Truyện ngắn 'Đứa con bị bỏ rơi': Thơm mãi những tấm lòng
Truyện ngắn 'Đứa con bị bỏ rơi' của Ankutagawa Ryunosuke, nhà văn cận đại Nhật Bản nổi tiếng với thể loại truyện ngắn.
Đọc truyện ngắn “Đứa con bị bỏ rơi”, người đời hiểu rõ hơn sự kì diệu của tình thương, lòng nhân ái. Câu chuyện giản dị mà lắng sâu cảm xúc, gieo vào lòng người những bài học giá trị.
Nhà văn có bút lực dồi dào
“Đời ngắn, nghệ thuật dài”. Chân lí đó đúng khi nhắc đến nhà văn Ankutagawa Ryunosuke (1892 - 1927), cây bút nổi tiếng của văn học Nhật Bản thế kỉ XX. Ba mươi lăm năm cuộc đời, sự ra đi của cây bút đang ở đỉnh cao sự nghiệp để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người yêu văn chương Nhật Bản thời bấy giờ. Song, với tài năng sáng tạo tuyệt vời, Akutagawa Ryunosuke trở thành cây bút kiệt xuất với trên 140 tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn và các bài phê bình.
Trong khoảng mười năm trước khi tự tử ở tuổi 35, Akutagawa đã đưa ra những sáng tác hiện thực mà sự đa dạng về nội dung và hình thức của chúng lớn hơn bất cứ tác phẩm của nhà văn nào cùng thời với ông. Những sáng tác của Akutagawa trải rộng đề tài trên rất nhiều bình diện xã hội, phản ánh sự nhạy cảm nội tâm và chiều sâu tri thức của một người am hiểu sâu sắc văn học Nhật Bản truyền thống, văn học Trung Hoa cổ điển và tư tưởng phương Tây hiện đại.
Không quá để khẳng định, Akutagawa là “cha đẻ thể loại truyện ngắn Nhật Bản”, người mở đường hình thành khuynh hướng văn học Nhật Bản vị nhân sinh ở giai đoạn sau, tên tuổi của ông đã vượt ra khỏi biên giới của đất nước mặt trời mọc, để nhớ để thương trong tâm trí bạn đọc ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Cha đạo có tấm lòng từ bi
“Lòng tốt để duy trì sự sống/ Cho con người thực sự Người hơn”. Ý thơ của Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ của những bản tình ca đi cùng năm tháng, khẳng định “lòng tốt” không chỉ mang đến “sự sống” cho người mà còn là thước đo nhân cách của chính mình. Đọc truyện “Đứa con bị bỏ rơi” (Akutagawa), tôi thực sự kính trọng vị cha đạo có tấm lòng từ bi. Tấm lòng đó dệt nên một nhân cách đẹp, sáng mãi trong tim mọi người. Tấm lòng đó gắn với một hành động nhân từ, đón nhận cậu bé chưa đầy năm bị bỏ rơi ở cổng đền thờ Singedzi vào buổi sáng mùa Thu.
Câu nói của cha đạo với người gác cổng đền, “Thế đấy! Hãy mang nó đến đây” rất đáng suy ngẫm. Cha đạo bình thản đón nhận sự việc, bình thản đưa ra quyết định không chút đắn đo. Đây là hành động xuất phát từ tấm lòng thiện, việc nên làm và sẽ làm, chẳng do dự băn khoăn. Thực ra, trong tình huống này, cha đạo có nhiều hơn một lựa chọn, đón nhận hay khước từ. Song, kết cục lòng thiện lên ngôi, cậu bé bất hạnh được đón nhận, chăm sóc bằng những hành động ấm áp yêu thương và cả vụng về của một người đàn ông.
“Một lúc sau, khi người gác cổng dè dặt mang đứa trẻ đến, cha đạo liền bế nó trên tay và vụng về nựng nịu: A, chú bé con dũng cảm! Đừng khóc! Đừng khóc nhé! Từ nay, ta sẽ nuôi dạy con”. Chân thành, đáng quý, hành động nhân từ đó làm sáng lên nhân cách đẹp của vị cha đạo có nếp sống giản dị.
Lẽ đời, yêu thương đâu chỉ bằng lời nói mà cốt yếu ở hành động. Đón nhận đứa trẻ bị bỏ rơi, coi nó như con đẻ, đó là tình yêu thương cha Tamura Nisso dành cho đứa bé tội nghiệp. Việc chăm sóc một đứa bé chưa đầy năm với ông quả là một công việc đầy thách thức. Song càng thách thức, yêu thương càng thêm sự ngọt ngào.
“Cha Nisso đặt tên cho đứa bé là Yunoske và bắt đầu chăm nom nó như đứa con đẻ. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng gì. Ông tự tay nuôi nấng và cho đứa trẻ uống sữa...”. Đặc biệt, lần Yunoske, lại “đúng vào lúc mọi người đang làm lễ cầu siêu cho một con chiên.
