Truyện ngắn: Chiếc hồ lô nhỏ

Bạn có thích ngắm nhìn bức ảnh của nhiều năm trước, nhớ về sự kiện đã xa, hồi tưởng khoảnh khắc vui vẻ hay nuối tiếc điều không quay trở lại?

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Tôi thích việc đó, đôi khi mở album ảnh ra và đắm chìm trong những kỷ niệm.

Một buổi tối thật lý tưởng cho những kỷ niệm. Trời đổ mưa. Bên ngoài lạnh và ẩm ướt. Tôi ngồi thoải mái trước lò sưởi nhỏ và mở album ảnh chụp trong chuyến đi Bồ Đào Nha. Tôi yêu đất nước này, nơi người dân gần gũi, ấm áp sống trong sự yên bình của cuộc sống hàng ngày. Tôi yêu những thành phố cổ kính, những tu viện xinh đẹp, những pháo đài như tranh vẽ.

Nơi đây ẩn giấu tinh thần của những thời đại đã qua, sự vĩ đại của các triều đại hoàng gia và khám phá mang tính cách mạng của những nhà hàng hải nổi tiếng. Thành phố lớn, nhộn nhịp như Porto và Lisbon chào đón tôi. Sintra kỳ diệu với các thị trấn nhỏ, ngôi làng xinh đẹp nằm rải rác khắp đất nước mê hoặc, quyến rũ níu giữ chân tôi.

Khoảng năm năm trước, tôi đến Bồ Đào Nha tận hưởng kỳ nghỉ trong sự thanh bình và thoải mái nơi Lusitania cổ xưa. Lần đó, tôi khám phá Bồ Đào Nha bằng ô tô. Tôi muốn kỳ nghỉ của mình tràn đầy trải nghiệm sống động thay vì nằm dài trên bãi biển dưới cái nắng như thiêu đốt hàng giờ giống mọi người.

Đến nơi, tôi thuê ô tô, lái về khách sạn. Tôi cần nghỉ ngơi và lên kế hoạch trong hai tuần. Cuối buổi chiều, tour du lịch sẵn sàng. Tôi gọi bữa tối nhẹ với một ly porto, cảm nhận làn gió thú vị của những chuyến lang thang sắp tới.

Kỳ nghỉ lễ sắp kết thúc, những ngày ở Bồ Đào Nha trôi qua trong chớp mắt. Tôi đã đi khắp đất nước, từ miền Nam nơi Đại Tây Dương cuộn dòng nước mát đến miền Bắc, nơi có thành phố Braga với nhà thờ Santúario do Bom Jesus do Monte nổi tiếng.

Chỉ còn một ngày nghỉ, tôi muốn đến vùng nông thôn Bồ Đào Nha để đắm mình trong hương cam. Trước khi khởi hành, bạn bè khuyên tôi đến thăm một tu viện cổ nằm ở phía Đông Bồ Đào Nha, gần biên giới Tây Ban Nha.

Tu viện rất đẹp, khá xa các tuyến du lịch nên dễ dàng hòa mình vào lịch sử đất nước và cảm nhận hơi thở của nhiều thế kỷ mà không bị phân tâm bởi tiếng máy ảnh hay tiếng nói không ngừng nghỉ của du khách. Hôm đó, tôi dậy sớm, ăn sáng rồi lên đường. Ba tiếng sau, tôi đỗ xe trước giáo đường lớn của tu viện, nghe tiếng chuông ngân vang từ bên trong.

Bạn bè đã đúng. Tu viện xứng đáng để du khách tận hưởng trong không gian yên tĩnh và thưởng thức. Thật dễ chịu khi ngồi trên chiếc ghế gỗ đã nứt dưới bóng cây du già, nhìn ngắm cửa sổ kính đầy màu sắc, suy ngẫm về thời đại đã qua với bức tường màu tối - nhân chứng thầm lặng.

