Truyện Kiều 'đổ bổ' lên sân khấu kịch quốc tế đương đại

'Truyện Kiều' được xếp vào hàng tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, góp phần quan trọng cho thấy tầm vóc tư tưởng và tài năng văn chương của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm được Trung tâm Văn hóa, Khoa học thế giới (UNESCO) tôn vinh như một tài sản vô giá của nhân loại, được tái bản rất nhiều lần cũng như được chuyển soạn sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Tác phẩm gồm 3.254 câu thơ lục bát, được viết bằng chữ Nôm. Đến nay, "Truyện Kiều" đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga...

Nàng Kiều trong các bộ vest đen

Có thể nói "Truyện Kiều" đã trở nên bất tử không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. "Truyện Kiều" vì thế đã trở thành niềm tự hào của nền văn học Việt Nam. Dự án tái hiện thân phận nàng Kiều trên sân khấu do Viện Goeth của Đức hỗ trợ vừa ra mắt khán giả Hà Nội tại Nhà hát Tuổi Trẻ và TP.Hồ Chí Minh tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Đêm diễn có 4 tiết mục về nàng Kiều do 4 đạo diễn dàn dựng: Đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ), đạo diễn - NSƯT Trần Lực (LucTeam) và NSND Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân). Mỗi tiết mục kéo dài khoảng 20-25 phút. Từng làm những vở về nàng Kiều, từ kịch hình thể đến kịch nói, nay đạo diễn Bùi Như Lai tiếp tục "đặt tính biểu tượng gần như hàng đầu", kết hợp kịch hình thể, kịch nói với loại hình kịch đọc.

Vở "Nàng Kiều" do đạo diễn Amélie Niermeyer thể hiện với hình thức kịch tài liệu đầy mới mẻ ở Việt Nam.

Vở "Nàng Kiều" do đạo diễn Amélie Niermeyer thể hiện với hình thức kịch tài liệu đầy mới mẻ ở Việt Nam.

"Tôi có nhờ tác giả Thu Phương trong Sài Gòn chấp bút kịch bản cho mình với bốn chủ đề chính: định mệnh, tình yêu, thân phận và tự do. Dự kiến có khoảng 10 diễn viên tham gia. Chìa khóa để tôi giải mã thân phận nàng Kiều là thông qua hai hình thức kịch đương đại và kịch đọc" - đạo diễn Như Lai nói. Khi được mời dựng Kiều chỉ 20-25 phút mà vẫn đảm bảo hấp dẫn và nổi bật tinh thần hiện đại, anh cho rằng đây là một thử thách, một bài toán để các đạo diễn phải suy nghĩ nhiều.

Hai hình ảnh nàng Kiều của thời cổ xưa và nàng Kiều của thời hiện đại cứ như quấn chặt vào nhau, lạ lùng là mấy trăm năm cách biệt nhưng nghịch cảnh và những tâm tư cứ thế tương đồng. Những day dứt phụ nữ sinh ra cả thế giới, cớ sao họ dễ dàng bị đẩy xuống bùn đen?...

Tiết mục của đạo diễn Amélie Niermeyer không có nhân vật nàng Kiều trên sân khấu. Lấy không gian ở một nhà hàng, nơi cô Quỳnh được chồng tổ chức buổi sinh nhật và tặng cho cô món quà là quyển Truyện Kiều, vở mở ra những cuộc bàn luận sôi nổi về Kiều giữa nhóm bạn của Quỳnh và các thực khách khác trong nhà hàng.

Đạo diễn Amélie Niermeyer chia sẻ, lần đầu tiên đọc "Truyện Kiều" cách đây 2 năm đã rung động với câu chuyện đoạn trường của Kiều. Bà xây dựng nên cấu trúc và nội dung cho tác phẩm (với sự hỗ trợ của biên kịch Hoàng Trang) sau khi phỏng vấn các diễn viên về "Truyện Kiều". "Tôi muốn khuyến khích những cuộc thảo luận không chỉ về nàng Kiều mà còn về vai trò của người phụ nữ trong xã hội đương đại" - bà nói.

Với tình yêu với nàng Kiều, đạo diễn Trần Lực đã xây dựng cho sân khấu LucTeam một tiết mục độc đáo, có múa đương đại kết hợp với những trình thức của tuồng, nghệ thuật truyền thống. Các nhân vật mặc trang phục hiện đại. Lối thể hiện vẫn trung thành với sân khấu ước lệ biểu hiện (tả ý).

Trên nhạc nền của bộ trống gõ, nàng Kiều trong trang phục vest đen bày tỏ tâm tư, kể lại cuộc đời mình. Lời thoại phối hợp nhịp nhàng với những câu thơ Kiều. Đạo diễn Trần Lực bày tỏ: "Trải qua bao cuộc bể dâu, bao nhiêu biến cố mà nàng Kiều vẫn rất mạnh mẽ, yêu đời, khát khao sống. Những người phụ nữ như vậy xứng đáng có được cuộc sống hạnh phúc".

Câu chuyện cũ nhưng vẫn mới

NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, người được phân công phụ trách đưa Kiều lên sân khấu - chia sẻ: "Chúng tôi đã thực hiện chương trình này như những góc nhìn khác nhau về nàng Kiều thông qua nghệ thuật sân khấu.

Chương trình này không phải đưa Kiều trở lại như một tác phẩm văn chương của quá khứ, mà làm thế nào để tạo ra cuộc đối thoại cùng con người hôm nay, để tìm ra sự liên quan giữa các câu chuyện tưởng như xưa cũ về những vấn đề xoay quanh tình yêu, đạo hiếu, công lý, tha hóa quyền lực...".

