Truy tố người mẹ ở Gia Lai giao xe cho con gây TNGT: Có được hưởng tình tiết giảm nhẹ?

'Nếu kết quả điều tra cho thấy bà Rơ Mah Pil biết con mình không đủ điều kiện điều khiển xe máy nhưng vẫn giao xe cho con sử dụng dẫn đến TNGT, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự', Luật sư Phạm Thảo - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng nhìn nhận.

Bà Rơ Mah Pil (sinh năm 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đang bị cơ quan chức năng lập hồ sơ truy tố với hành vi giao xe cho con không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây TNGT chết nhiều người

Bà Rơ Mah Pil (sinh năm 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đang bị cơ quan chức năng lập hồ sơ truy tố với hành vi giao xe cho con không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây TNGT chết nhiều người

Theo Luật sư Phạm Thảo - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng, pháp luật quy định xe mô tô, xe gắn máy và các phương tiện cơ giới là "nguồn nguy hiểm cao độ". Các phương tiện giao thông khi sử dụng đều có thể gây ra tai nạn, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với mức xử phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam tùy theo mức độ, hành vi phạm tội và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

"Nếu kết quả điều tra cho thấy bà Rơ Mah Pil biết con mình không đủ điều kiện điều khiển xe máy nhưng vẫn giao xe cho con sử dụng dẫn đến TNGT, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Thảo nhìn nhận.

Luật sư Thảo cho biết thêm, ngoài ra, theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định phương tiện GTVT, cơ giới, trường hợp này là xe máy được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Do đó, bà Pil có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi biết con trai không đủ điều kiện lái xe nhưng vẫn giao xe gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Phạm Thảo - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng

Luật sư Phạm Thảo - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng

"Theo thông tin báo chí cung cấp, hiện bà Pil có hoàn cảnh gia đình khó khăn (hộ cận nghèo), người đồng bào dân tộc Ja Rai, do đó có thể thuộc vào trường hợp trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế, vì vậy nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể được xem xét được hưởng tình tiết giảm nhẹ "Phạm tội do lạc hậu" theo điểm m, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong trường hợp nếu có khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại thì có thể được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" theo điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015", luật sư Thảo phân tích.

Luật sư Thảo nhận định, hiện nay, việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông (đặc biệt là học sinh, thanh thiếu niên) rất phổ biến, kể cả vùng thành phố lẫn nông thôn và khu vực đồng bào thiểu số, thực trạng này gây ra nhiều hệ lụy. Thực tế chứng minh đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do người chưa đủ điều kiện tham gia phương tiện giao thông điều khiển.

"Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật nói chung, Luật Giao thông đường bộ nói riêng cho học sinh, thanh thiếu niên và để các phụ huỵnh nắm rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này thì các cơ quan, tổ chức liên quan cần tổ chức các cuộc tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong khu vực địa phương.

Nhà trường, đặc biệt là các trường học ở những khu vực vùng sâu, vùng xa cần tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT đến học sinh, người dân.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng này và ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra thì quan trọng nhất vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường và phụ huynh trong việc kiểm soát không cho học sinh, thanh thiếu niên chưa đủ điều kiện tham gia điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông", luật sư Thảo khuyến cáo.

Như Tạp chí GTVT đã thông tin, ngày 25/12023, Rơ Mah Tinh (sinh năm 2006) điều khiển mô tô BKS 81B2-636.82 chở Niang Kéo và Siu Ngư đi từ hướng Ia Lâu đến xã la Ga để chơi. Khi đi đến đoạn đường liên xã thuộc km10+90 thôn Pắc Bó, xã la Lâu thì va chạm với mô tô BKS 81B2-199.06 do anh Rơ Mah Tuyên (sinh năm 2001, trú ở làng Tu) điều khiển đi ngược chiều. Vụ va chạm mạnh đã khiến cả 4 người đi mô tô tử vong.

Nguyên nhân vụ TNGT được xác định là người gây tai nạn chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ; điều khiển phương tiện khi trong người có nồng độ cồn; chở người quá quy định.

Ngày 20/2/2024, cơ quan chức năng huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã lập cáo trạng truy tố ra tòa một người mẹ có con bị tử vong trong vụ TNGT làm 4 người chết.

Người bị truy tố là bà Rơ Mah Pil (sinh năm 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) với tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ". Bà Pil là mẹ ruột của Rơ Mah Tinh - nạn nhân tử vong trong vụ TNGT.

Đại Thắng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/truy-to-nguoi-me-o-gia-lai-giao-xe-cho-con-gay-tngt-co-duoc-huong-tinh-tiet-giam-nhe-18324022810581019.htm