Truyền cảm hứng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Không thấy 'khó', 'khô', 'khổ' như nhiều bạn trẻ khác, nam sinh GenZ Trương Văn Hoài Khanh, sinh viên năm nhất, trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) đến với các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong niềm yêu thích, để được 'biết, hiểu, tin, yêu' vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên của dân tộc. Khanh đã làm 3 clip tuyên truyền để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Biết, hiểu, tin, yêu
Trương Văn Hoài Khanh là một trong các thí sinh nhỏ tuổi nhất trong 10 gương mặt xuất sắc vào Vòng chung kết Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ V, năm 2023. Khanh gây ấn tượng bởi sự tự tin, đặc biệt là khả năng truyền cảm hứng, lửa nhiệt huyết về tình yêu lớn với bộ môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đây là lần đầu tiên Thành Đoàn TPHCM có sinh viên năm nhất tranh tài tại vòng chung kết toàn quốc bảng cá nhân Hội thi “Ánh sáng soi đường”, vì thế Khanh gặp không ít áp lực. Để không bị ngộp trong “biển” kiến thức, Khanh lập kế hoạch chi tiết tự học, từ các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tới Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII…
“Với tôi, các sân chơi lý luận, Hội thi “Ánh sáng soi đường” không phải để cạnh tranh ngôi thứ mà là môi trường thực sự lý tưởng để những người trẻ như chúng tôi được “biết, hiểu, tin, yêu” vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên của dân tộc”, Hoài Khanh nói.
Trong hành trình chinh phục sân chơi lý luận mà nhiều bạn sinh viên xem là “khó”, “khô, “khổ” này, Hoài Khanh đã xây dựng 3 clip tuyên truyền để lan tỏa tình yêu các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến đông đảo bạn trẻ.
Cả 3 clip được xây dựng ở 3 cấp, gồm: MV Di chúc của Bác, ánh sáng soi đường (cấp trường); clip Người trẻ có sợ trách nhiệm, lấy ý tưởng từ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Bệnh sợ trách nhiệm (cấp thành phố); clip Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Bác để phát huy vai trò của tuổi trẻ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội (cấp Trung ương).
Trương Văn Hoài Khanh từng giành giải Nhất bảng cá nhân và giải Nhì bảng đội tuyển cuộc thi Tầm nhìn xuyên thế kỷ do Thành Đoàn TPHCM tổ chức. Trước đó, Khanh cùng đội tuyển giành giải Nhì cấp trường cuộc thi “Niềm tin tất thắng”; giải Nhất cuộc thi Tự hào Sử Việt do Thành Đoàn TPHCM tổ chức.
Trong đó, MV ca nhạc với tựa đề Di chúc của Bác, ánh sáng soi đường - một MV về chủ đề đặc biệt, được chính Khanh và các bạn trong đội sáng tác lời trên nền nhạc ca khúc “Tôi là sinh viên Việt Nam” của nhạc sĩ An Hiếu và tham gia biểu diễn.
“Lời bài hát dựa trên những lời dạy của Bác trong tác phẩm Di chúc. Tôi làm MV vì muốn chuyển tải những lời dạy, tư tưởng lớn của Bác bằng âm nhạc trẻ trung phù hợp, nói với người trẻ bằng chính ngôn ngữ của các bạn. Mặc dù, tôi và các thành viên hát không được hay nhưng sự sôi nổi, tinh thần thanh niên nhiệt huyết trong bài hát đã được mọi người đón nhận, lan tỏa”, Hoài Khanh chia sẻ.
Tạo động lực cho Gen Z từ giáo dục lịch sử
Tình yêu lịch sử của nam sinh trường Đại học Kinh tế - Luật được hun đúc từ những ngày tham gia công tác Đội. Ba mẹ Khanh đều là công nhân, thường xuyên phải làm tăng ca đêm nên từ nhỏ, Khanh được gửi về bà ngoại ở. Nhìn thấy được niềm yêu thích của cháu trai, bà ngoại luôn khuyến khích Khanh tham gia các hoạt động tập thể, công tác Đội.
