Truy trách nhiệm dự án 'rùa' ở TPHCM

Ngày 4/6, giám sát tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM giải trình nguyên nhân dẫn đến hàng loạt dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Cầu Long Kiểng mới chưa xong nên người dân hàng ngày phải lưu thông qua cây cầu cũ bằng sắt từng bị sập một lần do xe quá tải.

Cầu Long Kiểng mới chưa xong nên người dân hàng ngày phải lưu thông qua cây cầu cũ bằng sắt từng bị sập một lần do xe quá tải.

1 cây cầu, 20 năm…chưa xong

Chỉ ra công trình cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) đã duyệt dự án gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ kể hôm bà xuống giám sát, thấy nhiều nhà dân trước kia ở vị trí mặt tiền đường, bây giờ biến thành những căn nhà dưới gầm cầu. Việc đi lại, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Bà Lệ ngậm ngùi: “Dự án kéo dài hết 1/3 cuộc đời. Có cụ bà chia sẻ với tôi, chỉ mong sống đến ngày nhìn thấy cây cầu hoàn thành. Nghe câu này các đồng chí có thấy xót xa không?”.

Nói về dự án cầu Bưng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho biết trong chuyến khảo sát thực tế ngày 28/5, phản ánh với đoàn giám sát, nhiều người dân khẳng định sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích riêng, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, dự án này vẫn kéo dài tới 3 năm do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng của 2 doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Phú.

“Chỉ vướng một cái sân và cái hàng rào nhưng dự án vẫn chậm. Thấy anh em trong đoàn giám sát bức xúc, tôi có cảm giác đang có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, từ sở này sang sở kia. Nếu mình là người dân thì thế nào? Từ nhà mặt tiền thành nhà dưới chân cầu mà người dân vẫn sẵn sàng nhận tiền, bàn giao. Nhưng bao năm sống cứ chui qua chui lại cái mố cầu. Nếu là các đồng chí thì có buồn phiền không?”, bà Lệ chất vấn.

Giãi bày với đoàn giám sát HĐND TPHCM, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (BQL DA) Lương Minh Phúc cho biết BQL DA đang quản lý 252 dự án. Có 75 dự án đang triển khai thi công, trong đó 43 dự án chậm tiến độ và hiện nay đã có 8 dự án ngừng thi công. Nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chậm, trong khi công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ… Để giải quyết vướng mắc của dự án cầu Long Kiểng, UBND huyện Nhà Bè đang đề xuất UBND TPHCM ứng vốn từ quỹ đền bù mua sỉ một số nền đất để giải quyết tái định cư cho người dân.

Người dân phải di dời 2-3 lần

Không đồng tình với giải thích của chủ đầu tư, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý quy định hiện nay không cho phép tạm ứng để mua nền dự trữ như thời điểm trước. BQL DA cần nhìn nhận trách nhiệm trong việc để các dự án công trình trọng điểm chậm tiến độ.

Theo đại biểu Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, khi tiến hành rà soát nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2), Ban phát hiện nhiều hộ dân bị giải tỏa nhà đất đến 2-3 lần. Ông Bình dẫn chứng: Một số hộ dân phải di dời khi thành phố làm đường Vành đai 2 rồi lại bị giải tỏa để thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định. Chưa hết, người dân sau đó còn tiếp tục bị giải tỏa khi thực hiện dự án mở rộng cầu Mỹ Thủy.

“Trong đề xuất dự án, quá trình quy hoạch, ngành giao thông và chủ đầu tư cần tính toán để người dân chỉ bị giải tỏa 1 lần. Bị giải tỏa nhiều lần thì không thể an cư lạc nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM cho biết cầu Long Kiểng trong 20 năm đã áp dụng đến 3 chính sách giá bồi thường. Riêng dự án nút giao thông Mỹ Thủy có nhiều bất cập, điều chỉnh quy mô dự án nhiều lần, Chi phí bồi thường giải tỏa từ 504 tỷ đội lên 1.029 tỷ và có nguy cơ sắp tới sẽ điều chỉnh tiếp.

“HĐND TPHCM nhiệm kỳ trước đã thông qua nghị quyết 08 về đầu tư công, nhưng tháng 4/2016 lại ban hành nghị quyết 07, điều chỉnh kinh phí đầu tư lên hơn 1.400 tỷ đồng và sắp tới dự kiến sẽ tiếp tục đội vốn lên gần 2.000 tỷ đồng. Nếu ngay từ đầu triển khai đồng bộ cùng một lúc thì sẽ không lãng phí về kinh phí đầu tư. Cầu Bưng ảnh hưởng đến người dân hai quận Tân Phú và Bình Tân. Riêng tại quận Tân Phú, trước đây làm đường Lê Trọng Tấn; vệ sinh môi trường, cải tạo rạch Tham Lương - Bến Cát đã giải tỏa một lần. Lần này lại tiếp tục giải tỏa nữa. Có một số trường hợp bàn giao mặt bằng 2-3 lần”, ông Tuyến cho hay.

Tại buổi giám sát, Phó giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng cam kết các dự án tiếp theo sẽ phối hợp với chủ đầu tư để làm triệt để. Mỗi hộ dân chỉ phải giải tỏa 1 lần, không gây khó khăn, xáo trộn đời sống của bà con.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/truy-trach-nhiem-du-an-rua-o-tphcm-1668496.tpo