Truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng: Con đường dẫn đến thời trang bền vững

Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu biết quần áo họ mua có xuất xứ từ đâu, được làm từ những nguyên liệu gì, chúng có thực sự thân thiện với môi trường hay không. Điều đó đòi hỏi sự minh bạch của chuỗi cung ứng trong ngành thời trang.

Người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ gen Z ngày càng quan tâm tới thời trang bền vững. Đó là các sản phẩm thời trang, may mặc không tạo ra các tác động gây hại đến môi trường, từ nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, quá trình sử dụng, phân hủy hay tái chế.

Ngày càng có nhiều thương hiệu gắn mác "xanh" (Ảnh minh họa)

Ngày càng có nhiều thương hiệu gắn mác "xanh" (Ảnh minh họa)

Cho đến nay, phong trào bền vững vẫn chưa được giám sát đầy đủ bởi các doanh nghiệp cá nhân hoặc chính phủ. Nhiều công ty đã bị phát hiện sử dụng chiến lược tiếp thị greenwashing (tẩy xanh) khi khoác lên sản phẩm, dịch vụ, hoặc chính sách công ty dưới lớp vỏ bọc “thân thiện với môi trường”, nhưng thực tế lại không giống với quảng cáo.

Traceability (tạm dịch: truy xuất, truy vết nguồn gốc) là một thuật ngữ phổ biến được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất hàng hóa. Hoạt động chính của traceability là giám toàn bộ chuỗi cung ứng, từ những nguyên liệu thô đến khi thành phẩm và vận chuyển đến cửa hàng cuối cùng. Quy trình này bao gồm việc kiểm soát và giám định sản phẩm về thành phần, nguồn gốc, lô sản phẩm, thị trường sản phẩm cung ứng,…

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là chìa khóa quan trọng trong việc kiểm tra những tuyên bố bền vững của các thương hiệu thời trang. Nếu không có sự chính xác trong traceability, các thương hiệu quá dễ dàng tuyên bố rằng họ đang hướng tới mục tiêu bền vững mà không giải quyết cơ bản các tác động của sản phẩm tới môi trường.

Truy xuất nguồn gốc là minh chứng cho tính bền vững của thương hiệu (Ảnh minh họa)

Truy xuất nguồn gốc là minh chứng cho tính bền vững của thương hiệu (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc hàng may mặc cực kỳ phức tạp, đặc biệt là đối với các thương hiệu lớn sản xuất hàng nghìn sản phẩm trải rộng trên nhiều châu lục. Chúng ta thường thấy các thương hiệu tuyên bố sử dụng các loại vải “bền vững”, sản xuất “thân thiện với môi trường”, nhưng họ không cung cấp bất kỳ thông tin thực tế nào để chứng minh điều đó.

Thông thường, các tuyên bố về tính bền vững chỉ tập trung vào các nhà máy cấp 1 - nơi diễn ra quá trình cắt, may và trang trí. Nhưng đó không phải là toàn bộ quá trình sản xuất một bộ quần áo. Những nguyên liệu thô được tạo thành sợi vải được trồng ở đâu? Mỗi quả bông được hái, mỗi lần đổ hóa chất, mỗi đốm kim loại tan chảy đều có tác động đến môi trường.

Rất ít thương hiệu cung cấp cho người tiêu dùng bức tranh toàn cảnh về nguồn gốc. Chỉ số minh bạch về thời trang năm 2021 tiết lộ rằng 47% thương hiệu được khảo sát đã công bố danh sách các nhà sản xuất cấp 1 của họ, nhưng chỉ 27% công bố thông tin về các nhà máy ngoài cấp 1 và 11% thương hiệu công bố toàn bộ thông tin về các nhà cung cấp nguyên liệu thô.

Các chứng nhận về tính bền vững hay đạo đức trong ngành dệt may được xác nhận bởi các tổ chức uy tín chính là dấu hiệu nhận biết tốt nhất giúp người tiêu dùng phân biệt được những sản phẩm thực sự “xanh” giữa muôn vàn lời quảng cáo đường mật. Tuy nhiên, các chứng nhận có thể bị lạm dụng nếu chúng không được các hệ thống khác hỗ trợ. Năm 2020, tổ chức Tiêu chuẩn dệt hữu cơ toàn cầu (GOTS) đã phát hiện ra 20.000 tấn bông hữu cơ giả liên quan tới các chứng chỉ bền vững không được xác thực tại Ấn Độ.

Chuỗi cung ứng của ngành dệt may có đặc thù là một chuỗi phức tạp và rời rạc, vị trí địa lý có thể ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Do đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm may mặc cần sự hợp tác của rất nhiều bên liên quan.

Trong bối cảnh đó, công nghệ blockchain đã được áp dụng. Một công ty công nghệ tại Úc chuyên nhúng các chất màu phát quang lên sợi vải tại nhà máy kéo sợi để tạo ra một loại vải có thể truy xuất nguồn gốc đầy đủ ở mọi giai đoạn trong vòng đời của nó. Màu phát quang không thể nhìn thấy bằng mắt thường và vẫn bám trên vải ngay cả khi nó được tái chế. Thông tin về sợi vải được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu blockchain an toàn theo thời gian thực ở mỗi giai đoạn của dây chuyền sản xuất.

Một số công nghệ ngày nay cho phép người tiêu dùng quét mã QR để biết được nguồn gốc sản phẩm (Ảnh minh họa)

Một số công nghệ ngày nay cho phép người tiêu dùng quét mã QR để biết được nguồn gốc sản phẩm (Ảnh minh họa)

Vào tháng 8, nhà sản xuất sợi len UPW của Hồng Kông đã thông báo rằng họ chứng minh tính bền vững của các sản phẩm bằng cách sử dụng các giải pháp công nghệ của công ty Haelixa có trụ sở tại Thụy Sĩ. Haelixa chuyên truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu sang chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng minh bạch.

Haelixa đã xác thực các sản phẩm của UPW đúng như những gì công ty tuyên bố: sợi UPW chất lượng cao được nhuộm và kéo thành sợi ở Đông Quan. Toàn bộ bộ sưu tập Thu Đông 2022 của UPW đã được phủ bằng dấu DNA của Haelixa. Công cụ đánh dấu vật lý này giúp các nhà bán lẻ và thương hiệu tại bất kỳ điểm nào dọc theo chuỗi cung ứng có thể xác minh xem sợi len có đến từ các nhà máy được chứng nhận của UPW hay không. Đây là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng.

Báo cáo của Bain & Company dự đoán rằng: trong thập kỷ tới, các công ty sẽ có hai con đường – một là các công ty đầu tư vào khả năng truy xuất nguồn gốc và hai là những công ty thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế, trong hầu hết các ngành và lĩnh vực, các công ty với chuỗi cung ứng có thể xác định nguồn gốc hàng hóa sẽ bắt đầu bỏ xa các đối thủ cạnh tranh có tầm nhìn hạn chế.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/kinh-te-doanh-nghiep/truy-xuat-nguon-goc-chuoi-cung-ung-con-duong-dan-den-thoi-trang-ben-vung-166949.html