Truy tìm 'ma men'

Mỗi ca xử lý vi phạm về nồng độ cồn thường kéo dài đến 0h. Các 'ma men' luôn tìm cách cự cãi, từ chối ký vào biên bản hoặc nghiêm trọng hơn là bỏ xe, cầm đao đợi CSGT để trả thù.

“Mọi người xong chưa, chuẩn bị lên đường”, giọng Đội phó Tuần tra dẫn đoàn Phòng CSGT Công an TP.HCM thúc giục.

Lúc này, đồng hồ điểm 22h. Xe tải, môtô chuyên dụng đã đậu ở sân trụ sở để chuẩn bị cho cuộc tuần tra, xử lý vi phạm giao thông.

10 phút sau đó, tổ công tác gồm 10 CSGT và 2 CSCĐ "lao" ra đường.

Khi "ma men" cãi tay đôi

4 chiếc môtô dừng ngay giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định (quận Gò Vấp). Ôtô màu xanh rêu dùng để chở xe vi phạm cũng đậu cạnh đó.

"3, 2, 1...", đèn giao thông chuyển từ vàng sang đỏ. CSGT phóng tầm mắt quan sát phía xa. Thấy người đang điều khiển phương tiện có biểu hiện khả nghi, cảnh sát yêu cầu họ tấp vào lề để kiểm tra.

"Chúng tôi thường quan sát từ lúc các phương tiện chuẩn bị giảm tốc độ để dừng đèn đỏ. Người nào uống rượu bia thì tâm lý sẽ sợ sệt nên thường có xu hướng né tránh. Họ chen vào phía sau hoặc nép vào mép đường sát bên dải phân cách", một cán bộ chia sẻ.

 CSGT hướng dẫn người vi phạm ký vào biên bản. Ảnh: Duy Hiệu.

CSGT hướng dẫn người vi phạm ký vào biên bản. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngoài xuất trình các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, bảo hiểm xe... tài xế được hướng dẫn thổi vào máy đo nồng độ cồn. Anh Lê Bảo Quốc (ngụ quận 11) lo lắng khi CSGT cầm máy đo. Sau khi kiểm tra, tài xế này bị lập biên bản vì nồng độ cồn ở mức 0,5 mg/lít khí thở.

Người này hợp tác khai báo thông tin nhưng tỏ thái độ không đồng ý khi phương tiện bị tạm giữ.

Một người vi phạm khác cự cãi khi cho rằng cảnh sát không cư xử đúng mực. Với những cán bộ chuyên xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn, chuyện này xảy ra như cơm bữa. Có trường hợp say xỉn còn buông lời lăng mạ cảnh sát.

"Tôi mới chạy rà rà là mấy anh chặn bắt rồi, tôi có làm gì đâu. Xe tôi đi làm ăn bị mất giấy. Tôi nói hoài mà chỉ có vậy mấy anh cứ đòi phạt. Bây giờ mấy anh bắt xe về cũng bỏ rác thôi", một người đàn ông lớn tiếng khi bị bắt ký vào biên bản ghi nồng độ cồn ở mức 0,7 mg/lít khí thở. Khi bị giữ xe, ông này tỏ thái độ hậm hực, lặng mạ lực lượng làm nhiệm vụ.

"Có những phụ nữ cũng cãi tay đôi với chúng tôi về lỗi vi phạm của họ. Nhiều trường hợp sau khi ký vào biên bản đã xin mượn xe chạy về nhà lấy giấy tờ. Cảnh sát nói không được thì họ cũng lớn tiếng la lối. Gặp nhiều quá thành quen nên cũng không còn lạ lẫm gì", đội phó đội CSGT tuần tra dẫn đoàn kể.

Sau khoảng 2 giờ, tổ công tác phát hiện gần 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở. Theo quy định, họ phải chịu mức phạt cao nhất là 7 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 1 tuần và tước bằng lái 23 tháng.