Tôi như đang ở trong cỗ máy thời gian thời Trung cổ, rồi đến thời đại hiện nay, lưu giữ tất cả những cảm xúc trong suốt cuộc hành trình. Sau khi rời tu viện, tôi uống một tách cà phê đặc trong quán bar nhỏ ven đường rồi lên xe rời đi. Con đường hẹp uốn lượn giữa những ngọn đồi và lùm cây đưa tôi đến ngôi làng có quảng trường nhỏ ở giữa.

Ngang qua ngôi làng, tôi thấy một ông già cô độc bán hàng ở quảng trường, mặc cho nơi đó vắng khách. Tôi không biết tại sao người bán hàng xa lạ này lại thu hút mình. Sau khi đỗ xe và tắt máy, tôi đến gần ông già. Ông ấy ngồi bên chiếc bàn đầy bí ngô hình hồ lô.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Sau này, tôi mới biết loại quả đó có tên là hồ lô, nhưng lúc đó tôi chỉ biết bí ngô. Chúng không thực sự là bí ngô, mà là những chiếc hồ lô làm từ loại quả này.

Chất gì đó trong quả được người dân lấy ra, sau đó cho vỏ vào lò sấy khô. Họ tẩm nó bằng một chất lỏng đặc biệt để không thấm nước. Ngày hôm sau, hồ lô được phủ lên vài lớp sơn trong suốt và đeo chiếc nắp nhỏ vào cổ. Khi hoàn thành, họ gắn lên nó sợi dây bện. Người dân địa phương sử dụng những chiếc hồ lô này để đựng dầu ô liu hay làm quà lưu niệm cho khách du lịch.

Ông già tôi gặp trên quảng trường đang bán những chiếc hồ lô này. Tôi chào ông. Ông im lặng gật đầu đáp lại, mơ hồ chỉ vào hàng hóa của mình. Trong khi xem chúng, tôi lén lút quan sát. Ông giống như người dân bình thường mặc chiếc quần sờn cũ và áo sơ mi đã phai màu.

Đôi giày cũ giống để làm vườn. Chiếc mũ kepi nhỏ hoàn thành bức chân dung người đàn ông lớn tuổi này. Trong khi tôi chọn, ông già vẫn bất động, hai tay chắp lại trước mặt.

Ông có khuôn mặt điềm tĩnh đầy nếp nhăn, cái nhìn vô cùng buồn bã và đôi mắt không biểu lộ điều gì khác ngoài sự mệt mỏi sâu sắc. Ông trông giống bức tượng cổ hơn là người đang bán hàng, như một người hoàn toàn thờ ơ với thế giới thực với ánh mắt sâu thẳm vào tâm hồn.

Lúc đó, không biết sức mạnh nào thôi thúc tôi tìm hiểu cư dân vùng nông thôn Bồ Đào Nha này. Tôi giới thiệu bản thân và lý do đến đó. Sau đó, tôi mời ông đi ăn trưa trong quán ăn nhỏ đối diện nhà thờ cổ. Nghe lời mời, ông già gật đầu đồng ý, che lại một số đồ bằng chiếc khăn dầu đầy bụi, lặng lẽ đứng dậy đi về phía quán ăn mà không để ý đến tôi. Tôi nhún vai, đi theo ông ấy.

Bước vào quán, chúng tôi chọn chiếc bàn trên sân thượng ngoài trời tránh cái nóng ngột ngạt của nhà bếp. Ông lão cởi mũ, đặt lên chiếc ghế cạnh, nhìn quanh. Người phục vụ đến, đưa thực đơn cho chúng tôi rồi chào ông già. Lúc đó, tôi mới biết được tên người bạn mới là Miguel. Miguel gọi hai phần thịt nướng kiểu Bồ Đào Nha và bình rượu vang địa phương mà không nhìn thực đơn hay hỏi ý kiến tôi.

