Truy tố cựu Tổng thống Moon Jae-in và nhiều cựu quan chức Hàn Quốc
Ông Moon và con gái Da-hye bị cáo buộc nhận hối lộ dưới hình thức lương và các khoản thanh toán khác cho chồng cũ bà Da-hye là ông Seo thông qua hãng hàng không giá rẻ Thai Eastar Jet.
Ngày 24/4, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, các Công tố viên đã truy tố cựu Tổng thống nước này Moon Jae-in về tội Nhận hối lộ, liên quan đến cáo buộc tạo điều kiện cho con rể cũ của ông là ông Seo làm việc tại một hãng hàng không.
Ông Moon và con gái Da-hye, bị cáo buộc nhận hối lộ dưới hình thức lương và các khoản thanh toán khác cho ông Seo, thông qua hãng hàng không giá rẻ Thai Eastar Jet có trụ sở tại Thái Lan.
Ông Seo được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Thai Eastar Jet vào năm 2018, sau khi người sáng lập công ty- cựu nghị sĩ hai nhiệm kỳ Lee Sang-jik, được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc.
Các Công tố viên ngờ rằng, việc bổ nhiệm ông Lee được thực hiện để đổi lấy việc tuyển dụng ông Seo vào Thai Eastar Jet, trong khi khi ông này được cho còn thiếu kinh nghiệm trong ngành hàng không vào thời điểm đó.
Trước đó, ngày 8/4, Viện Công tố khu vực trung Seoul đã quyết định truy tố tại ngoại cựu Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo về tội danh lạm dụng chức quyền, đồng thời chuyển giao cáo buộc vi phạm Luật Bí mật quân sự cho Viện công tố quân sự.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Yonhap.
Cựu Phó Chánh văn phòng an ninh quốc gia Suh Choo-suk bị truy tố về tội danh làm rò rỉ bí mật công vụ, lạm dụng chức quyền.
Kết quả điều tra của Viện công tố cho thấy, dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in, những cựu quan chức trên đã cung cấp trước thông tin tác chiến quân sự cho tổ chức phản đối triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD), bao gồm cả tổ chức thân địch đã được Tòa án tối cao công nhận.
Cựu Phó Chánh văn phòng Suh đã cam kết cung cấp thông tin tác chiến cho tổ chức phản đối THAAD trước một ngày. Trong thời gian từ năm 2018-2021, ông này đã 8 lần ra chỉ thị làm rò rỉ thông tin như việc nhập trang thiết bị và vật liệu xây dựng cho căn cứ THAAD, vốn là bí mật công vụ.
Vào ngày 12/4/2018, ông Suh đã không tuân theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng, tự tiến hành đàm phán tác chiến quân sự với tổ chức phản đối THAAD, rồi sau đó ra lệnh cho Lục quân đang tác chiến phải rút quân.

Ông Chung Eui-yong- Cựu Chánh văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.
Cựu Chánh văn phòng Chung và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jeong bị điều tra do vào ngày 29/5/2020 đã chỉ đạo Trưởng Nhóm hợp tác khu vực thuộc Bộ Quốc phòng tiết lộ thông tin về việc nhập vũ khí chiến lược cho tổ chức phản đối THAAD, vốn là bí mật quân sự cấp độ 2.
Không chỉ làm rò rỉ thông tin cho tổ chức phản đối THAAD, các cựu quan chức này còn tiết lộ thông tin cho cả một số tổ chức thân Triều Tiên như Hội nghị trung ương về tự chủ, hòa bình, thống nhất dân tộc, Ủy ban xúc tiến thống nhất dân tộc theo chế độ liên bang.
Nhờ biết trước được thông tin tác chiến như vậy, các tổ chức phản đối đã huy động các nhóm biểu tình chuyên nghiệp từ bên ngoài, dùng xe tải, máy móc nông nghiệp chiếm cứ lối vào duy nhất căn cứ THAAD, thậm chí còn trói mình vào xe tải để ngăn chặn một cách có tổ chức hoạt động tác chiến của quân đội.
Trong quá trình này, số người tham gia biểu tình đã tăng gấp 4 lần và số lượng cảnh sát được huy động tham gia hỗ trợ tác chiến tăng lên đến 49 lần, gây trở ngại cho tác chiến quân sự, lãng phí nghiêm trọng nguồn lực Nhà nước.

Ông Jeong Kyeong-doo- Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc. Nguồn: Koreatimes.
Cựu Phó Chánh văn phòng Suh còn ngăn chặn đề xuất “xử lý theo đúng pháp luật” đối với các hành vi trái phép của tổ chức phản đối THAAD. Ông Suh còn trình bày với phía Trung Quốc rằng “quá trình đánh giá tác động môi trường tốn nhiều thời gian do sự phản đối của người dân địa phương”, khiến quá trình lập Hội đồng đánh giá bị gián đoạn trong thời gian dài.
Tuy nhiên, Viện công tố không truy cứu hai quan chức này về cáo buộc làm rò rỉ bí mật quân sự cho Tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc, bởi điều này là cần thiết về mặt ngoại giao và quân sự xét tới các bước đi ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc với Trung Quốc, cũng như tình hình Bắc Kinh trả đũa kinh tế do việc triển khai THAAD.
Vụ việc trên dấy lên sau khi một tổ chức gồm các cựu tướng lĩnh quân đội đề nghị Cơ quan Thanh tra và kiểm toán tiến hành thanh tra vì công ích vào tháng 7/2023.
Tháng 11 năm ngoái, Cơ quan Thanh tra và kiểm toán đã đề nghị Viện công tố điều tra đối với các cựu quan chức trên, sau đó Viện công tố đã tiến hành khám xét nhà riêng của ông Suh, Phòng lưu trữ Tổng thống và triệu tập điều tra những người liên quan.
Tháng 11 năm ngoái, Đảng Dân chủ đồng hành đã bác bỏ nghi ngờ, khẳng định Chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in chưa từng cố ý trì hoãn triển khai THAAD, và hệ thống tên lửa này đã được vận hành bình thường.