Cha Nisso một tay thì bế áp đứa trẻ đang nóng hầm hập vào ngực, tay kia thì cầm tràng hạt và bình thản cầu kinh như thường lệ”. Y như tay xách, nách mang, bận bịu bởi yêu thương và yêu thương nên bận bịu. Nói đến hành động chăm sóc Yunoske của cha Nisso, người ta vừa trân trọng, vừa cảm thông, âu cũng là bàn tay người đàn ông, thương yêu hết lòng, nhưng chút vụng về làm sao tránh khỏi.
Hạnh phúc đâu phải giữ riêng ở phía mình, nhiều khi phải nghĩ cho người. Việc cha Nisso bí mật, kiên trì tìm cha mẹ đẻ cho đứa trẻ mới thật đáng quý. “Khi đó, ông treo trên chiếc cột gần cổng đền một tấm bảng con ghi: “Giảng đạo vào ngày 16 hàng tháng”.
Trong khi truyền đạo, cha đã đưa ra tấm gương thời xa xưa ở Nhật Bản và Trung Quốc, ông nói rằng, không quên tình yêu cha mẹ mình có nghĩa là sự đền đáp lòng từ bi đối với Đức Phật”. Xoay quanh sự việc này, người đọc chứng kiến cách làm cẩn trọng, tinh tế và cũng rất ân tình của cha Nisso. Với người đàn bà “đỏm dáng” đến nhận đứa bé với ý đồ xấu, cha Nisso “mắng bà ta thậm tệ và chỉ thiếu nước dùng quả đấm để đuổi đi”.
Với người phụ nữ tao nhã tầm 34 - 35 tuổi, cha đạo có tấm lòng cao cả thì mỉm cười trong nước mắt trao gửi đứa trẻ, để nó được lớn lên trong yêu thương. Vậy là hoàn thành một sứ mệnh. Trái tim yêu thương của cha đạo Nisso đã gieo mầm hạnh phúc đứa bé bất hạnh. Tấm lòng từ bi của ông già truyền đạo thơm mãi, sáng mãi trong lòng nhân gian.
Người phụ nữ trái tim bồ tát
Đọc truyện “Đứa con bị bỏ rơi” (Akutagawa), tôi chợt nghĩ đến sự kì diệu của lời nói dối nhân ái. Người mẹ đáng kính trong truyện, “người phụ nữ tao nhã” đã nói dối, chuyện đôi vợ chồng đã gạt nước mắt bỏ lại đứa con nhỏ ở trước cổng đền Singedzi là bịa, song bịa để được đón nhận, yêu thương và chăm lo đứa trẻ bị bỏ rơi hơn hai mươi năm trời “quên ăn quên ngủ” chứ không phải vì ý đồ nào khác, đáng quý biết bao. Cái tài của người viết là dựng nên câu chuyện bịa mà như thật, để rồi người đọc phải tin yêu cảm phục chân tình của người phụ nữ có tấm lòng bồ tát.
Dõi theo cảnh người phụ nữ xin cha Nisso nhận cậu bé năm tuổi trong buồng tu sĩ, không người đọc nào nghĩ đó là chuyện bịa. “Người phụ nữ bất giác chìa hai bàn tay về phía cha đạo và với giọng run run, chị nói quả quyết: “Con là mẹ của đứa trẻ”. Sự xúc động tâm can của chị ta được thể hiện rõ trong mọi cử chỉ. Chị ta đã thể hiện một cách trân trọng lòng biết ơn đối với cha đạo đã nuôi dưỡng đứa trẻ cho đến ngày nay. Cầm tay bé Yunoske, chị cố nén tiếng khóc...”. Lời nói, cử chỉ, hành động nhất quán với tình cảm chân thật. Sự đời, đâu dễ mà nói ra lời yêu nếu lòng gượng ép, giả dối chẳng chạm đến trái tim.
Với người phụ nữ mất chồng, mất con gái, sự yêu thương, niềm đồng cảm trở thành sức mạnh đi đến quyết định hành động, nhận nuôi đứa bé như ân tình, ruột thịt. Thế nên, chuyện bịa mà thành thật, ranh giới xóa nhòa, tất cả đọng lại những chân thật yêu thương. Nếu phần đầu của truyện, tấm lòng từ bi của cha đạo Nisso sưởi ấm, thì phần sau trái tim bồ tát của người mẹ đơm hoa và tỏa hương thơm.
Mỗi trang văn, mỗi cuộc đời, xúc động với câu chuyện của Akutagawa, người đọc tìm thấy tứ ánh sáng tỏa ra từ tấm lòng thiện của người phụ nữ bất hạnh chồng chết vì bệnh thương hàn, con gái mất khi ba tháng tuổi. Ánh sáng đó, người ta có thể tìm thấy nhiều rất nhiều nơi trái tim nhân hậu bao dung của những người phụ nữ trên thế giới này. Bởi thế, nhân vật người mẹ trong truyện mang hình bóng những người phụ nữ trong cuộc sống đời thường với trái tim thăm thẳm yêu thương. Qua truyện ngắn “Đứa con bị bỏ rơi”, dường như Akutagawa đã tìm được hạt ngọt ẩn trong bề sâu tâm hồn người phụ nữ với tất cả trân trọng, ngợi ca.