Từ kịch bản của Lê Quốc Nam với sở trường kịch kinh dị, tiết mục của sân khấu Hồng Vân khai thác những cuộc báo mộng của Đạm Tiên với Kiều, khuyên nàng đừng vì hận thù mà sa vào những cuộc báo oán triền miên.

NSND Hồng Vân hồi hộp: "Tác phẩm của các anh chị phía Bắc quá công phu, khổ luyện, còn tiết mục của chúng tôi mang đến sự dung dị, chân phương. Cách chúng tôi làm là vận dụng âm nhạc, nhấn vào ca khúc, ca từ. Giai điệu, nhạc phối cho tác phẩm đều do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết. Với tiết mục này, tôi muốn mọi người cùng suy ngẫm số phận nàng Kiều và tất cả chúng ta ở đây là do thiên định hay nhân định?".

Một cảnh trong vở "Kim Vân Kiều" do nghệ sĩ Nhà hát kịch L'Attrape Theấtre (Pháp) thể hiện.

Một cảnh trong vở "Kim Vân Kiều" do nghệ sĩ Nhà hát kịch L'Attrape Theấtre (Pháp) thể hiện.

Ngoài ra, lần đầu tiên, những nghệ sĩ tại Nhà hát Múa rối Việt Nam đã mang Kiều lên sân khấu rối cạn thông qua vở rối: "Thân phận nàng Kiều". Vở diễn đã mang lại 4 Huy chương Vàng trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4 năm 2019 diễn ra vào mùa Thu Hà Nội.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc nhà hát múa Rối Việt Nam, đạo diễn vở "Thân Phận nàng Kiều" chia sẻ từ lâu anh đã ấp ủ ý định dựng kịch rối Kiều, nhưng phải tới nay mới đủ dũng cảm thử sức với tác phẩm kinh điển này

Thắng lợi ở sân khấu Pháp

Trước đó, lần đầu tiên "Truyện Kiều" được đưa lên sân khấu nhạc kịch với kịch bản được dịch sang tiếng Pháp, do các nghệ sĩ tài năng của Pháp và Việt Nam thể hiện, tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace-24 Tràng Tiền, Hà Nội, sân khấu kịch Idecaf và Trung tâm văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ Nhà hát kịch Nhà hát L'Attrape Theấtre (Paris -Pháp) thể hiện "Truyện Kiều" dưới dạng opera với kịch bản được chuyển thể và soạn từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch của các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện, do đạo diễn tài năng Christophe Thiry thực hiện. Vở diễn thuộc thể loại thể nghiệm, cho nên Thúy Kiều sẽ được cả nghệ sĩ Pháp thể hiện như một nhân vật hòa trộn văn hóa của cả Pháp và Việt Nam, với âm nhạc sử dụng cả truyền thống và hiện đại (nhạc cổ truyền dân tộc của Việt Nam và nhạc hiện đại của Pháp).

Các nghệ sĩ sẽ trình bày cả opera và pop, vừa hát và chơi đàn như violon, piano, guitare. Phần âm nhạc truyền thống của Việt Nam như trống, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu do hai nhạc sĩ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam (Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và Đoàn nhạc Gõ Phù Đổng) thể hiện. Phần âm nhạc là một thể nghiệm độc đáo, mới lạ của vở nhạc kịch "Kim Vân Kiều."

Đạo diễn Christophe Thiry đưa vào vở nhạc kịch nhiều chi tiết mới lạ. Câu chuyện về cuộc đời, thân phận nàng Kiều vẫn là mạch nguồn chính của tác phẩm nhưng tuyến nhân vật, không gian, thời gian của "Kim Vân Kiều" được mở rộng, nối dài. Bối cảnh xã hội Việt Nam từ thời phong kiến đến hiện đại được tái hiện trong nhạc kịch "Kim Vân Kiều."

Đặc biệt, bên cạnh nàng Kiều (theo nguyên tác của Nguyễn Du), êkíp sáng tạo đã đưa vào tác phẩm nhạc kịch hai nhân vật mới: hai người phụ nữ (đến từ châu Phi, châu Mỹ). Cuộc sống, số phận của họ có nhiều điểm tương đồng với nhân vật Thúy Kiều. Đó là những người phụ nữ mang khát vọng tự do, khát khao hạnh phúc và niềm tin vào sức mạnh của những điều chính nghĩa khi phải đối diện, vượt lên nghịch cảnh, sự trớ trêu của số phận.

"Điều này một lần nữa khẳng định tài năng của đại thi hào Nguyễn Du và giá trị phổ quát của "Truyện Kiều". Nhờ đó, tác phẩm trụ vững cùng thời gian, vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác, chuyển soạn cho các nghệ sỹ ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trên thế giới", đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Những nhân vật chính của vở diễn sẽ do các nghệ sỹ Pháp hóa thân. Trước đó, vở nhạc kịch "Kim Vân Kiều" đã chính thức ra mắt tại Thủ đô Paris (Pháp) vào tháng 6-2017. Đại diện Viện Pháp tại Việt Nam cho biết, năm đêm diễn "Kim Vân Kiều" tại Paris đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả và những ý kiến đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.

Văn Hùng-L.Đoan

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/truyen-kieu-do-bo-len-san-khau-kich-quoc-te-duong-dai-567840/