Truyện ngắn: Người đàn bà bên sông
Bà khát khao một mái ấm gia đình, có chung mong ước cuộc sống êm đềm, tình cảm, không bon chen, ganh đua với đời...
Bên hiên căn nhà nhỏ nơi cái ngõ sâu hut hút, bé tẹo, liền kề con đường nứt rạn lởm chởm, tay bó gối, bà nheo mắt nhìn sang khu đô thị mới xây bên kia dòng Lam đục, mơ màng trong cảm giác ảo ảnh.
Thời gian trôi tựa bóng câu qua cửa, cha mẹ đã theo tổ tiên, bà cũng đã xấp xỉ lên lão, mắt nay đã kéo những vệt sương giăng trên nét mặt cô lẻ. Ánh mắt xa xăm, trống vắng, cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Giọt nước mắt trong đêm nghẹn đắng.
Mười sáu tuổi, bà qua một đời chồng.
Tiếng hò rầu rĩ bên bến sông quê vọng lại: "Từ thuở ấy, em cầm chiếc lá, đi đầu non cuối bể. Gió quê vi vút gọi, Diêu Bông hời!... ...ới Diêu Bông!...". Trên nền trắng đục của trời Đông, người con gái ấy hiện lên như một ánh sao lẻ loi, tựa hồ mất điểm tựa, chỉ như tìm kiếm một vì sao lạ.
Dòng Lam miên man trôi bên những giọt nắng cuối ngày vàng vọt, bầy vạc sành vội bay lên, để lại tiếng kêu thương khắc khoải. Những tia nắng cuối Đông buồn bã rơi từ bầu trời xám xịt, lạnh lẽo qua màn sương mù dày đặc. Bà về ngôi nhà lá bên kia sông, bóng bà mỏng gầy trong tà áo dài hồng nhạt, khuất dần trên con thuyền nhỏ.
Phía xa xa, bên xoáy ghềnh dưới bến sông, Uông khua vội mái chèo. Trái tim anh đau đớn khi biết người con gái mà anh yêu thương đã chọn bước bên người khác. Những kỷ niệm bên nhau như bị cuốn vào vực sâu. Anh nhớ…
Hai đứa thương nhau ngày tóc còn để chỏm, ì oạp tắm mùa sông nước cạn, chăn trâu cắt cỏ ven triền đê lồng lộng gió. Bố của bà biết chuyện, gầm lên thách thức: "Mi mà lấy thằng đó, tau giết. Họ nhà này chưa bao giờ bước qua lời nguyền với dòng họ bên đó. Không có cưới xin gì hết! Mi lấy ai cũng được, dù đui, què, sứt, mẻ… tau cũng đồng ý, nhưng riêng con trai nhà bên đó thì đừng hòng!".
Dùng dằng đến cuối Đông, bà thôi không ra bến sông đợi Uông vào những đêm trăng nữa. Bà sang sông. Trái tim bà đau đớn…
Sau ngày cưới, gia đình chồng cất cho vợ chồng bà căn nhà lá bên bãi bồi, chỉ cần rảo bước ra sau, chân đã chạm mép sông. Sau cuộc hôn nhân gán ghép vội vàng do mai mối, đám cưới vội vàng tất bật, bà quen dần và chấp nhận.
Ngày lại ngày, thấm thoát mấy mươi mùa trăng gầy, qua lại quẩn quanh bên mép sông, tới tháng nhìn xuống bầu ngực, tay vơ vội nón lá che cái bụng lép kẹp khi qua đám đông, che đi miệng lưỡi thế gian, như đọn dao cùn cứa đi cứa lại.
Chiều chiều ngang chợ Cồn bên bến bãi, qua ngõ nhà nhỏ bạn hồi còn ở bên kia sông, nghe tiếng con trẻ ê a, đứng ngoài ngõ nhìn vào mà thèm, mà khóc… Những đêm tĩnh lặng, dế rỉ rả nhả những lời nỉ non đến não ruột, bà nấc lên giữa màn đêm đặc quánh, tay bó gối, buông tiếng thở lăn dài theo con sóng.
Thế là chị ơi, rụng bông gạo đỏ…
Rồi chiến tranh.
Nhà chồng có ba người con trai. Anh là con cả, lặng thầm lên Ủy ban xã đăng ký tòng quân. Ngày tiễn chồng ra trận, bà nuốt nước mắt cảm nhận làn gió lạnh thoảng qua, như điềm báo trước cho mùa Đông lạnh buốt đến gần. Bà đứng đó, mưa bụi bay, rơi đọng xuống từng góc mắt, cay xè. Tim bà thắt lại, mơ hồ, ảo ảnh…
Trời tím dần, bà về lại căn nhà lá bên mép sông, hoang vu, trống vắng. Cô đơn ập đến mỗi buổi sáng mai, trải dài từ bình minh tới hoàng hôn…
Tháng năm đằng đẵng đợi chờ mong, đổi lấy vành tang trắng, trên mái đầu xanh.
***
Qua được bên kia dòng Lam lạnh buốt đêm cuối Đông, giơ bàn tay thô ráp bám chặt rễ bần gân guốc mọc dại bên bãi bồi ven sông, bất ngờ anh lên cơn sốt rét, tay không còn đủ sức nâng đầu lên được nữa, cơ thể cứ luội dần, luội dần.
