Truy tố nguyên cán bộ Cục THADS tỉnh Bình Định về tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' là đúng pháp luật
Nguyễn Văn Chánh – nguyên cán bộ Cục Thi hành án Dân sự (Cục THADS) tỉnh Bình Định đã bị Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999.
Chấp hành viên kê biên tài sản không đúng đối tượng
Nguyễn Văn Chánh – nguyên cán bộ Cục Thi hành án Dân sự (Cục THADS) tỉnh Bình Định đã bị CQĐT VKSND tối cao khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999.
Theo đó, năm 2017, CQĐT VKSND tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Cục THADS tỉnh Bình Định vì những sai phạm của Chấp hành viên. Ngày 28/11/2017, CQĐT VKSND tối cao ra Quyết định khởi tố bị can số 28/VKSNDTC-C1 (P4) và Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can số 01/VKSNDTC-C1 (P4) đối với Nguyễn Văn Chánh – nguyên Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Bình Định về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999.
Theo nội dung cáo trạng của VKSND tối cao, năm 2014, Nguyễn Văn Chánh là Chấp hành viên sơ cấp được Cục THADS tỉnh Bình Định phân công thực hiện bản án đã được TAND tỉnh Bình Định tuyên và được Cục THADS tỉnh Bình Định ra quyết định thi hành án theo đơn. Quá trình tổ chức thi hành án theo Quyết định số 01/QĐ-CTHADS ngày 9/10/2014 của Cục THADS tỉnh Bình Định, Nguyễn Văn Chánh đã không tiến hành xác minh đầy đủ điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thiếu trách nhiệm trong việc xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến gây thiệt hại tài sản cho 2 doanh nghiệp là Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phú Lợi và DNTN Huy Phương.
Cụ thể, Nguyễn Văn Chánh đã cho kê biên kho hàng là mì (sắn lát khô) tại phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn dẫn đến thiệt hại cho DNTN Huy Phương. Tương tự, Nguyễn Văn Chánh đã ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của DNTN Phú Lợi trên thửa đất có diện tích 28.815m tại Khu Công nghiệp Long Mỹ, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Trên lô đất này DNTN Phú Lợi có nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động bình thường.
Đồng thời, trên thửa đất bị kê biên còn có kho chứa sắn lát và hạt ươi. Nguyễn Văn Chánh đã cho cưỡng chế kê biên toàn bộ, khóa niêm phong hai cổng ra vào của kho hàng đồng thời thuê người bảo vệ và không cho người của DNTN Phú Lợi vào. Điều đáng nói, đối với kho hàng này của DNTN Phú Lợi không phải là tài sản thuộc diện bị kê biên nhưng Nguyễn Văn Chánh vẫn cho kê biên, phong tỏa khiến số hàng hóa trong kho này sau đó hư hỏng gây thiệt hại cho DNTN Phú Lợi.
Bên cạnh đó, bản án số 08/2014/DSPT ngày 29/9/2014 của TAND tỉnh Bình Định là căn cứ để Chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh ra quyết định kê biên tài sản thi hành án của DNTN Phú Lợi. Tuy nhiên, bản án này đã bị VKSND tối cao ra quyết định kháng nghị phúc thẩm. Vì vậy DNTN Phú Lợi không còn là đối tượng phải thi hành án theo bản án nhưng Chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh vẫn không hủy quyết định kê biên và không cho DNTN Phú Lợi lấy hàng hóa trong kho để bán.
Quá trình điều tra, CQĐT VKSND tối cao xác định, với trách nhiệm là Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Bình Định, Nguyễn Văn Chánh đã ra các quyết định kê bên tài sản không đúng gây thiệt hại cho DNTN Huy Phương với số tiền 5,6 tỉ đồng và gây thiệt hại cho DNTN Phú Lợi số tiền 49,4 tỉ đồng. Từ điều tra nói trên của CQĐT VKSND tối cao, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Chánh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009.
Vụ án càng kéo dài, doanh nghiệp càng thiệt hại lớn
Vụ án được TAND tỉnh Bình Định đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 17 và 18/9/2019. Tại bản án sơ thẩm, HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Văn Chánh 9 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 BLHS 1999. Bản án sơ thẩm còn tuyên buộc Cục THADS tỉnh Bình Định phải bồi thường cho DNTN Huy Phương với số tiền hơn 5,6 tỉ đồng và DNTN Phú Lợi hơn 49,4 tỉ đồng theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Do bị cáo Nguyễn Văn Chánh có kháng cáo án sơ thẩm nên ngày 14/4/2021, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án. HĐXX phúc thẩm nhận định tòa cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Chánh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 BLHS 1999 là có căn cứ.
Tại phiên xét xử, HĐXX TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy bản án của TAND tỉnh Bình Định để điều tra, truy tố xét xử lại để làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ án. Sau khi điều tra bổ sung, ngày 12/1/2022, VKSND tối cao ban hành cáo trạng số 06/CT-VKSNDTC-V6 truy tố Nguyễn Văn Chánh tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 BLHS 1999.
Ngày 27/9/2022, TAND tỉnh Bình Định tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên xét xử này, HĐXX đã quyết định một lần nữa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Lý do trả hồ sơ vụ án là để CQĐT xác định lại tư cách tham gia tố tụng của đại diện của một doanh nghiệp có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác ngoài DNTN Phú Lợi và DNTN Huy Phương.
Về vụ án này, luật sư Trần Văn Hùng – Văn phòng Luật sư Song Trần, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, là người tham gia bào chữa cho doanh nghiệp có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho biết, cáo trạng của VKSND tối cao truy tố bị cáo Nguyễn Văn Chánh cũng như việc xác định thiệt hại cho các doanh nghiệp trong vụ án là hoàn toàn chính xác. “Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi hoàn toàn nhất trí với cáo trạng của VKSND tối cao truy tố Nguyễn Văn Chánh. Lỗi của bị cáo là rất rõ ràng và đã gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp đã được CQĐT của VKSND tối cao chỉ ra”, luật sư Hùng nói.
Về phía bị hại, ông Lê Viết Chín – Chủ DNTN Phú Lợi cho biết, những sai phạm của Nguyễn Văn Chánh đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp của ông. Vụ án đã rất rõ ràng nhưng việc tòa nhiều lần trả hồ sơ vụ án khiến cho những doanh nghiệp có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã thiệt hại nay càng thiệt hại hơn.
Được biết, về phía DNTN Huy Phương, vụ án kéo dài đã làm cho bà Giáp Thị Huy Phương chủ doanh nghiệp này mất nhà cửa, mất hết tài sản và hiện nay đang phải đi ở nhà thuê.
“Vụ án đã kéo dài 8 năm nay tòa lại trả hồ sơ khiến chúng tôi rất hoang mang không biết đến khi nào quyền lợi chính đáng của chúng tôi được trả lại. Chúng tôi mong muốn vụ án sớm tiếp tục được đưa ra xét xử để Nhà nước sớm trả lại quyền lợi cho doanh nghiệp chúng tôi. Đến nay là 8 năm, doanh nghiệp của chúng tôi đã thiệt hại tổng cộng trên 90 tỉ đồng”, ông Lê Viết Chín nói.