'Truyền nhân' văn hóa ở làng Mrông Yố 1

Rơ Châm Tứ (SN 2008, ở làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) biết đánh chiêng từ khi chưa biết chữ và say mê kể khan khi mới 10 tuổi.

Rơ Châm Tứ say sưa tập đánh chiêng cùng ông ngoại. Ảnh: Lê Hòa

Rơ Châm Tứ say sưa tập đánh chiêng cùng ông ngoại. Ảnh: Lê Hòa

Rơ Châm Tứ đang học lớp 6B Trường THCS Ia Ka. Già làng Rơ Châm Nha là ông ngoại của Tứ. Ông chia sẻ: “Từ nhỏ, Tứ đã yếu ớt, nhất là đôi tay. Cháu học không khá nhưng được cái chuyên tâm. Trừ khi ốm đau nặng lắm nó mới nghỉ học, còn không là đều đặn đến lớp. Tôi cũng rất yên tâm về nó”.

Ông Rơ Châm Nha là người có tài chỉnh chiêng, giỏi kể khan ngay từ khi còn trẻ. Còn Tứ là đứa cháu gần gũi và được ông yêu quý, chăm chút nhất. Bởi vậy, em đã được ông truyền dạy cách đánh chiêng và nhiều bài kể khan.

“Ngay từ khi còn bé, Tứ đã được tôi cho theo mỗi lần đi tập chiêng. Lên 3 tuổi, nó đã tập đánh “xập xèng”. Lớn hơn một chút, nó tập đánh chiêng con. Rồi cứ thế cái chiêng trên vai nó lớn dần”-ông Nha cười hạnh phúc khi kể về cháu trai.

Khác với những đứa trẻ ở độ tuổi này, Tứ rất mê tiếng cồng chiêng. “Dù cái bụng có đói, trong người có ốm mệt, nhưng nghe chiêng là em như thấy khỏe ngay. Làng nào có lễ hội, tiếng cồng chiêng nổi lên là đôi chân em muốn bước ngay tới đó”-Tứ nói rồi lên nhà khệ nệ ôm lần lượt 2 bộ chiêng xuống. Tứ còn lật đật đi tìm cuốn Sử thi Tây Nguyên song ngữ Jrai-Kinh mà mình yêu thích và đưa cho tôi xem.

Nhìn đứa cháu trìu mến, ông Nha bày tỏ: “Nó thuộc mấy bài khan rồi. Nó kể dí dỏm, có duyên lắm! Khi Tứ kể, đám thanh niên, trẻ con trong làng vây quanh, cười như nắc nẻ vì nó pha trò rất cuốn hút”.

Bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka: “Tứ là trường hợp khá đặc biệt. Em có tố chất, lại ngoan ngoãn và ý thức rõ ràng về gìn giữ văn hóa truyền thống cha ông để lại. Nếu được dìu dắt, định hướng tốt, Tứ có thể trở thành một hạt nhân văn hóa tiêu biểu trong cộng đồng”.

Tứ thích nhất là bài khan kể chuyện “Thỏ và hổ”. “Ông ngoại kể khan rất hay. Em nghe và mê, rồi nghe miết thành ra thuộc luôn. Em thì hay kể cho các bạn chơi cùng nghe”-Tứ dí dỏm nói. Nói đoạn, Tứ quên hết tất cả những người lạ quanh mình và cất giọng kể. Giọng em vẫn còn tiếng lảnh lót của một đứa trẻ nhưng âm điệu, dừng nghỉ, nhấn nhá đã khá thuần thục.

Có lẽ bởi đam mê nên ký ức đẹp đẽ lưu lại trong Tứ là những chuyến được chọn đi biểu diễn cồng chiêng. “Em đã tham gia biểu diễn ở lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, biểu diễn tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở TP. Pleiku năm 2018… Còn biểu diễn ở làng, ở xã thì nhiều lắm, vui lắm!”-Tứ hân hoan kể.

Tuy nhỏ tuổi nhưng Tứ là người “có chức sắc” trong đội cồng chiêng của làng, lắm khi em được cầm nhịp, chỉ huy cả đội chiêng toàn người lớn. “Em mong muốn sau này được làm việc gì liên quan đến cồng chiêng, được đem chiêng đi biểu diễn khắp đây đó”-Tứ thổ lộ.

LÊ HÒA

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/truyen-nhan-van-hoa-o-lang-mrong-yo-1-5724703/