Vài phút sau, người phục vụ cũng là chủ quán rượu mang ra bình rượu vang màu hồng ngọc, hai chiếc ly và một ít pho mát trên đĩa nhỏ. Sau khi rót rượu vào ly, chủ quán rời đi. Ông già nhấp ngụm rượu, ăn miếng phô mai nhỏ rồi nhìn ra xa, hỏi tôi tại sao lại đi một mình và gia đình ở đâu.

Tôi kể rằng vợ và tôi không cùng nhau trải qua kỳ nghỉ lễ mà cùng con gái về nhà ông bà ngoại. Tôi nói thêm, tôi luôn thích đến Bồ Đào Nha và quyết định tận dụng kỳ nghỉ này để chiêm ngưỡng đất nước này lần nữa. Tóm lại không có gì đặc biệt, cuộc sống bình thường của một gia đình.

Ông già thở dài, nhấp thêm ngụm rượu và trầm ngâm nói chỉ có Chúa mới biết ai là người bình thường và rất khó để nhìn ra ranh giới giữa cuộc sống bình thường với cuộc sống địa ngục.

Tôi hơi sửng sốt trước những lời lẽ triết lý, rồi quyết định hỏi ông già về gia đình. Một sự im lặng bao trùm khiến tôi nghĩ mình đã xúc phạm ông già nhưng sau vài phút im lặng, ông đặt ly sang một bên và bắt đầu kể chuyện của mình.

Vâng, tên ông ấy là Miguel, sinh ra và lớn lên ở ngôi làng này. Ông đi học ở đây cho đến năm 14 tuổi, thường cùng cha mẹ đến nhà thờ này và giúp đỡ họ ở vườn rau, ngoài đồng.

Dù gia đình không giàu có nhưng Miguel có một tuổi thơ rất hạnh phúc vì nhà hàng xóm có nhiều trẻ em và bố mẹ họ không rời làng đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Học xong, Miguel tiếp tục làm việc cùng bố mẹ một thời gian. Khi trưởng thành, Miguel lại muốn thử vận may ở thành phố lớn khi nghe nhiều câu chuyện về những người thành công và trở nên giàu có.

Những câu chuyện này khiến ông suy nghĩ về cuộc sống nông thôn khá nhàm chán và không hứa hẹn điều gì mới mẻ. Miguel hỏi ý kiến bố mẹ và quyết định chuyển đến Lisbon.

Ngày rời làng, mẹ khóc, bố cau mày nhưng Miguel vẫn vui vẻ. Tim ông đập rộn ràng khi nghĩ đến cuộc hành trình và những viễn cảnh đang chờ đợi. Ông thấy chẳng có lý do gì phải khóc lóc, buồn bã vì luôn có thể trở về nhà và tiếp tục sống ở làng, nên sáng hôm đó ông chỉ nghĩ đến ánh đèn thủ đô.

Cuộc hành trình đến thế giới mới này chỉ mất vài giờ. Miguel, người chưa bao giờ rời khỏi làng của mình, rất vui mừng nhìn những cánh đồng và lùm cây đi ngang qua cửa sổ, tự tưởng tượng ra tương lai tươi đẹp sắp tới. Sau khi xuống xe ở bến cuối, ông đi đến địa chỉ mà cha đưa trước chuyến đi.

Đó là địa chỉ của người bạn cũ của cha, người sống lâu năm ở Lisbon và hứa giúp Miguel tìm công việc phù hợp. Người bạn này tìm cho ông công việc trong cửa hàng giày ở trung tâm thành phố và Miguel bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là nhân viên bán hàng.

Miguel đắm mình vào công việc từ sáng đến tối. Sau một thời gian, ông chuyển đến căn phòng nhỏ thuê được từ đồng lương đầu tiên.

