Truyền cảm hứng cho tình yêu Đà Lạt
Từ các ghi chép bay bổng, các biên khảo khoa học, và bây giờ là tiểu thuyết, bằng giọng điệu, phương pháp uyển chuyển của riêng của mình, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã truyền đến những cư dân Đà Lạt cùng du khách yêu thành phố này một nguồn cảm hứng đầy mới mẻ!
“Tôi tin rằng, đã có khoảng một phần ba người dân Đà Lạt đã đọc, hoặc chí ít, là nghe nhắc đến những cuốn sách của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về thành phố của họ. Anh đã làm được cái điều mà những người cầm bút viết về Đà Lạt ao ước. Và quan trọng hơn, là làm thay cả phần việc mà những cơ quan hữu trách văn hóa ở địa phương này lẽ ra phải làm… ”, nhà báo, nhà thơ Uông Thái Biểu đã chia sẻ trong buổi ra mắt tiểu thuyết Ký ức của ký ức của Nguyễn Vĩnh Nguyên tại quán cà phê Tùng, Đà Lạt chiều 27.12.
Buổi ra mắt cuốn Ký ức của ký ức (Phanbook & NXB Phụ Nữ, 2019), một tiểu thuyết pha trộn hư cấu và biên khảo của cây bút chuyên viết về Đà Lạt đã diễn ra vào buổi chiều cuối mùa đông 2019, theo cách của một buổi cà phê, tự nhiên và thân tình nhưng đủ làm gợi nhắc một sinh hoạt văn hóa trí thức Đà Lạt đã từng có trước 1975.
“Từ các ghi chép bay bổng, các biên khảo khoa học và mới mẻ và bây giờ là tiểu thuyết, bằng giọng điệu và phương pháp uyển chuyển của riêng của mình, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã truyền đến chúng tôi, những cư dân Đà Lạt và du khách yêu thành phố này một nguồn cảm hứng đầy mới mẻ!”, nhà báo Uông Thái Biểu nói tiếp.
Nhà báo này cho biết, anh đã từng có nhiều cuộc gặp gỡ mà ở đó người ta say sưa trao đổi, bàn luận về các cuốn sách của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên, có thể trong quán cà phê, trên giảng đường, nơi công quyền và có khi là giữa đường khuya, người đọc anh là một… cảnh sát giao thông.
Mở đầu cuộc gặp gỡ với người đọc của mình, tác giả của các cuốn sách Đà Lạt, một thời hương xa (du khảo), Đà Lạt, bên dưới sương mù (biên khảo) và Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách (tản văn) đã đọc ba trang trong tiểu thuyết Ký ức của ký ức. Đó là trường đoạn viết về một cuộc lang thang đêm khuya của một cô vũ nữ chuẩn bị lên đường vượt biên, một ca viên ca đoàn nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt đang sống cô độc giữa một thành phố của mất mát và một cậu thanh niên mười bảy tuối đến Đà Lạt để trốn nghĩa vụ quân sự.
Bối cảnh Đà Lạt được mô tả “như trong lòng một địa đạo hoang tàn” cuối thập niên 1980.
Trong cuốn sách mới, nhiều địa danh, cửa hiệu, con đường và cả cấu trúc, không khí phố phường của khu trung tâm Đà Lạt giai đoạn hình thành của thập niên 1930, giai đoạn rực rỡ vào thập niên 1960 và đầu 1970 cùng sự tan rã, hoang phế của thập niên 1980 hay sự xáo trộn của thời hiện tại được lồng trong các chuyện tình và những cuộc trốn chạy, kiếm tìm.
Nhiếp ảnh gia Trương Ngọc Thụy đã cho biết: “Tôi là người Đà Lạt gốc, sinh ra và lớn lên ở khu Hòa Bình (nhà ở đường Nguyễn Văn Trỗi, tên cũ là Hàm Nghi, An Nam). Tôi đọc qua và thấy tác giả nhắc chính xác đến các địa danh cụ thể, như quán phở Bằng cách nhà chúng tôi vài căn cùng những cửa hiệu, khu phố khác trong hoài niệm.
