Truy tố cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà trong vụ án tại Tập đoàn Thuận An
Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan. Trong đó, bị can Phạm Thái Hà (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội) bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn, qua đó hưởng lợi 750 triệu đồng.
Bị can Phạm Thái Hà bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Trong vụ án này, Viện KSND tối cao cũng truy tố cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
26 bị can còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó bị can Nguyễn Duy Hưng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An), Trần Quang Anh (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An), Nguyễn Khắc Mẫn (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An)...

Bị can Phạm Thái Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An.
Theo cáo trạng, bị can Phạm Thái Hà có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Duy Hưng từ khoảng năm 2013. Đến đầu tháng 11/2021, khi biết tỉnh Bắc Giang đang triển khai Dự án cầu Đồng Việt, Hưng đề nghị và được Hà đồng ý giới thiệu, tác động đến Bí thư Dương Văn Thái. Từ đó tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An tham gia thi công dự án.
Cuối tháng 12/2021, trong buổi ăn cơm với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang tại nhà nguyên Chủ tịch Quốc hội, bị can Hà đã giới thiệu bị can Hưng với bị can Thái. Bị can Hà nói rằng “Tập đoàn Thuận An là đơn vị có năng lực, nhờ các anh quan tâm, xem xét cho doanh nghiệp này tham gia dự án cầu Đồng Việt”. Bị can Thái đáp lại là “sẽ quan tâm”.
Việc giới thiệu, tác động của bị can Hà đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu. Đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc các cá nhân tại Ban Quản lý dự án Bắc Giang cùng đơn vị thiết kế và Tập đoàn Thuận An thông đồng, móc ngoặc giúp doanh nghiệp này trúng gói thầu số 7.
Sau khi Tập đoàn Thuận An trúng thầu, bị can Hưng đến nhà bị can Hà đưa 500 triệu đồng cảm ơn. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, bị can Hưng nhiều lần biếu bị can Hà thêm tổng 250 triệu đồng. Đến nay, bị can Hà đã tự nguyện nộp khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi. Cáo trạng xác định, bị can Hưng có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước tổng số tiền hơn 120 tỷ đồng, qua đó Hưng hưởng lợi hơn 98 tỷ đồng.
Đối với bị can Thái, cáo trạng xác định, bị can Thái tiếp nhận sự giới thiệu, tác động của bị can Hà về việc tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được tham gia đấu thầu, thi công Dự án cầu Đồng Việt. Đồng thời, bị can Hưng cũng nhiều lần gặp gỡ, đề nghị cho doanh nghiệp mình được làm dự án.
Từ đó, bị can Thái đã tác động, chỉ đạo Nguyễn Văn Thạo (Giám đốc Ban Quản lý dự án Bắc Giang) để cho Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu số 7. Sau khi trúng thầu, bị can Thái được bị can Hưng cảm ơn 900 triệu đồng. Hành vi của bị can Thái gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền đặc biệt lớn, qua đó hưởng lợi cá nhân 900 triệu đồng.
Cáo trạng xác định, bị can Thái thành khẩn khai báo về toàn bộ hành vi sai phạm, có đơn tố cáo hành vi sai phạm của cá nhân liên quan, giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và đã nộp tổng số 8 tỷ đồng, bao gồm 900 triệu đồng bị can Thái nhận từ bị can Hưng và 7,1 tỷ đồng bị can Thái tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả, thiệt hại chung của vụ án.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm của bị can Thái là do chịu sự tác động, can thiệp từ bị can Phạm Thái Hà. Bị can Thái được xác định có 5 tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật như: Chủ động, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại; nhận thức được rõ sai phạm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; chủ động khai báo, viết đơn tố giác, tích cực hợp tác, góp phần quan trọng để cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án; có nhiều thành tích trong công tác, đóng góp cho sự phát triển của ngành và địa phương (Huân chương lao động Hạng Nhì, Hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và cấp bộ; có nhiều lượt đơn của 38 cá nhân, tổ chức xác nhận thành tích và xin giảm nhẹ hình phạt).
Ngoài ra, gia đình bị can Thái có công với cách mạng, bố đẻ được Nhà nước tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Bố đẻ và bố vợ bị can Thái được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bị can Thái được xác định thực hiện hành vi sai phạm với mục đích thu hút vốn đầu tư, vì sự phát triển của địa phương. Bị can Thái tuy có nhận quà, tiền nhưng không yêu cầu, không thỏa thuận và đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi. Hậu quả, thiệt hại của Dự án Đồng Việt cũng đã được khắc phục hoàn toàn.