Miguel bắt đầu thích nghi với lối sống mới, cuộc sống của một cư dân thành phố, dành phần lớn thời gian cho công việc - ý nghĩa cuộc đời ông ở thời điểm đó. Ông làm giúp đồng nghiệp khi cần thiết, ở lại kho để nhận hoặc đếm hàng, giúp việc trong cửa hàng và làm nhiều việc khác.

Ông không có thời gian rảnh để giải trí, và không quen với sự nhàn rỗi. Sau một năm làm việc, người điều hành một số cửa hàng giày ở Lisbon thấy ông chăm chỉ, tận tâm, nên đề nghị Miguel làm quản lý tại một cửa hàng. Đó là thành công nhỏ nhưng cũng là bước tiến lớn đối với người mới được tuyển dụng.

Miguel làm việc ở vị trí mới với sự nhiệt tình. Ban ngày, ông trông coi cửa hàng và buổi tối, tham gia các khóa học khác nhau để học về kế toán, kiểm kê và bán hàng. Ông thậm chí còn đăng ký vào trường ngoại ngữ vì ngày càng có nhiều khách du lịch mua giày ở Lisbon.

Dần dần, mức sống của Miguel trở nên khá thoải mái. Ông mở tài khoản ngân hàng, thuê căn hộ lớn và nghĩ đến chuyện kết hôn vì đã đủ điều kiện nuôi gia đình. Ngày nọ, ông gặp một người phụ nữ xinh đẹp làm nhân viên bán hàng ở cửa hàng hoa.

Tên bà ấy là Maria. Maria hấp dẫn, hay cười, hướng ngoại, bà cũng yêu Miguel và vài tháng sau, họ kết hôn. Năm sau, Maria sinh một cô con gái có tên là Milagrès - “phép màu” trong tiếng Bồ Đào Nha. Và quả thực, cô bé đã trở thành một điều kỳ diệu thực sự trong cuộc đời họ, mang lại ý nghĩa cho mọi việc họ làm.

Cửa hàng mà Miguel quản lý làm ăn phát đạt. Người chủ đã khá già, không còn khả năng quản lý tất cả các cửa hàng nên giao cho Miguel quản lý toàn bộ công việc kinh doanh. Đó là sự thăng tiến lớn, nhưng cũng khiến công việc chiếm hết thời gian của Miguel.

Dẫu vậy, Miguel vẫn dành chút thời gian cùng Maria và cô bé Milagrès trải qua kỳ nghỉ Hè bên bờ biển, tránh xa sự ồn ào của thành phố và dành mỗi ngày bên nhau. Họ nằm tắm nắng trên bãi biển, đến nhà hàng, đi du ngoạn và tận hưởng mọi thứ có thể khiến cuộc sống của họ tràn ngập niềm vui.

Thời điểm đó, điện thoại di động chưa xuất hiện, mọi người có thể nghỉ ngơi mà không phải khó xử trước cuộc gọi từ sếp hay tin nhắn từ ngân hàng. Nhưng thật không may, những đám mây của cuộc khủng hoảng kinh tế mới đã xuất hiện ở phía chân trời. Miguel buộc phải từ bỏ việc đi nghỉ cùng gia đình để không bị phá sản.

Vợ ông và con gái quyết định đi du lịch mà không có Miguel và ông sẽ tham gia cùng họ ngay khi rảnh. Họ gọi điện cho nhau thường xuyên, vài lần trong ngày, vào buổi sáng để chào hỏi và buổi tối để chúc ngủ ngon.

Cô bé Milagrès vui vẻ chơi đùa trên cát, tắm trong dòng nước ấm nhưng luôn rất nhớ người cha thân yêu, liên tục hỏi khi nào ông đến mà Miguel không thể tách mình khỏi công việc. Vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, Miguel nghĩ vợ và con gái sẽ trở về vào buổi chiều, nhưng trời đã tối mà hai mẹ con chưa về.

