót lại ở các kỳ quan cổ như những bức vẽ trong hang động, tác phẩm điêu khắc bằng đá và kim tự tháp...
Theo họ, một trong những bằng chứng chứng tỏ người ngoài hành tinh xuất hiện từ hàng ngàn năm trước trên Trái Đất là đường kẻ Nazca. Những đường kẻ nổi tiếng này được khắc trên sa mạc cách thủ đô Lima của Peru 320 km về phía Tây.
Cao nguyên dài 58 km, rộng 1,6 km, với những đường kẻ và các khối hình khác nhau luôn thách đố giới chuyên gia kể từ khi chúng được phát hiện ra vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Bên cạnh những đường kẻ thẳng, hình vẽ hình học, bản vẽ động vật, chim chóc và con người. Vì chúng có kích thước khổng lồ nên khi nhìn từ trên cao, người ta nhìn những đường kẻ chạy song song với nhau và có những điểm giao nhau khiến chúng rất giống đường băng.
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm được bằng chứng chứng tỏ người Nazca sống ở khu vực này từ 300 trước công nguyên đến năm 800 sau công nguyên đã phát minh ra máy bay. Các nhà lý thuyết về người ngoài hành tinh cổ xưa cho rằng những đường kẻ đó chính là đường băng hạ cánh của con tàu vũ trụ đáp xuống khi đến Trái đất.
Tàu bay Vimanas được các nhà giả thuyết xem là bằng chứng thứ hai chứng tỏ người ngoài hành tinh có từ thời xưa. Một số sử thi tiếng Phạn được viết ở Ấn Độ trong khoảng thời gian từ hơn hai thiên niên kỷ trước có nhắc đến một loại máy bay thần thoại được gọi là Vimanas.
Người ta tìm thấy những điểm tương đồng giữa Vimanas và các báo cáo về việc một số nhân chứng đã nhìn thấy UFO. Theo đó, tàu Vimanas được miêu tả là có 2 tầng. Tầng một là những ô cửa và thân. Tầng hai là cột trụ có mái vòm.
Vimanas có hình dạng giống như điếu xì gà và được mô tả giống như máy bay ngày nay. Các nhà lý thuyết tin rằng, nhà du hành vũ trụ đến từ hành tinh khác đã ghé thăm Ấn Độ trong thời kỳ cổ đại.
Bằng chứng tiếp theo là các bức tượng (hay còn gọi là Moai) trên đảo Phục Sinh. Đảo Polynesia của Đảo Phục Sinh nổi tiếng với những bức tượng đặc biệt bao gồm 887 tượng hình người khổng lồ.
Trong đó, phần đầu của bức tượng có kích thước rất lớn nằm dọc bờ biển. Những bức tượng khoảng 500 năm tuổi và được làm từ đá nguyên khối. Chúng có độ cao gần 4m và nặng 14 tấn. Một số bức tượng khác có chiều cao gấp đôi số liệu trên và nặng hơn rất nhiều.
Cho đến nay, giới chuyên gia vẫn chưa giải mã được bí ẩn người xưa vận chuyển những tảng đá lớn như vậy bằng cách nào. Một số nhà lý thuyết tin rằng những bức tượng này là những dấu ấn của người ngoài hành tinh để lại sau chuyến thăm đảo Phục Sinh.
Những khối đá ở Puma Punku là bằng chứng thứ 3 mà một số nhà giả thuyết tin rằng người ngoài hành tinh đã đến Trái đất từ hàng ngàn năm trước. Nằm ở vùng cao nguyên của Bolivia, Puma Punku là khu phế tích đá khổng lồ được chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Những tàn tích đó được các chuyên gia xác định đã có hơn 1.000 năm tuổi. Theo nhận định của giới khoa học, Puma PunKu được thổ dân da đỏ AyMaRa xây dựng vào thời kì "đồ đá". Họ còn mới bước vào thời kì đồ đá nên vẫn chưa có chữ viết và cũng không thể tồn tại những kiến thức về khoa học, xây dựng.
Do đó, các nhà lý thuyết đưa ra giả thuyết rằng, người ngoài hành tinh đã sử dụng những kỹ thuật tiên tiến tạo ra những phế tích này hoặc tư vấn cho người dân nơi đây xây dựng nó.
Bằng chứng cuối cùng là cuốn sách Ezekiel. Đây là một phần của Kinh Thánh viết bằng tiếng Do Thái. Trong cuốn sách có nội dung rằng: Một nhà tiên tri đã nhìn thấy một chiếc tàu bay xuất hiện kèm theo lửa, khói và tiếng ồn lớn.
Một số nhà lý thuyết suy đoán thiết kế của phương tiện trên gần giống một tàu vũ trụ hiện đại. Đây có lẽ là văn bản miêu tả cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa con người và người ngoài hành tinh.
Theo Tâm Anh/Kiến thức