Truyền cảm hứng mới cho cải lương tuồng cổ
Hai gia tộc Minh Tơ và Huỳnh Long luôn giữ gìn chuẩn mực của nghề, có cách làm mới những tác phẩm kinh điển được công chúng đón nhận
Nhằm khởi động dự án phục dựng 60 vở tuồng kinh điển của gia tộc Minh Tơ, tối 1-5, sân khấu Sen Việt đã công diễn suất đầu tiên vở cải lương tuồng cổ "Lưu Bị cầu hôn giang tả" (đạo diễn NSƯT Trường Sơn, tác giả nghệ sĩ Minh Tơ, cố NSND Thanh Tòng). Trước đó, đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã công diễn 2 suất vở "Sơn hà xã tắc" (tác giả Bạch Mai, đạo diễn Bình Tinh), tạo tiếng vang đối với giới mộ điệu.
Độc đáo nghệ thuật "hát cương"
Từ lâu, sân khấu TP HCM đã tồn tại 2 gia tộc chuyên diễn cải lương tuồng cổ là Minh Tơ và Huỳnh Long. Phương châm nghề truyền nghề, 2 gia tộc này được biết đến với những vở kinh điển dựa theo lịch sử nước nhà và kịch bản thế giới.
Nguồn kịch bản của 2 gia tộc chủ yếu được viết lại từ phương thức "diễn cương" của thế hệ nghệ sĩ đi trước. Đó là cách hát biền ngẫu đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trình độ diễn xuất thượng thặng, nắm vững cấu trúc bài bản, ứng tác, ứng biến và biểu hiện bằng cách ra dấu với ban nhạc để họ hòa vào dòng chảy đầy sáng tạo của người nghệ sĩ. Cố NSND Thanh Tòng từng cho biết hàng trăm kịch bản được ông dựa theo tuồng tích "hát cương" của thế hệ nghệ sĩ đi trước (phần lớn là hát bội), để sáng tác thành kịch bản cải lương Hồ Quảng.
Nét độc đáo của nghệ thuật "hát cương" là trước giờ diễn, các nghệ sĩ mới được phân vai và nói ngắn gọn nội dung thể hiện trên sân khấu, cứ thế họ dùng sự sáng tạo đầy tính ngẫu hứng, để ca diễn, vận dụng võ đạo, võ thuật làm bật lên tư tưởng chính của từng lớp diễn. Vì thế, khán giả xem hát dù vài chục lần vẫn thích thú bởi mỗi suất diễn là một cách làm mới tác phẩm, vai diễn.
Lớn lên cùng đoàn hát nhà, cố NSND Thanh Tòng hoặc bên nhánh Huỳnh Long là nghệ sĩ Bạch Mai, Đức Lợi, Hữu Huệ, Minh Long… đều nắm vững cấu trúc, niêm luật cần thiết để vận hành một suất "hát cương". Từ đó, họ tập hợp lại một cách có hệ thống và dựa theo khuôn mẫu để tạo nguồn kịch bản cho gia tộc của mình. Hàng trăm kịch bản kinh điển của 2 gia tộc đã là bệ phóng cho 2/3 nghệ sĩ từng đoạt HCV Trần Hữu Trang và được công chúng yêu thích.
Làm mới là trọng trách
So với các nhà biên kịch hàng đầu của sân khấu Việt Nam thì nghệ sĩ của gia tộc Minh Tơ, Huỳnh Long có thể không thâm sâu, uyên bác về học thuật và lý luận nhưng họ có bề dày kinh nghiệm và ứng dụng vào từng giai đoạn phát triển của sân khấu từ hát bội đến cải lương Hồ Quảng, rồi cải lương tuồng cổ.
Khi thực hiện công trình nghiên cứu khoa học "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ", cố NSND Thanh Tòng từng khẳng định làm mới bộ môn nghệ thuật này là trọng trách của gia tộc. "Gia tộc đã mạnh dạn vận dụng những bài bản của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, bài lý, dân ca mang âm hưởng ngũ cung đưa vào các tác phẩm ca ngợi lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như "Câu thơ yên ngựa", "Tô Hiến Thành xử án", "Bão táp Nguyên phong"…" - cố NSND Thanh Tòng từng chia sẻ. Bên cạnh đó, gia tộc Huỳnh Long với các vở: "Tình sử A Nàng", "Anh hùng bán than", "Xuân về trên đỉnh Mã Phi"…, khi nghệ sĩ Bạch Mai đưa những bài bản cải lương vào kịch bản tuồng cổ rất ngọt.
NSƯT Lê Nguyên Đạt, phụ trách sân khấu Sen Việt, cho biết: "Bên cạnh việc làm mới các vở diễn kinh điển, qua dự án, gia tộc Minh Tơ còn truyền nghề trực tiếp cho con cháu trong dòng họ. Từng bước chân, điệu bộ cho đến âm nhạc, vũ đạo, võ thuật đều được chăm chút. Họ không xem đây là sô diễn bình thường mà là tập trung toàn sức lực để phục hồi những chuẩn mực của di sản quý mà nghệ sĩ Minh Tơ, NSND Thanh Tòng để lại".
Sau những suất diễn tại sân khấu Sen Việt, vở kinh điển sẽ được đưa ra sân khấu lớn như: Nhà hát TP, Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát Bến Thành để nâng cao tính quy mô cho dự án của gia tộc cất cánh mạnh mẽ và bền vững. Phía gia tộc Huỳnh Long cũng quyết tâm trụ diễn tại sân khấu Hồng Liên (Trung tâm Văn hóa quận 6, TP HCM) để hằng tháng công diễn những vở kinh điển được khán giả yêu thích.