Truyền cảm hứng cho người yếu thế
Khao khát tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng, những bạn trẻ khiếm thính không ngừng ước mơ và hành động
Lương Thị Kiều Thúy (ngụ Hà Nội) bị suy giảm thính lực do ảnh hưởng của thuốc kháng sinh mà mẹ cô dùng trong thai kỳ. Dù đối diện nhiều khó khăn, cô gái 9X luôn chăm chỉ học tập và tốt nghiệp Trường CĐ Truyền hình.
Dám nghĩ, dám làm
Ước mơ làm báo của Thúy đã phải gác lại sau khoảng thời gian trải nghiệm, bởi cô nhận ra nghề này không phù hợp với người khiếm thính. Quá trình thực hiện dự án nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội giúp Thúy nhận ra thực trạng nhiều thách thức của những người đồng cảnh ngộ. Cô trăn trở nhiều đêm, tìm tòi loại hình công việc có tính khả thi nhất với những người như mình.
Năm 2019, Thúy trình làng ý tưởng "Giặt là Sáng" - dịch vụ giặt, ủi do người điếc, khiếm thính thực hiện. Qua đó, không chỉ giúp Thúy có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động khác.
Năm 2020, "Giặt là Sáng" vinh dự nhận giải thưởng "Cánh én vàng" cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và giải "Best Performance" trong chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức. Thúy còn hợp tác với chuỗi nhượng quyền "Giặt ký", mở ra "Tiệm giặt là của người điếc". Đến nay, "Giặt là Sáng" đã có 5 cơ sở trên toàn quốc. Đặc biệt, toàn bộ lợi nhuận của "Giặt là Sáng" được dùng đầu tư vào các lớp học kỹ năng xã hội cho người khiếm thính. Cô gái trẻ vẫn ấp ủ mở rộng mô hình, tạo cơ hội làm việc và có thêm nguồn lực hỗ trợ cộng đồng.
Sẻ chia và hạnh phúc
Vợ chồng Nguyễn Xuân Việt (29 tuổi, quê Thái Bình) và Trần Thanh Vân (36 tuổi, quê Đồng Nai) hiện sở hữu một tiệm làm móng và làm tóc hút khách tại đường Lý Thái Tổ (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Đây là thành quả từ sự cố gắng, kiên trì của hai bạn trẻ câm điếc bẩm sinh.
Những trở ngại giao tiếp ngày còn nhỏ từng khiến cho Xuân Việt rất đau khổ. Ở quê không có trường hỗ trợ cho trẻ đặc biệt, nên mãi đến năm 7 tuổi, anh mới được bố mẹ đưa vào Kiên Giang học tại trường dành cho trẻ em khuyết tật. Lên lớp 6, Việt chuyển vào Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An (Bình Dương) và hằng năm đều được khen thưởng với thành tích học tập tốt. Hết lớp 9, Việt học nghề để tự lập. Anh không ngại xa nhà, ra Hà Nội học hỏi, rèn nghề tại một salon nổi tiếng rồi đi qua nhiều tỉnh, thành trước khi kết hôn và lập nghiệp tại Đồng Nai.
Với Trần Thanh Vân, cô đã thấm thía bao thiệt thòi của đứa trẻ ở thế giới vô thanh. Nhưng với tình yêu thương của gia đình và tinh thần sống lạc quan, Vân luôn có niềm tin khẳng định được bản thân mình. Phát hiện con gái đam mê nghệ thuật, bố mẹ Vân khuyến khích cô học nghề làm móng, một công việc đòi hỏi sự khéo léo và óc thẩm mỹ. Cô miệt mài chăm chút từng nét cọ, mẫu móng. Tay nghề của Vân dần được mọi người công nhận, yêu thích. Từng lao đao vì dịch COVID-19 nhưng cặp đôi không nản chí. Buổi tối, họ kinh doanh thêm trà sữa. Việt và Vân lại hăng hái đi học bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, gần nhất là khóa học "Amplifying Science" của Tổ chức Hear Us Now - một địa chỉ tin cậy chuyên hỗ trợ, kết nối người khiếm thính. Nhờ học bài bản, họ nâng cao kiến thức kinh doanh, rèn giũa kỹ năng quản lý tài chính và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ từ các mentor, doanh nghiệp và cộng đồng. Họ được nhiều người yêu mến vì luôn sẵn sàng nâng đỡ, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ yếu thế khác cùng chung khiếm khuyết.
Theo thống kê của Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, nước ta có khoảng 2,5 triệu người bị khiếm thính, trong đó hơn phân nửa đang ở độ tuổi đi làm. Người khiếm thính cần có máy trợ thính hoặc được cấy ghép ốc tai điện tử... Tuy nhiên, thực tế là số lượng bệnh nhân được can thiệp thiết bị hỗ trợ thính giác còn rất thấp. Ngoài yếu tố di truyền, bẩm sinh và do các loại bệnh, tai nạn thì ô nhiễm tiếng ồn cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến thính lực.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/truyen-cam-hung-cho-nguoi-yeu-the-196241116204555786.htm