Truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND với cố Trung tướng Đặng Kinh

Nói đến cố Trung tướng Đặng Kinh, người ta nghĩ ngay đến cách đánh du kích mưu trí, dũng cảm, dùng ít thắng nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại một cách tài tình làm quân thù bạt vía kinh hồn.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh trao Bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho bà Đặng Thu Hà, con gái cố Trung tướng Đặng Kinh. (Ảnh: Sơn Bình)

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh trao Bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho bà Đặng Thu Hà, con gái cố Trung tướng Đặng Kinh. (Ảnh: Sơn Bình)

Sáng 20/12, tại TP Hải Phòng, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng đã tổ chức trọng thể Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) với cố Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Kiến An, nguyên Thành đội trưởng Hải Phòng, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND đã trao danh hiệu Anh hùng LLVTND với cố Trung tướng Đặng Kinh cho đại diện gia đình. Đây là sự tôn vinh, thể hiện sự quan tâm, tin tưởng sâu sắc của Đảng, Nhà nước với những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng Đặng Kinh.

Cán bộ quân sự đầu tiên của liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An

Trung tướng Đặng Kinh tên thật là Đặng Văn Rợp, SN 1922, tại xã Bắc Sơn, huyện An Lão (nay là phường Bắc Sơn, quận Kiến An), TP Hải Phòng, trong một gia đình nông dân nghèo. Được đồng chí Tô Hiệu (lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) dìu dắt, định hướng, Đặng Kinh từ người công nhân mỏ đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là cán bộ quân sự đầu tiên của liên tỉnh Hải Phòng - Kiến An. Cũng từ đây, ông được các cấp ủy đảng phân công trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh lớn.

Trong đó, trên cương vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Kiến An, ông đã trực tiếp chỉ huy LLVT tỉnh tiến công vào thị xã Kiến An ngày 21/4/1953, diệt gần 500 tên địch, thu giữ và phá hủy trên 30 vạn lít xăng dầu, 24 nhà kho, 60 gian chứa đầy bom đạn và gần 600 phương tiện, vũ khí các loại. Trận tiến công đánh dấu bước trưởng thành về khả năng tác chiến tập trung của bộ đội địa phương Kiến An.

Đêm 18/6/1953, quân ta bất ngờ luồn vào Sở Dầu - Thượng Lý (là kho chứa xăng, dầu và nơi dự trữ nhiên liệu quan trọng của quân đội viễn chinh Pháp chuyên cung cấp cho các chiến trường Bắc Bộ). Bốn tiểu đội do ông chỉ huy đã sử dụng bộc phá phá hủy các bồn chứa xăng. Ngọn lửa lan rộng, đốt trụi cả khu kho chứa 147 triệu lít xăng, dầu và 300 xe cơ giới của địch.

Trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50, ông trực tiếp chỉ huy Trung đoàn tổ chức nhiều trận đánh, thu được thắng lợi vẻ vang. Chỉ tính riêng 26 ngày sau khi thành lập (1/7/1954), ông đã chỉ huy Trung đoàn tổ chức đánh 25 trận, diệt 3.231 tên địch, bắt sống gần 200 tên, phá hủy nhiều xe, pháo, phương tiện chiến tranh của địch; giải thoát cho 140 đồng bào, vận động 420 gia đình chống chính sách di dân của địch.

Chiến công lừng lẫy tại sân bay Cát Bi

Nói đến chiến công của quân và dân Kiến An - Hải Phòng cũng phải nhắc đến thắng lợi trong trận đánh sân bay Cát Bi do ông trực tiếp chỉ huy.

Ngày đó, sân bay Cát Bi được thực dân Pháp coi là một căn cứ không quân bất khả xâm phạm và là đầu cầu hàng không tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười khi ấy là Bí thư Khu ủy Tả Ngạn kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Chính ủy Quân khu Tả Ngạn đã nói: “Đánh Cát Bi, chỉ cần phá được 50 máy bay là hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc”.

Sau một thời gian trinh sát tìm hiểu cặn kẽ khu vực xung quanh sân bay Cát Bi, 7h tối ngày 5/3/1954, ông Kinh và Phó Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy (ông Giang Sơn) đã dẫn 32 chiến sĩ lặng lẽ vượt sông Văn Úc, tiếp cận cắt rào, luồn vào vùng sâu sân bay Cát Bi.

Đúng 0h30, những tia chớp cùng với những tiếng nổ từ các thùng xăng trong sân bay bùng bùng bốc cháy thành từng dãy, rực sáng cả một vùng trời. Kết quả, ta phá được 59 máy bay của địch, phần nhiều là vận tải cỡ lớn Dacota B26 và máy bay chiến đấu, trong đó có 10 máy bay trinh sát.

Đơn vị của ông nhận được điện khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh: “Đây là 1 chiến công lớn, là 1 trong những trận chiến đấu oanh liệt dũng cảm nhất (…) trong lịch sử quân đội ta từ trước tới nay đánh thẳng vào trung tâm quân sự của địch ở sát Hà Nội và Hải Phòng… Tinh thần dũng cảm vô song của các đồng chí đáng nêu cao cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong toàn quân học tập”.

Nhà nghèo, lại tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn nhỏ nên phải đến 52 tuổi, ông mới học xong chương trình đại học, nhưng Trung tướng Đặng Kinh lại là một chuyên gia giảng dạy về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân cho các sĩ quan, chuyên gia quân sự nước ngoài.

Suốt 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 45 năm là lính chiến, tướng Đặng Kinh đã trải qua nhiều nhiệm vụ, cương vị khác nhau: Từ Tiểu đoàn trưởng đến Huyện đội trưởng, Tỉnh đội trưởng, tiếp đó là Phó Tư lệnh Quân khu Thừa Thiên Huế, Tư lệnh Quân khu Tá Ngạn (gồm Hà Bắc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND. Ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành tốt trọng trách của mình, luôn giản dị, khiêm tốn học hỏi đồng bào, đồng đội... được mọi người yêu quý. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa 6.

Ngày 1/11/2019, do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, Trung tướng Đặng Kinh đã từ trần tại nhà riêng, thọ 97 tuổi.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình chiến đấu và công tác, ông vinh dự được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, Trung tướng năm 1982, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác…

Ngày 17/10/2023, cố Trung tướng Đặng Kinh được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/truy-tang-danh-hieu-anh-hung-llvtnd-voi-co-trung-tuong-dang-kinh-post499780.html