Truy tố bị can lập khống hồ sơ chiếm đoạt tài sản

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao bị can Vũ Thế Huệ (55 tuổi, nguyên là Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) đã lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Mỹ vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân cùng cấp để đưa ra xét xử đối với bị can Huệ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

* Lập hồ sơ khống

Theo cáo trạng, vào năm 2014, UBND tỉnh ban hành chủ trương giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp nghỉ việc lâu năm. Căn cứ theo quy định, UBND xã Xuân Đông đã tiến hành thông báo cho cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp nghỉ việc lâu năm làm thủ tục hưởng chế độ, chính sách theo đúng quy định pháp luật.

Theo đó, cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có thời gian công tác 5 năm trở lên và đã nghỉ việc được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc. Thủ tục làm hồ sơ cũng đơn giản, trường hợp nếu người được hưởng chế độ không còn quyết định tuyển dụng thì UBND xã cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và cấp trên của người được hưởng (lúc còn đang làm việc) ký xác nhận là được.

Hành vi của các ông Lương, Luận, Huy, Phước và bà Linh có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chưa gây hậu quả đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nên Công an huyện đề nghị Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ xử lý các cá nhân này theo Luật Cán bộ, công chức hiện hành.

Biết được điều này, tháng 11-2015, Huệ lợi dụng sự quen biết đã xin 3 bộ hồ sơ cho các ông: Huỳnh Văn Quốc (47 tuổi), Võ Bùi Anh Tuấn (51 tuổi), Võ Bùi Nhật Tuấn (49 tuổi), đều từng tham gia lực lượng dân quân cơ động của xã, nay đã nghỉ việc.

Dù biết 3 cá nhân nói trên chưa đủ thời gian công tác 5 năm và đã nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình nhưng Huệ vẫn tự ý làm đơn và kê khai khống thời gian công tác thực tế của họ lên 5 năm để đảm bảo đủ điều kiện hưởng chế độ chính sách. Huệ cũng tự ký xác nhận (với vai trò là Xã đội trưởng) có tuyển dụng các cá nhân này vào lực lượng dân quân cơ động và thời gian công tác để hợp thức hóa hồ sơ.

Sau đó, Huệ đem nộp hồ sơ cho ông Nguyễn Văn Phước (lúc này là công chức văn phòng, thư ký xã, thư ký hội đồng xét duyệt hồ sơ). Vì tin tưởng Huệ nên ông Phước không xác minh, kiểm tra đối chiếu với thực tế mà tham mưu cho ông Phạm Duy Lương (Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt hồ sơ) và 2 cá nhân không phải là thành viên Hội đồng xét duyệt là: ông Nguyễn Đình Huy (Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã), ông Nguyễn Quang Luận (Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã) ký thẩm định thông qua.

Khi tiền trợ cấp được chuyển về địa phương, Huệ đã nhận thay mặc dù không có giấy ủy quyền nhận tiền (do không liên lạc được với 3 người được hưởng chế độ). Với việc làm khống 3 bộ hồ sơ, Huệ đã chiếm đoạt số tiền gần 16,5 triệu đồng từ nguồn kinh phí giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc.

* Hợp thức hóa hồ sơ

Đến tháng 6-2018, khi Đoàn thanh tra huyện tiến hành thanh tra toàn bộ quá trình giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho cán bộ, công chức và những người làm việc không chuyên trách cấp xã, ấp nghỉ việc lâu năm của xã Xuân Đông thì phát hiện việc bị can Huệ làm khống 3 bộ hồ sơ nói trên.

Để đối phó cơ quan chức năng, bị can Huệ đã chủ động tìm gặp 3 người có tên trong hồ sơ khống giao số tiền đã chiếm đoạt cho những người này và yêu cầu viết giấy biên nhận, giấy đính chính năm sinh, tên tuổi nhằm hợp thức hóa hồ sơ đúng với quy định.

Quá trình thanh tra phát hiện những sai phạm nên vụ việc đã được chuyển cho Công an huyện Cẩm Mỹ xác minh, làm rõ. Trước kết quả điều tra của công an, bị can Huệ đã nhận tội vì tham lam, muốn có tiền nên thực hiện những sai phạm.

Ngoài bị can Huệ bị truy tố, cơ quan chức năng cũng xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ việc. Cụ thể, ông Phạm Duy Lương với vai trò Chủ tịch Hội đồng xét duyệt nhưng chưa tổ chức họp xét đúng quy trình, thiếu kiểm tra, giám sát; 2 ông Trương Đình Huy và Nguyễn Quang Luận dù không phải là thành viên Hội đồng xét duyệt nhưng sau khi được cấp dưới tham mưu đã không tìm hiểu quy trình xét duyệt, ký thông qua 3 hồ sơ khống; ông Phước là thư ký Hội đồng xét duyệt nhưng không kiểm tra, xác minh, rà soát đối chiếu với thực tế dẫn đến sai sót và tham mưu không đúng cho cấp trên để cho hậu quả xảy ra. Riêng với bà Hồ Thị Xuân Linh (thủ quỹ xã Xuân Đông) dù ông Huệ không có giấy ủy quyền nhưng bà Linh vẫn chi tiền là sai quy định.

Nhật Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201906/truy-to-bi-can-lap-khong-ho-so-chiem-doat-tai-san-2949957/