Truyền lửa phong trào thể thao đến cộng đồng

7 năm qua, mô hình thể dục thể thao phong trào do cựu vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng khởi xướng vẫn là 'địa chỉ đỏ' yêu thích của giới trẻ Hà Nội. Từ mô hình này giúp phát hiện nhiều 'viên ngọc thô', gương mặt trẻ triển vọng cho các đơn vị thể thao chuyên nghiệp.

Phạm Phước Hưng và các học viên tại CLB thể thao phong trào. Ảnh: M.Miên

Phạm Phước Hưng và các học viên tại CLB thể thao phong trào. Ảnh: M.Miên

Phát triển mô hình thể thao phong trào

Chia sẻ đầu Xuân năm mới, Phạm Phước Hưng (SN 1988, Hà Nội) bày tỏ niềm vui khi phòng tập phong trào ngày càng lan tỏa và thu hút nhiều giới trẻ đăng ký tập luyện. Sau 7 năm phát triển, CLB “Phước Hưng Gymnastics” đón khoảng vài nghìn học viên đăng ký theo học.

Trước đó, CLB ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng nhờ “thương hiệu” của cựu vận động viên từng hai lần tranh tài Olympic, đến nay CLB vẫn “trụ vững” và trở thành mô hình đào tạo thể lực, thể chất chuyên biệt nhất tại Việt Nam. Đây cũng mô hình đào tạo tư nhân chuyên sâu môn thể dục dụng cụ ngoài đơn vị hành chính công lập.

Thời gian đầu khởi xướng, CLB đón nhận tinh thần chung tay của các VĐV chuyên nghiệp từ bộ môn taekwondo, wushu, đấu kiếm hay diễn viên múa, xiếc nói riêng. Hình ảnh các VĐV chuyên nghiệp phụ trợ học viên nhào lộn, giữ thăng bằng, nâng cao thể chất… Nhiều gương mặt thể thao triển vọng được định hướng tham dự các giải thi đấu, giải thể thao do các đơn vị thể thao chuyên nghiệp tổ chức.

Theo Phạm Phước Hưng, khởi nghiệp phong trào thể thao cộng đồng từ số vốn ban đầu hơn 1 tỷ đồng, cái “lãi” lớn nhất là được các học viên tin tưởng, lan tỏa thông điệp phát triển thể thao tới cộng đồng. Đồng thời là điều kiện thay đổi nhận thức tích cực của mọi người với môn Thể dục dụng cụ nói riêng và thể thao nói chung.

Qua quá trình giao lưu, hỗ trợ các giải thi đấu, tập luyện phong trào, Phước Hưng nhận thấy khá nhiều bạn trẻ tập các động tác xà kép, nhào lộn, trồng cây chuối như một VĐV Thể dục dụng cụ đích thực. Họ có năng khiếu, tố chất có thể coi là khá tài năng nhưng lại không có điều kiện tốt, an toàn để tập. Dành tâm huyết phát hiện “ngọc thô” từ CLB “Phước Hưng Gymnastics” nhằm giới thiệu gương mặt triển vọng cho các đơn vị thể thao chuyên nghiệp.

Hành trình truyền lửa

Trên hành trình truyền lửa phong trào thể thao tới cộng đồng, Phạm Phước Hưng đối mặt với nhiều thách thức về tình hình dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế suy thoái, chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ. Tại Việt Nam, cơ sở vật chất, nhân lực chưa đáp ứng với nhu cầu người dân. Để phục vụ hoạt động, hiện nay Phước Hưng thuê mặt bằng có diện tích 400m2, trong đó khu vực phòng tập chiếm diện tích 150m2 tại địa chỉ đối diện sân bóng Tứ Liên. Tại đây, Phước Hưng đầu tư hố đệm theo tiêu chuẩn phòng tập quốc gia thu nhỏ, có khu vực sàn gỗ gương kính để cho các bạn trẻ thuê lớp múa, nhảy, yoga,…

Đặc thù của môn Thể dục dụng cụ là phải tập luyện từ lứa tuổi rất nhỏ. Hiện nay, ngoài đơn vị đào tạo công lập thì CLB “Phước Hưng Gymnastics” là đơn vị cá nhân duy nhất phục vụ đối tượng thanh niên và người trưởng thành.

Năm 2024, CLB triển khai thêm mô hình vận động, nhảy lưới bật trên mặt nhún, giống như nội dung tập luyện chính thức. Lợi ích bài tập giúp cho mọi người tiêu hao nhiều năng lượng hơn, hoạt động bật trên mặt nhún hỗ trợ xương khớp, rèn luyện thể chất.

Định hướng thời gian tới, Phước Hưng sẽ phát triển nhiều bài tập rèn luyện thể chất nâng cao, góp phần truyền lửa tình yêu môn Thể dục dụng cụ tới giới trẻ. Đây cũng là mục tiêu lớn quảng bá môn thể thao Olympic đến gần hơn tới cộng đồng. Trong top 9 môn thể thao “kinh điển” Thế vận Hội Olympic, Thể dục dụng cụ nằm trong top 3 danh sách sau môn Điền kinh, Bơi. Môn Thể dục dụng cụ được đánh giá là môn rèn luyện thể chất toàn diện nhất.

Trên thế giới, mô hình thể thao phong trào rất phát triển. Tại các nước châu Á, chú trọng phát triển bộ môn Thể dục dụng cụ trong các trường tiểu học, trong đó môn thể thao Olympic nằm trong khung chương trình giảng dạy chính khóa. Để thu hút học viên, Phạm Phước Hưng thường xuyên thay đổi giáo án, công cụ giảng dạy.

Khởi nghiệp từ chính niềm đam mê của bản thân với môn Thể dục dụng cụ, Phạm Phước Hưng khó tránh khỏi áp lực và thách thức khi đây là mô hình thể thao phong trào duy nhất trên cả nước tính đến nay. Không có kinh nghiệm từ mô hình trước đó, Phạm Phước Hưng chia sẻ rằng, “Tôi vừa làm, vừa học hỏi”.

Bên cạnh mô hình đào tạo kỹ năng thể thao, Phạm Phước Hưng tổ chức chương trình lớp học giảm cân hướng dẫn tập luyện và kiến thức dinh dưỡng, thu hút đông đảo người dân đăng ký. Tiên phong với hoạt động thể thao phong trào, điều Phước Hưng mong muốn là truyền lửa tình yêu thể thao gần hơn với cộng đồng, phát huy mô hình thể thao ý nghĩa, rộng khắp trên cả nước.

VĐV Phạm Phước Hưng (SN 1988, Hà Nội) được biết đến là thế hệ đầu đàn Thể dục dụng cụ Việt Nam. “Kiện tướng” Thể dục dụng cụ từng sở hữu hơn 60 tấm huy chương trong bảng tổng sắp thành tích và 2 lần giành tấm vé tham dự Thế vận hội Olympic năm 2012 (London) và năm 2016 (Brazil) ở nội dung toàn năng. Đằng sau thành tích thi đấu ấn tượng là một chàng trai Hà thành nỗ lực vượt qua bạo bệnh từ căn bệnh lao xương quái ác.

Ngoài thành tích thi đấu đỉnh cao, Phạm Phước Hưng là đại diện Việt Nam kiến tạo kỳ tích lịch sử khi sáng tạo ra động tác ở nội dung vòng treo và được Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) thông qua, chính thức đưa vào hệ thống kỹ thuật thi đấu gồm 8 động tác mới, nội dung vòng treo đặt tên là Pham (lấy tên họ của Phạm Phước Hưng).

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/truyen-lua-phong-trao-the-thao-den-cong-dong-369946.html