Ông có linh cảm không tốt. Gần nửa đêm, điện thoại reo. Run rẩy, Miguel giật lấy ống nghe và lúc đó, cuộc điện thoại trở thành cơn ác mộng. Cuộc gọi của cảnh sát. Cảnh sát thông báo rằng vợ và con gái ông đã qua đời trong vụ tai nạn nghiêm trọng. Một lúc im lặng, cảnh sát gửi lời chia buồn và thông báo nơi ông phải đến để đón họ về.

Ống nghe rơi khỏi tay Miguel. Thế giới xung quanh sụp đổ. Đôi mắt đầy nước và cơ thể run rẩy. Quá đỗi kinh ngạc, ông lao đến nơi cảnh sát thông báo. Ông mang về những đồ vật của gia đình. Trong số những đồ vật này có chiếc hồ lô nhỏ, món đồ chơi yêu thích của con gái ông.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Loại quả này mọc nhiều ở làng quê của Miguel và ngày nọ Milagrès đã mang về. Cô luôn mang theo nó đi du lịch như một lá bùa may mắn. Nhưng lần này lá bùa ấy không cứu được họ.

Miguel cố gắng quay trở lại công việc nhưng những suy nghĩ về vợ và con gái cứ ám ảnh ngày đêm. Một năm sau, Miguel thu dọn mọi thứ, tạm biệt đồng nghiệp và ông chủ rồi trở về ngôi làng nơi mình sinh ra.

Cha mẹ của Miguel đã qua đời và ngôi nhà trống rỗng. Vài tháng sau, ông tìm được việc làm tại hợp tác xã nông nghiệp và làm ở đó cho đến khi nghỉ hưu. Miguel không tái hôn. Mỗi năm một lần ông đến Lisbon để chăm sóc các ngôi mộ, nhưng lâu dần, những chuyến đi này cũng dần trở nên hiếm hoi.

Sức khỏe ngày càng sa sút và thời gian cũng hoàn thành công việc của mình - chữa lành những vết thương trong tâm hồn, dần xóa đi những ký ức về một phần hạnh phúc trong cuộc đời ông. Sau khi nghỉ hưu, Miguel bắt đầu bán những chiếc hồ lô ở quảng trường. Ông muốn mình bận rộn để không phải cô đơn trong ngôi nhà buồn bã.

Theo thời gian, hồ lô dường như trở thành biểu tượng của làng, nhưng đối với Miguel, chúng là biểu tượng cho nỗi buồn ly biệt... Kể đến đó, ông bỗng im lặng. Chúng tôi uống cạn ly rượu, tôi trả tiền rồi chào tạm biệt.

Năm sau, tôi trở lại Bồ Đào Nha và đến gặp Miguel. Không có gì thay đổi nơi đây. Vắng vẻ và yên tĩnh. Lá cây tiêu huyền xào xạc trong gió nhẹ. Trên chiếc bàn, những hồ lô giống nhau vẫn được bày bán cho người dân địa phương và du khách.

Không có gì thay đổi ngoại trừ chỗ của Miguel, có một người phụ nữ ngồi sau quầy tính tiền. Tim tôi thắt lại. Tôi đến gần người bán hàng và hỏi có thể tìm ông già ở đâu. Hóa ra Miguel đã qua đời vào mùa Xuân và được chôn cất tại nghĩa trang nhỏ của ngôi làng.

Tôi mua một hồ lô và đi về phía nghĩa trang để tỏ lòng thành kính trước mộ Miguel, người đàn ông bất hạnh. Nghĩa trang không rộng, tôi không gặp khó khăn khi tìm nơi trú ẩn cuối cùng của ông. Tôi dọn sạch bia mộ có tán lá khô héo và đặt hồ lô bên cạnh Thánh giá. Tôi đứng trước mộ lúc lâu rồi rời đi. Lần này, mãi mãi không trở lại.

Ngọc Anh (Dịch từ tiếng Pháp)

Truyện ngắn của Vyat (Pháp)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-chiec-ho-lo-nho-post656632.html