Truyền nhân nghệ nhân Hà Thị Cầu gìn giữ, lan tỏa tình yêu với hát xẩm

Tình yêu với hát xẩm được học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu lan tỏa tới nhiều thế hệ học trò ở Tp.Hải Phòng giúp nghệ thuật dân gian này được biết đến rộng rãi.

Đưa hát xẩm về thành phố Cảng

Hơn 10 năm kể từ khi nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu về với cõi hư vô, chúng tôi mới có dịp gặp lại học trò của cụ là Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh. Thời gian chỉ làm đuôi mắt anh có thêm vài nếp nhăn, nhưng cách nói chuyện, ngữ điệu, khí chất, nhất là khi anh cất lên những giai điệu xẩm, vẫn vẹn nguyên.

Hải Phòng, không chỉ giới văn nghệ sĩ, những người yêu xẩm, nhiều người biết đến nghệ nhân Đào Bạch Linh qua những buổi diễn xướng tại các sự kiện lớn của Thành phố, như: Lễ hội Hoa Phượng đỏ, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân. Và qua cả tivi, sách báo.

Nhiều người gọi nghệ nhân Đào Bạch Linh là truyền nhân của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu bởi lối hát, chất giọng, điệu bộ, cách luyến láy rất giống. Đặc biệt, anh là một trong những học trò cưng của cụ Cầu.

CLB hát xẩm Hải Phòng sinh hoạt hằng tuần tại nhà nghệ nhân Đào Bạch Linh.

CLB hát xẩm Hải Phòng sinh hoạt hằng tuần tại nhà nghệ nhân Đào Bạch Linh.

Trò chuyện với chúng tôi trong không khí buổi sớm ấm áp ở thành phố Cảng, nghệ nhân Đào Bạch Linh kể lại câu chuyện về duyên nợ với hát xẩm, cơ duyên trở thành học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu và mong muốn hát xẩm ngày càng biết đến rộng rãi cũng như xua tan định kiến về loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Nghệ nhân Đào Bạch Linh xuất thân từ một gia đình không ai theo nghệ thuật. Lớn lên, anh thi đỗ và theo học tại Trường đại học Bách Khoa chuyên ngành Công nghệ thông tin. Thời còn là sinh viên, anh đã mê “như điếu đổ” hát xẩm qua những băng cassette ít ỏi có được nhờ nhịn ăn sáng để dành dụm tiền mua.

Mùa đông năm 2001, anh tìm về nhà “thần tượng” của mình là nghệ nhân Hà Thị Cầu ở thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình để bái sư. Sau khi ra trường công tác tại Hà Nội, suốt từ năm 2003 đến năm 2006, đều đặn từ chiều thứ 6 đến chiều Chủ nhật hằng tuần, anh đều có mặt tại nhà cụ Cầu để học hát xẩm.

Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh và các thành viên CLB hát xẩm Hải Phòng công diễn tại Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm 2024.

Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh và các thành viên CLB hát xẩm Hải Phòng công diễn tại Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm 2024.

Năm 2009, rời đất Hà thành, Đào Bạch Linh trở về sinh sống và làm việc tại quê hương Hải Phòng mang theo tình yêu với hát xẩm. Ngoài công việc tại Sở Ngoại vụ Hải Phòng, anh dành hầu hết thời gian quy tụ, truyền dạy hát xẩm tới những người có tình yêu với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Tháng 11/2011, Đào Bạch Linh thành lập Chiếu xẩm Hải Thành, đến năm 2020 đổi tên thành CLB hát xẩm Hải Phòng và tồn tại đến ngày nay. Từ số thành viên ban đầu chưa đến 10 người, đến nay, CLB xẩm Hải Phòng có hơn 30 thành viên sinh hoạt đều đặn mỗi tuần 1 - 2 tối. Ngoài ra, CLB còn nhận lời công diễn tại các sự kiện văn hóa lớn của Tp.Hải Phòng và nhiều địa phương trong cả nước.

Với nhiều cống hiến, đóng góp gìn giữ, phát huy hát xẩm, năm 2015, Đào Bạch Linh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Sau đó, để toàn tâm, toàn ý với xẩm, năm 2017, anh xin nghỉ việc tại Sở Ngoại vụ Hải Phòng.

Mỗi tháng có hàng trăm người nước ngoài theo học hát xẩm

Sau khi xin nghỉ việc tại Sở Ngoại vụ Hải Phòng, nghệ nhân Đào Bạch Linh chuyên tâm phối hợp mở các lớp dạy hát xẩm tại quê hương và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhờ các lớp học này, hát xẩm ngày càng được biết đến rộng rãi hơn.

“Điều khiến tôi ấn tượng nhất là rất nhiều người nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Âu và châu Mỹ, theo học vì rất mê hát xẩm. Hiện mỗi tuần tôi dạy trung bình hơn 50 học trò Tây. Ngoài số ít theo học các khóa học nhanh kéo dài trong 1 giờ giúp tiếp cận với hát xẩm, đa phần theo các khóa học kéo dài 3 tháng đến 1 năm để hát xẩm thành thạo. Nhiều học trò Tây chia sẻ với tôi, sẽ đem hát xẩm về biểu diễn tại quê nhà”, nghệ nhân Đào Bạch Linh tâm sự.

Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh dạy hát xẩm cho học trò Tây.

Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh dạy hát xẩm cho học trò Tây.

Nghệ nhân Đào Bạch Linh cho biết, nhiều người lầm tưởng hát xẩm gắn với nghề ăn xin. Định kiến này làm anh cũng như những người yêu, đam mê hát xẩm rất buồn.

Theo anh, hát xẩm là loại hình nghệ thuật giống như hát chèo, hát xoan, hát cải lương… Chỉ có điều khác, các nghệ sĩ hát xẩm thường biểu diễn ở chỗ đông người, các lễ hội với chiếc thau đặt ở phía trước. Khán giả thấy hay thì đặt vào đó tiền thưởng (xưa gọi là tiền thướng).

Ngoài xóa tan định kiến về xẩm, điều làm nghệ nhân Đào Bạch Linh đau đáu hiện nay là làm sao “phục hưng” hát xẩm. Nhiều người mặc dù rất đam mê và có năng khiếu nhưng không thể toàn tâm, toàn ý với hát xẩm bởi thu nhập không đủ sống. Do sân khấu dành cho xẩm ít, mỗi tháng chỉ có vài buổi công diễn, thu nhập chừng 3 - 4 triệu đồng.

Nhiều người nước ngoài học hát xẩm để đem loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam về biểu diễn tại quê hương.

Nhiều người nước ngoài học hát xẩm để đem loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam về biểu diễn tại quê hương.

Để bảo đảm cuộc sống, hiện nghệ nhân Đào Bạch Linh chạy đi chạy lại như con thoi giữa Hải Phòng với các tỉnh, thành phố để dạy hát xẩm kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng, số buổi ăn cơm với vợ con chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

“Những người nặng lòng với hát xẩm đều mong muốn có sự đầu tư xứng tầm từ Nhà nước để bảo tồn, gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần quan tâm tạo nhiều sân khấu hơn nữa để những nghệ sĩ hát xẩm có đất diễn. Qua đó, có được thu nhập bảo đảm cuộc sống khi toàn tâm, toàn ý với xẩm”, nghệ nhân Đào Bạch Linh chia sẻ.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/truyen-nhan-nghe-nhan-ha-thi-cau-gin-giu-lan-toa-tinh-yeu-voi-hat-xam-a656702.html