Trong bóng tối, áo lính ướt đẫm, bám sát vào cơ thể đầy sẹo rách nhiều ngày đêm dưới khói lửa chiến trường. Con sóng vẫn ì oạp vỗ bờ, tiếng bìm bịp xào xạc ăn đêm, hơi thở trở nên khó khăn, da mặt nhợt nhạt, cựa quậy gắng thoát khỏi vòng vây của cái chết. Rồi tối om, không nhớ gì nữa.
Trong cơn tuyệt vọng, một cánh tay xuất hiện, xốc nách lôi sền sệt lên bãi cỏ mềm trong tiếng thở dốc, hổn hển.
Mở mắt, anh thấy mình co ro trong căn nhà lá bên sông, ngăn bởi vách thưng bằng nứa, trong đêm mưa bụi.
- Anh đang sốt cao đấy, nằm im. Tôi đã nấu xong nồi cháo hến cào ở bến sông, anh ăn xong sẽ nhẹ người thôi. Anh ở chiến trường ra à?
Người đàn bà ngồi bên cạnh anh hỏi, bên mép chiếc cót tre trong căn nhà lá. Lúc này, đầu anh đang đau như búa bổ, hai mắt sưng tấy lên do nằm rừng đã lâu.
- Cảm ơn cô đã cứu. Tôi ở chiến trường đã mười năm có lẻ, đơn vị giao liên.
- Thế đơn vị anh ở mãi đâu?
- Tận bên Lào cô ạ, trên đường hành quân, bị lạc.
- Mà anh đang ốm thế này thì đi làm sao…
- Cô cho xin ở lại, sáng mai, tôi đi ngay cho kịp đơn vị.
- Nhưng anh phải ăn hết chỗ cháo ấy nhé, nhớ uống cốc nước gừng tươi cho ấm, rồi cũng sẽ đỡ ngay thôi.
Đêm đã về khuya, khuya lắm. Mưa phùn gió bấc. Trong bức vách thưng bằng nứa đã lâu ngày bốc lên mùi ẩm mốc, bà ngồi ở góc phòng tối, bóng tối kín đáo như lòng bà. Ánh đèn dầu mờ ảo hé lộ những nét trăn trở, những dấu vết của thời gian đã đi qua, thấy sự cô đơn quấn quýt lấy mình như bóng tối vây kín, khiến bà cảm thấy mất đi phần lớn của chính mình, khao khát được yêu thương, che chở.
Lấy gì để đo những đêm dài, đêm từng đêm, nay đã hơn ba mươi mùa cây lá rụng, giờ đây, bà vẫn nằm một mình giữa bốn bức vách lạnh lẽo, ganh tị với tiếng trẻ khóc, cười, tiếng chuyện trò, thậm chí chửi rủa của các gia đình xung quanh.
Bà khát khao một mái ấm gia đình, có chung mong ước cuộc sống êm đềm, tình cảm, không bon chen, ganh đua với đời.
Trong ánh đèn dầu mờ ảo, bên kia bức vách, người đàn ông của bao năm chiến trận thi thoảng lại trở mình phát ra tiếng động rất khẽ. Nơi ấy, chỉ cách một bức vách bằng nứa… Trong bóng tối của đêm, bà cảm nhận mỗi nhịp đập của trái tim mình, nỗi khát khao cuồn cuộn. Và bà khóc. Khác với mọi hôm, nước mắt sao hôm nay nó khô và mặn chát.
Đêm, càng về đêm, mưa bụi bay như dày hơn. Trên bến vắng, chỉ còn đôi chiếc thuyền neo đậu ngoài xa, chiếc vó bè nặng trĩu cũng như im lìm ngủ, lác đác có đốm đèn hắt từng vệt sáng đục xuống lòng sông. Ngửa mặt nhìn vào khoảng lặng hư vô, cảm nhận ánh đèn cũng gầy guộc, lẻ loi, cũng tái mét, chơi vơi, cũng như bà, leo lắt nhưng không sao chợp mắt.
Đêm là chuyện của đất trời. Và định lượng ấy vẫn cứ đồng hành một cách khắc nghiệt với người đàn bà bị đóng đinh bởi chữ góa, thế thôi.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, người lính trận đã đi tự lúc nào, chỉ còn cánh cửa buồng khép hờ…
***
Tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, bà giáo lật đật dậy thổi cơm sớm cho thằng bé kịp đón xe vào trường nhập học. Đọc vội tập bản thảo trên bàn, bà giáo la toáng lên, lôi ông giáo dậy.
- Này cái ông kia, sao ông ác vậy?
Ông giáo còn đang ngái ngủ, lơ mơ chưa hiểu chuyện gì, bà giáo đã hắng giọng.
- Tại sao ông lại để cho người lính ấy ra đi? Chỉ đi thế thôi à?
Lúc này ông giáo mới lờ mờ hiểu chuyện.
- Chính chuyên. Chính chuyên bà hiểu chưa?
- Chính chuyên là cái gì, họ không phải là con người ư? Văn chương mà như thế à! Không biết khi yêu ông, đầu tôi để ở đâu mà lại lấy ông cơ chứ.
- Ừ, cảm ơn bà. Ngày xưa khi đang yêu, đầu bà để trên ngực tôi ấy.
Ông giáo cười hiền, hát dăm ba câu cũ rích: "Chuyện về một đêm trăng thanh, em thì thầm ngày đó yêu anh…".
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-nguoi-dan-ba-ben-song-20240812115930642.htm