Truy tìm 'sếp thanh tra' lừa tiền nhiều nữ giáo viên

Mã OTP là lớp bảo vệ quan trọng cho các tài khoản ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến và chỉ sử dụng duy nhất cho một lần giao dịch trong thời gian 2 phút. Tuy nhiên, với những kẻ siêu lừa đảo, không lộ diện, chỉ “bắn” tiếng qua điện thoại với một kịch bản tinh vi, chuyên nghiệp, thì 120 giây đủ để đưa nạn nhân vào bẫy, “tóm” lấy mã OTP để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn mới này vừa xảy ra tại Quảng Trị vào trung tuần tháng 8-2019, đặc biệt nhắm vào đối tượng nạn nhân là giáo viên gây nhiều bất an, lo lắng cho người dân.

CAH Gio Linh tiếp nhận nội dung báo án của 1 trong những nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản.

CAH Gio Linh tiếp nhận nội dung báo án của 1 trong những nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản.

Ngày 23-8, CAH Gio Linh cho hay vẫn đang tập trung lực lượng, phối hợp với nhiều đơn vị của CA tỉnh Quảng Trị điều tra theo tin báo tội phạm liên quan đến nhiều nạn nhân giáo viên bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn mới. Thay vì lộ diện, ra lời ngon ngọt, dụ dỗ nạn nhân thì loại tội phạm này lại áp dụng hoàn toàn ngược lại: chỉ sử dụng điện thoại, mạo danh cấp trên rồi dùng lời hăm dọa, khủng bố tinh thần, tạo bằng chứng ảo nhằm đưa nạn nhân sập bẫy.

Theo nội dung trình báo cơ quan CA của cô L.T (giáo viên một trường Tiểu học ở H. Gio Linh, Quảng Trị), lúc 16 giờ 8 ngày 16-8 ( thứ sáu), cô nhận được cuộc gọi từ số điện thoại của một người đàn ông nói giọng miền Trung, xưng là Thanh tra tỉnh thực hiện kiểm tra tài chính, tiền lương của trường và đang làm việc với lãnh đạo của trường. Người này yêu cầu cô T. phối hợp, cung cấp số tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Cô T. thấy bất thường nhưng nghe vị “cán bộ thanh tra” dọa báo cho cấp trên nếu cô giáo T. không hợp tác nên đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho người này. Chỉ vài phút sau, ĐTDĐ của cô T. nhận thông báo về mã OTP để thực hiện giao dịch. Cô T. cảnh giác, nấn ná cho qua 2 phút để giao dịch bất thành. 3 phút sau, một mã OTP tiếp tục được gửi báo, cô T. cũng cố trì hoãn thời gian. Ngay lập tức, cô T. bị “sếp thanh tra” hăm dọa vì thái độ “bất hợp tác” nên đến mã OTP thứ 3 buộc phải cung cấp cho “thanh tra”. Người này yêu cầu cô T. giữ kết nối điện thoại. Chỉ trong một thời gian ngắn, tài khoản cô T. bị trừ 30 triệu đồng (số chẵn).

Tương tự, 2 đồng nghiệp khác của cô T. cũng bị sập bẫy lừa của đối tượng với thủ đoạn như trên. Cụ thể, khoảng 30 phút trước khi gọi cho cô T., có người đàn ông dùng số máy 09881611xx gọi điện cho cô H.- Hiệu phó của trường, cho hay đã làm việc với lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện và sẽ về thanh tra. Người lạ này còn kết nối điện thoại với hiệu trưởng để hỏi thông tin về cô hiệu phó. Sau đó, quay lại hỏi cô H. về số lượng giáo viên, đặc biệt hỏi cụ thể về 2 giáo viên T.H và H.L có phải giáo viên của trường, hai năm qua nghỉ thai sản. Biết chắc có cô D. vừa nghỉ chế độ thai sản xong, đối tượng liền gọi cô D. nhưng đúng lúc cô giáo bận không nghe điện thoại. Hắn đổi sang gọi cho cô H.L, dọa nạt yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng để thanh tra nhưng cô H.L cho hay không nhớ số tài khoản. Đến lúc này, đối tượng mới chuyển sang cô T. Việc cô T. nghe loáng thoáng giọng cô hiệu phó trong điện thoại là một phương thức tinh vi, chuyên nghiệp của đối tượng lừa đảo nhằm củng cố lòng tin của nạn nhân. Toàn bộ kịch bản chỉ diễn ra trong vài chục phút.

Đến chiều 17 – 8 – 2019, cũng số máy 09881611xx gọi vào điện thoại cô Q., giáo viên trường THCS ở vùng biển H. Gio Linh. Người gọi xưng là thanh tra Sở GD&ĐT đang làm việc với Phòng GD&ĐT huyện và lãnh đạo của trường để thanh tra việc thu nộp tài chính của cá nhân cô. Với giọng “bề trên”, người này hỏi dồn cô Q. có làm gì sai trái về tài chính trong quá trình công tác. Cũng với chiêu trò như vụ việc chiều 16- 8, tạo cơ sở để cô Q. tin hắn đang làm việc với cấp trên của cô Q. Khi cô Q. nói không có gì sai, đối tượng này liền lớn giọng, áp đảo tinh thần yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng để kiểm tra chứng minh. Sau đó, cô Q. mất bình tĩnh đã đọc mã xác nhận tài khoản cho đối tượng. Và rất nhanh, tài khoản cô Q. bị trừ 5,2 triệu đồng, được chuyển đến 1 tài khoản mang tên Nguyen Thanh Trung.

Dù đã cảnh giác, không cung cấp mã OTP đến 2 lần nhưng do bị đe dọa nên cô giáo L.T đã cung cấp mã OTP.

Dù đã cảnh giác, không cung cấp mã OTP đến 2 lần nhưng do bị đe dọa nên cô giáo L.T đã cung cấp mã OTP.

Trong khi đó, trường hợp cô O., giáo viên trường Tiểu học và THCS tại vùng đông H. Gio Linh nhận cuộc gọi của một người nam giọng miền Trung vào lúc 15 giờ 21 ngày 18-8-2019 cũng xưng là lãnh đạo sở đang thực hiện kiểm tra tiền lương của nhiều giáo viên. Những gì diễn ra với cô O. tương tự các vụ trên. Và sau khi cấp mã OTP cho “sếp thanh tra”, tài khoản cô O. bị mất 25 triệu đồng. Được biết, trong ngày 16-8, một trường hợp giáo viên khác tại H. Cam Lộ cũng bị lừa đảo chiếm đoạt 6 triệu đồng với kịch bản tương tự.

Rất có thể thủ phạm gây các vụ trên là cùng một đối tượng và không loại trừ có đồng phạm, hoạt động phạm tội chuyên nghiệp. Dù đây là thủ đoạn mới, tuy nhiên, quần chúng nhân dân cũng như cán bộ giáo viên tin tưởng lực lượng CA Quảng Trị vốn dày dạn kinh nghiệm trong điều tra, truy xét các vụ án chiếm đoạt tài sản, nhất là khi bước đầu đã thu được một số manh mối quan trọng sẽ sớm lật mặt được kẻ lừa đảo, ngăn chặn hành vi tương tự.

BẢO HÀ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_211477_truy-tim-sep-thanh-tra-lua-tien-nhieu-nu-giao-vi.aspx