Ghi tạc ân sâu
“Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người” (George Sand). Với truyện ngắn “Đứa con bị bỏ rơi”, nhà văn Ankutagawa Ryunosuke đã chiếu rọi nơi trái tim người đọc ánh sáng của lòng từ bi, nhân ái và hơn thế là của lẽ sống làm người ân nghĩa khắc ghi. Nhân vật Masubar Yunoske, đứa con bị bỏ rơi ở cổng đền Singedzi là tấm gương sáng về lối sống đẹp, vẹn tình trọn hiếu. Trưởng thành, biết được sự thật, người phụ nữ nuôi mình hơn hai mươi năm không phải là mẹ ruột, Yunoske đã có câu trả lời xúc động: “Không, tôi đã không nói.
Điều đó là quá tàn nhẫn đối với mẹ. Và cho đến tận khi qua đời mẹ cũng không nói với tôi một lời nào về điều này. Chắc hẳn mẹ cũng nghĩ rằng nói ra sẽ là tàn nhẫn đối với tôi. Và trên thực tế thì tình cảm của tôi đối với mẹ cũng có thay đổi chút ít, sau khi tôi được biết mình không phải là con đẻ của bà. Tình cảm đó đã trở nên ấm áp hơn cả trước đây. Bởi vì cho đến khi biết được tất cả mọi chuyện thì đối với tôi, một đứa con bị bỏ rơi, bà còn hơn cả một người mẹ”.
Cuộc đời sẽ đẹp, rất đẹp khi người ta được đón nhận yêu thương và biết đền đáp thương yêu. Chắc chắn, người mẹ trọng truyện sẽ mỉm cười toại nguyện bởi tình yêu của bà được trao gửi đúng chỗ. Thế nên, cách ứng xử của Yunoske trở thành bài học cho những người chân chính trong cõi nhân gian: Nhận ơn xin hãy biết ơn. Ân nghĩa đẹp nhất trên đời tất không phải bằng lời nói mà phải là hành động thiết thực.
Nét riêng về nghệ thuật
“Truyện ngắn giống như nước hoa cô đặc” (Trương Hiền Lương). Với hơn hai nghìn chữ, cốt truyện đơn giản, không nhiều các sự kiện biến cố, đây đúng là một truyện ngắn “cô đặc”, thể hiện được nét riêng trong nghệ thuật truyện ngắn của Ankutagawa. Kết cấu truyện chia làm hai phần, phần đầu là chuyện cha đạo Nisso, chuyện người mẹ; phần sau là cuộc đối thoại của vị khách, đứa con bị bỏ rơi kể lại cho tác giả nghe về chuyện đời mình.
Nét đặc sắc của lối trần thuật này là tạo nên tính chân thực, sự cuốn hút, bất ngờ cho người đọc. Người ta cứ ngỡ chuyện cặp vợ chồng bỏ con là chuyện thật, sau lại vỡ lẽ là chuyện bịa; người ta tin người phụ nữ là mẹ ruột của đứa trẻ, nhưng thực chất là mẹ nuôi.
Điểm nhìn trần thuật có sự hoán đổi linh hoạt, từ điểm nhìn của bên ngoài của người kể chuyện, tác giả chuyển sang điểm nhìn bên trong, đứng về phía nhân vật người phụ nữ kể lại cảnh ngộ của mình, chân thực và cảm xúc. Nhân vật trong truyện được khắc họa sắc nét. Vị cha đạo giàu lòng từ bi, người mẹ có tấm lòng nhân ái, đứa con bị bỏ rơi bất hạnh đáng thương... Mỗi nhân vật, một phận người với những phẩm chất vẻ đẹp đáng quý.
“Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”. Triết lí sống cao đẹp của đại văn hào nước Pháp thế kỉ XIX Victor Hugo vẫn luôn soi tỏ trên những nẻo đường cuộc sống.
Đọc truyện “Đứa con bị bỏ rơi” (Ankutagawa), người ta xót thương cho đứa trẻ tội nghiệp, cảm phục tấm lòng từ bi của người cha đạo đáng kính, biết ơn người phụ nữ nhân từ đã trao yêu thương sưởi ấm cuộc đời. Nhân sinh bảy nổi ba chìm, nhiều nụ cười và còn đó những dòng nước nước mắt. Cần lắm những tấm lòng thiện, mang yêu thương gieo mầm hạnh phục, tỏa nắng cho đời thêm những an vui. Bởi thế, câu chuyện nhỏ của Ankutagawa Ryunosuke gần trăm năm về trước trở thành bài học ý nghĩa với tất cả chúng ta.