Cầm đao chờ CSGT để trả thù

Nói về lần xử lý người vi phạm nồng độ cồn “nhớ đời” nhất, một cán bộ kể về trường hợp xảy ra hồi đầu tháng 8. Hôm đó, tổ CSGT lập chốt trên giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định (quận Gò Vấp).

Tài xế Lê Văn Trọng (ngụ quận Thủ Đức) khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ liền định quay đầu xe. Theo kết quả kiểm tra, người đàn ông này có nồng độ cồn ở mức 0,785 mg/lít khí thở, không xuất trình được giấy tờ liên quan. Nêu lý do bị mất ví, tài xế từ chối ký tên vào biên bản vì cho rằng CSGT xử lý chưa thỏa đáng.

"Giờ mấy anh bắt xe tôi, bất quá tôi bỏ xe. Tôi đi bộ về là quyền của tôi. Tôi đã nói bị mất ví, mất giấy tờ xe chứ không phải tôi không có giấy tờ xe. Anh ghi trong biên bản là tôi không xuất trình được giấy tờ xe là tôi không chịu. Tôi không ký tên", một CSGT thuật lại lời của Trọng.

Tổ công tác giải thích nếu quên giấy tờ, tài xế có thể bổ sung vào hôm sau. Còn trường hợp mất giấy tờ sẽ được xem như không có nhưng anh Trọng không đồng ý.

Sau gần 2 giờ thuyết phục, người vi phạm vẫn tiếp tục phân trần việc bị mất giấy tờ. Anh ta cho rằng CSGT không chịu thông cảm cho người dân để bỏ qua vi phạm.

 Xe của người vi phạm được đưa về trụ sở công an. Ảnh: Duy Hiệu.

Xe của người vi phạm được đưa về trụ sở công an. Ảnh: Duy Hiệu.

Một lần khác, lúc đó đã hơn 0h, tổ xử lý rời giao lộ để tiếp tục tuần tra thì suýt bị một người vi phạm tấn công bằng hung khí. “Lúc chạy xe sang đường, chúng tôi gặp anh ta vác cây đao chờ sẵn. Anh em cũng hiểu chuyện nên phản ứng nhanh và may là xử lý kịp thời”, một cảnh sát kể lại.

Có trường hợp không hiểu các thông tin được ghi trong biên bản nên cho là cảnh sát "xử ép". Trường hợp anh Nguyễn Văn Tài (ngụ quận Gò Vấp) là một ví dụ điển hình.

Bị xử lý do nồng độ cồn là 0,622 mg/lít khí thở, Tài đọc lại biên bản rồi nói lớn: "Xe em có ít vết trầy xước thôi mà các anh ghi vào nhiều là em không đồng ý".

Thật ra xe của Tài đã cũ, có nhiều vết trầy xước. Thông tin này được ghi lại để đảm bảo lúc người vi phạm lấy xe sẽ không khiếu nại hay thắc mắc về tình trạng phương tiện. Tuy nhiên, Tài lại tưởng càng nhiều vết trầy xước thì số tiền phạt anh phải nộp sẽ càng cao. Gặp những trường hợp này, CSGT phải kiên nhẫn giải thích.

Những ngày thời tiết xấu hay dịch Covid-19, cảnh sát vẫn tuần tra trên các tuyến đường. Lực lượng chức năng chỉ hạn chế xử lý những khi đường sá trơn trượt.

Lý giải về điều này, một cán bộ cho biết tâm lý người dân khi trông thấy cảnh sát sẽ hoảng loạn, thắng gấp. Chứng kiến nhiều vụ tai nạn, CSGT ý thức mức độ nguy hiểm trong trường hợp này.

Mỗi ca tuần tra xử lý nồng độ cồn ban đêm thường kéo dài từ 22h-0h. Sau đó, CSGT được điều động đến các tuyến đường huyết mạch để chống đua xe. Giấc ngủ của các thành viên tổ công tác thường bắt đầu lúc 4h sáng.

Hoài Thanh - Thư Trần
Ảnh: Duy Hiệu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truy-tim-ma-men-post1121121.html