Lớp 5, Khanh đã là Liên Đội trưởng và giành giải Nhất Phụ trách Sao giỏi của quận Tân Bình. Lớp 6, Khanh là đại biểu thiếu nhi TPHCM được về thăm quê hương anh Kim Đồng ở Cao Bằng, được đến thăm suối Lê Nin, hang Pác Bó nơi Bác Hồ từng sống và làm việc.
“Khi được tận mắt chứng kiến những nơi ở, làm việc của Bác, mình rất xúc động về hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại từng sống, làm việc ở những nơi giản dị, gian khổ như thế. Những chuyến đi đó đã cho tôi cái “nhiệt” với lịch sử, niềm yêu thích tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Người”, Hoài Khanh kể.
Mục tiêu lớn nhất của Khanh hiện tại là cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường ĐH Kinh tế - Luật sẽ phát triển, mở rộng thêm sân chơi lý luận “Niềm tin tất thắng” cho sinh viên trong trường nói riêng và các bạn trẻ nói chung.
Theo Khanh, thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là Gen Z nhiều lúc rơi vào sự chông chênh do đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, mối quan tâm. Vì thế, việc đẩy mạnh giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc, lịch sử Đoàn, Hội đóng vai trò hết sức quan trọng giúp các bạn định hình tư duy, tìm thấy động lực để học tập, rèn luyện và phấn đấu.
Khó khăn là động lực vươn lên
Hiện Khanh ở ký túc xá Cỏ May - nơi ở miễn phí dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn luôn nỗ lực đạt thành tích học tập tốt. Tuy nhiên, suốt buổi trò chuyện, nam sinh trường ĐH Kinh tế - Luật không muốn dùng từ “khó khăn” khi nói về hoàn cảnh gia đình và những gì mình đã vượt qua. Với Khanh, tất cả chỉ là thử thách để bản thân có thêm động lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
“Tôi mong muốn mình là hạt nhân lan tỏa tình yêu môn học lịch sử, chinh phục các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến các bạn để các bạn hiểu, làm sao hình thành được lớp sinh viên giàu lý tưởng, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước”
Hoài Khanh, sinh viên trường ĐH Kinh tế-Luật
Nam sinh từng đứng trước nguy cơ nghỉ học vì biến cố gia đình. Năm lớp 12, mẹ Khanh bị tai nạn vỡ khớp gối phải nằm viện điều trị trong thời gian dài. Sau tai nạn, mẹ không thể đi làm, chỉ ở nhà nội trợ, một mình ba làm công nhân xưởng mộc lương tháng được 4,5 triệu đồng, tằn tiện nuôi cả gia đình.
Một hôm, ba mẹ gọi Khanh lại nói trong nước mắt: “Ba mẹ chắc không đủ khả năng nuôi con ăn học được nữa”. “Thấy tôi thẫn thờ không nói được điều gì, ba mẹ lại gạt nước mắt bảo rằng: thôi, con cứ yên tâm, để ba mẹ tính. Tôi biết, với tình hình lúc đó, ba làm lụng để nuôi cả gia đình có đủ cơm ăn hàng ngày và thuốc men cho mẹ đã là một thách thức vượt ngoài khả năng”, Khanh chia sẻ.
Khanh tính sẽ nghỉ học một thời gian đi làm thêm kiếm tiền tích lũy rồi sau quay lại đi học tiếp. Tuy nhiên, khi tâm sự chuyện này với cô giáo chủ nhiệm, chàng trai may mắn nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ, yêu thương hết mực từ thầy cô, bạn bè trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TPHCM).
Khanh được miễn tất cả các khoản học phí, cũng như đóng góp trong suốt năm học lớp 12. Sự “tiếp sức” của thầy cô, bạn bè trở thành nguồn động lực lớn lao để chàng trai nỗ lực vươn lên trở thành học sinh có điểm số tổng kết cao nhất trường, giải Nhì môn Văn học sinh giỏi Thành phố. Thành tích đó giúp Khanh được tuyển thẳng vào ngôi trường đại học mơ ước -trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).
“Dù cuộc sống có lúc gặp những khó khăn, thách thức, nhưng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, yêu thương từ mọi người xung quanh. Tôi chọn học ngành Luật dân sự với mong muốn sau này trở thành luật sư cho trẻ em để giúp trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh có được các cơ hội phát triển bản thân như tôi đã từng được nhận”, Hoài Khanh chia sẻ.