Truyền dịch bằng... nước dừa
Tham quan Phòng truyền thống của Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), chúng tôi thấy những bức ảnh cán bộ, nhân viên quân y sử dụng nước dừa truyền dịch cho thương binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong các cuộc chiến đấu ác liệt ở miền Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Hậu, thương binh nhiều, khó khăn mọi bề, nhất là về thuốc, vật tư y tế, dịch truyền, vì địch kiểm soát nghiêm ngặt. Trong khi đó, các ca phẫu thuật cho thương binh ngày càng nhiều, cần lượng dịch truyền ngày càng lớn.
Từ khó khăn trên, các bác sĩ ở miền Nam, nhất là các bệnh viện, bệnh xá, quân y đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 9 đã sáng tạo cách dùng nước dừa làm dịch truyền cho thương binh. Nước dừa được lựa chọn từ các quả dừa tốt, không già, không non quá, có cơm dừa (cùi dừa) mềm. Loại dừa tốt này có nước trong, không nhiều lượng dầu, a-xít, không bị lợn cợn, khi truyền vào tĩnh mạch thông suốt, không bị tắc, không ảnh hưởng đến tính mạng thương binh. Trái dừa cũng được lựa chọn từ các cây trồng ở nơi thoáng đãng, không gần khu vực dễ bị ô nhiễm như chuồng chăn nuôi gia súc, bãi rác... Việc lựa chọn trái dừa tốt thường do các thầy thuốc hoặc người dân có nhiều kinh nghiệm thực hiện, mua về. Sau khi chọn được dừa, phải dùng kim nhọn ghim vào phần non gần cuống dừa để truyền nước vào chai, không dùng dao chặt vỏ trái dừa lấy nước. Lấy nước xong thì phải bổ trái dừa ra để quan sát, nếu phần cơm dừa nơi dày nơi mỏng lợn cợn (còn gọi là dừa bị “trăng ăn”) thì phải bỏ, không thể sử dụng nước dừa ấy để làm dịch truyền.
Việc dùng nước dừa thay dịch truyền trong những tình huống nguy nan đã cứu sống được rất nhiều thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sáng kiến này đã được phổ biến rộng ở các đơn vị quân y miền Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Hậu, địa bàn Quân khu 9, nơi có nhiều rừng dừa.