Anh ta còn dựng lại tung tích một nhân sĩ mà chúng tôi kính trọng là cụ Nguyễn Bạt Tụy, người mà trong những năm ấu thơ, tôi thường thấy với hình ảnh lặng lẽ và đơn độc. Tôi không hiểu nhiều về ông, chỉ nghe người lớn nói rằng, đó là một trí thức lớn. Với tôi, hình ảnh của ông gắn bó với những khu phố Đà Lạt êm đềm ngày hôm qua, không sao quên được.
Là người Đà Lạt, tôi ít khi chấp nhận và tin câu chuyện thành phố của mình được kể bởi người ở bên ngoài, nhưng với tác giả này, cá nhân tôi thấy “chịu” anh ta, ở chỗ anh ta cẩn trọng và chịu khó đào xới, xác định giúp cho cả những cư dân chúng tôi những gì đã quên hoặc biết chưa thật chính xác…”
Trong cuốn tiểu thuyết pha trộn biên khảo hư cấu, có một bộ hồ sơ cá nhân Nguyễn Bạt Tụy được Nguyễn Vĩnh Nguyên gắn vào. Anh tiết lộ, đó là một tập hồ sơ khả tín. Nó được “lảy” ra từ một bó tài liệu của Bộ Phát Triển Sắc Tộc trước 1975 mà mất nhiều năm, anh mới tìm thấy được trong một kho lưu trữ.
Nhà báo Vũ Đình Đông đặt câu hỏi: “Liệu Đà Lạt của hiện tại có tạo nên nguồn cảm hứng hay ý định để anh tiếp tục viết?”. Tác giả Ký ức của ký ức cho biết: “Tôi không muốn nói đến những vấn đề thời sự của Đà Lạt. Tôi muốn nhìn Đà Lạt và các biểu hiện của đô thị này trong chiều kích sâu và rộng của thời gian, lịch sử tinh thần. Những gì cần lên tiếng cho hiện tại, trong vai trò xã hội, tôi chọn một phương thức khác những cuốn biên khảo hay tiểu thuyết.”
Buổi ra mắt sách này xem như là lần đầu tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên tiếp xúc độc giả trong không gian mở rộng tại thành phố mà anh đã dành 10 năm theo đuổi khảo cứu. Cũng trong dịp này, tác giả ra mắt dự án phi lợi nhuận là một tủ sách có tên Chuyện Đà Lạt.
Ngoài việc phát hành những đầu sách của anh, tủ sách Chuyện Đà Lạt còn chọn lọc và giới thiệu mỗi tháng 10 đầu sách hay để độc giả có thể đến đọc và nghiên cứu. Về lâu dài, Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng mong muốn đây là không gian trưng bày một số tài liệu quý mà anh tìm thấy trong quá trình biên khảo văn hóa Đà Lạt.
Thư ngỏ của tủ sách Chuyện Đà Lạt viết rằng mục đích chính của dự án này là “hướng đến việc lan tỏa tri thức và chia sẻ tình yêu Đà Lạt, gợi ý những phương pháp tiếp cận văn hóa đô thị, đối chiếu những giá trị văn hóa Đà Lạt với thành phố khác trên thế giới”.
Bộ 10 cuốn sách đầu tiên trong tủ sách được chọn theo chủ đề chính là Alexandre Yersin; giới thiệu các tác phẩm của: Patrick Deville, Patrick Modiano, Orhan Pamuk, Kazuo Ishiguro, Phạm Duy, Nguyễn Hữu Tranh và các bài biên khảo Đà Lạt trên tập san Sử Địa trước 1975…
Tủ sách Chuyện Đà Lạt được đặt trong không gian yên tĩnh, dưới tán thông của quán cà phê Stop and Go (88 Lý Tự Trọng, Đà Lạt). Buổi ra mắt tủ sách khá giản dị, có sự tham gia của của một nhóm độc giả là thị dân Đà Lạt và du khách trẻ quan tâm.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/truyen-cam-hung-cho-tinh-yeu-da-lat-22064.html