Truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho 8 Mẹ ở TP.HCM
Lễ truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước 'Bà Mẹ Việt Nam anh hùng' đợt 44 cho 8 mẹ Việt Nam anh hùng được tổ chức ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
Sáng 8-3, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Lễ truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 44.
Tham dự có ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM cùng lãnh đạo nhiều cơ quan đơn vị liên quan.
Cùng tham dự có thân nhân, gia đình của các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Theo đó, trong đợt 44 này, TP.HCM có 8 mẹ được truy tặng Danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, huyện Củ Chi có 5 mẹ gồm: Mẹ Nguyễn Thị Niềm, Mẹ Đỗ Thị Chính, Mẹ Trần Thị Trừ, Mẹ Tô Thị So, Mẹ Võ Thị Những; huyện Bình Chánh có hai Mẹ gồm: Mẹ Đỗ Thị Sáu, Mẹ Nguyễn Thị Chiếu; quận Bình Tân có Mẹ Huỳnh Thị Khỏe.
Lãnh đạo TP.HCM đã trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho thân nhân của các mẹ.
Tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thay mặt lãnh đạo và nhân dân TP chúc mừng và gửi lời tri ân sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam anh hùng cùng gia đình các mẹ vì những hy sinh, đóng góp, công lao to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Phan Văn Mãi, đây là niềm vui, niềm vinh dự không chỉ là ở gia đình các mẹ mà của từng địa phương, của cả TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ sự xúc động khi sắp tiến đến thời điểm Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước nhưng hồ sơ liên quan đến công tác chính sách vẫn đang tiếp tục làm.
“Như vậy vẫn còn những liệt sỹ chưa được công nhận, còn những Mẹ Việt Nam anh hùng đến nay mới được truy tặng và chắc chắn có những trường hợp có đóng góp cho cách mạng mà chưa hoàn thiện hồ sơ” – ông Mãi xúc động và cho biết cảm thấy ray rứt vì trách nhiệm của những người đi sau.
Chủ tịch UBND TP cũng trao đổi với các đoàn thể, chính quyền… những người làm công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa là “chính sách này làm bao nhiêu vẫn chưa đủ, nhanh bao nhiêu vẫn chưa kịp”. Ông Mãi yêu cầu phải tập trung hơn nữa, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ.
“Khi đã được công nhận rồi thì làm chính sách cho thật tốt. Có những mẹ khi làm hồ sơ thì còn sống, còn khỏe nhưng khi trao thì đã qua đời. Chúng ta phải chạy đua với thời gian, làm nhiều nhất, nhanh nhất có thể” – ông Mãi nhấn mạnh.
Trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc cũng như quá trình xây dựng, phát triển đất nước, ông Mãi cho biết đã có rất nhiều những hi sinh, mất mát. Trong đó, những người mẹ đã hi sinh những đứa con của mình.
“Những hi sinh thầm lặng, to lớn đã làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, là tấm gương cho tất cả chúng ta. Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chúng ta có trách nhiệm xây dựng TP, đất nước đàng hoàng, to đẹp hơn” – Chủ tịch UBND TP nói.
Theo ông Phan Văn Mãi, Lễ truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đúng vào ngày 8-3, thời khắc mà mọi người dành những tình cảm tốt đẹp để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ thành phố với những công lao sự đóng góp to lớn trong suốt quá trình lịch sử.
“Và chúng ta tự hào với những tấm gương phụ nữ thành phố qua các thời kỳ, các giai đoạn cách mạng với những đóng góp nổi bật. Các mẹ, các chị, các em không chỉ tham gia vào công việc chung của xã hội mà còn là điểm tựa, nguồn giữ lửa cho gia đình để nam giới yên tâm đóng góp cho xã hội.
Những đóng góp từ gia đình và xã hội của phụ nữ thành phố rất to lớn, góp phần xây dựng thành phố thêm đẹp hơn, đáng tự hào, đáng sống” – ông chia sẻ.