Truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại
Các hoạt động tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2014 đang diễn ra tại một số địa điểm ở khu vực trung tâm Thủ đô đã góp phần 'thổi sinh khí' vào di sản, tạo cơ hội để người dân tiếp cận gần hơn các di sản kiến trúc đặc sắc.
Trong những ngày qua, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã tạo sức hút lớn đến người dân Thủ đô và du khách. Trong đó, Tổ hợp triển lãm “Cảm thức Đông Dương” tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (19 Lê Thánh Tông) đã đón 10.000 lượt người tham quan chỉ trong ngày 10/11; cùng ngày, Tổ hợp triển lãm “Cung Thiếu nhi - Hoài niệm cho tương lai” cũng đón hơn 8.000 người...
Còn tại Nhà khách Chính phủ ở phố Lê Thạch, rất đông người dân và du khách đã đến đây nhân dịp lần đầu địa chỉ này mở cửa cho khách tham quan. Tòa nhà Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) được xây dựng vào năm 1918, trên phần đất của chùa Báo Ân xưa, là một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp.
Các di sản văn hóa nói chung và các di tích kiến trúc nói riêng thường là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng tạo dựng, nuôi dưỡng, lưu truyền… nên nếu thích ứng tốt với xã hội đương đại sẽ có vai trò thu hút, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, tận dụng sự sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội.
Sau 4 ngày tổ chức, ước tính đã có gần 50.000 khách tham quan, trải nghiệm trên tuyến chính Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Đây là những khởi đầu ấn tượng trong chuỗi ngày hội của giới sáng tạo và những người yêu Hà Nội.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ rộng cửa đón người dân, du khách mà còn có nhiều cuộc tọa đàm sôi nổi. Trong đó có thể kể tới cuộc tọa đàm “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo” diễn ra sáng 13/11 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với thông điệp “Truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại”. Đây là cuộc đối thoại giữa các chuyên gia kiến trúc, lịch sử, ký ức cộng đồng với các không gian di sản kiến trúc tinh hoa của Thủ đô trong hành trình từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Tại tọa đàm, KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: "Những điểm nhìn mang tính hệ thống của các nhà nghiên cứu kiến trúc cũng như những giải pháp đem lại sức sống cho các di sản này được trao đổi, thảo luận, góp phần tạo ra một cộng đồng tri thức, chia sẻ hiểu biết về di sản từ chính những chủ nhân của thành phố - những con người đang sống ở Hà Nội hôm nay".
Theo vị KTS này, công nghiệp sáng tạo đang trở thành động lực, nhân tố chính trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Trải qua 4 kỳ lễ hội, giới chuyên môn nhận thấy di sản văn hóa luôn được quan tâm. “Nhưng làm sao để việc phát huy di sản có tính chiến lược? Làm sao để sau 1 tuần lễ hội chúng ta không phải “đóng gói” tác phẩm rồi không biết cất đâu? Làm sao để có một kịch bản đồng bộ có khả năng kết nối các năm, năm nay kế thừa cho năm sau?”, KTS Hoàng Thúc Hào nêu vấn đề.
Câu hỏi của Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam được các khách mời với từng chuyên môn của mình trả lời rất cụ thể. KTS Nguyễn Hồng Quang thông tin rằng, rút kinh nghiệm của những Lễ hội trước, năm nay Ban Tổ chức đã dành một khoảng thời gian dài để nghiên cứu làm sao có được những tác phẩm có tính bền vững.
Theo đó, các pavilion năm nay được làm tiết chế hơn, đặt trong những không gian ổn định, có thể tiếp cận người xem lâu hơn. “Hành lang thơ ngây” được đặt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, “Rồng rắn lên mây” đặt tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các công trình biểu tượng được sắp đặt ở vị trí tương tác với di sản, thay vì đứng độc lập, tạo ra cuộc đối thoại với di sản và tạo sức sống cho chính các di sản đó. Thông qua đó, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển và cũng tạo ra cuộc đối thoại liên thế hệ.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội với chủ đề "Giao lộ Sáng tạo" mở ra những cơ hội khám phá những di tích lịch sử, công trình di sản cũng như không gian sáng tạo chưa từng có. Công chúng và du khách “phải lòng” lễ hội bởi giao lộ sáng tạo liền mạch, mỗi điểm dừng đều có ấn tượng riêng biệt. Có những không gian được “khoác áo mới” hoặc lần đầu mở cửa đón khách và hoàn toàn miễn phí lại càng khiến cho người dân thêm tò mò, thích thú ghé đến.
Giám tuyển Vân Đỗ cũng cho biết, tại Cung thiếu nhi Hà Nội có những tác phẩm chỉ mang tính thời điểm, cũng có những tác phẩm sẽ được để lại làm sân chơi cho thiếu nhi sau lễ hội.
Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm cũng nêu ý kiến cần phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị trong việc vận hành, khai thác các tác phẩm sau lễ hội.
Cũng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ngày 14/11, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024, lại có cuộc tọa đàm "Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại”. Tham dự buổi tọa đàm, các chuyên gia văn hóa, nhà văn, nhà điêu khắc đã mở rộng vấn đề định danh "Hà Nội", bàn về hiện thực và biến chuyển của Thủ đô trong chiều dài lịch sử, căn tính những lớp người Hà Nội ở nhiều thế hệ khác nhau.
Nói về nhận định sự thay đổi là định mệnh của Hà Nội, PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho biết, Hà Nội thời mở cửa biến đổi cả về cảnh quan và dân cư. Một dẫn chứng cụ thể là nếu ở những năm 1980, đứng ở trên tầng cao nhất của Cung Thiếu nhi Hà Nội có thể nhìn thấy sông Hồng thì bây giờ là không thể. Một số sinh viên của PGS.TS Phạm Xuân Thạch khi xem bộ phim "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn Trần Văn Thủy có những cảnh quay về Hà Nội xưa lại tưởng rằng, đó là những cảnh quay của nước ngoài. Hà Nội ngày hôm nay đứng trên nóc tòa nhà cao tầng nhìn xuống có thể thấy sự lộn xộn về mặt kiến trúc. "Hà Nội có những ngôi nhà, công trình khác biệt đứng cạnh nhau và nguyên nhân sự hỗn loạn của Hà Nội là do không quản trị được sự thay đổi của nó, đặc biệt là trong việc quy hoạch và quản lý đô thị", ông Thạch nói thêm.
Trong khi đó, nhà văn chuyên viết về Hà Nội Nguyễn Trương Quý lại nhìn thấy đầy chất liệu đời sống trong sự lộn xộn, bề bộn của một đô thị đang chuyển mình của thời đổi mới. Bởi Hà Nội cuồn cuộn năng lượng sống, sinh động do dân cư đông đúc. Trong khi đó, có không ít thành phố trên thế giới đang đứng yên bởi tỷ lệ sinh quá thấp, tạo nên một đô thị trầm lắng. "Hà Nội có thể nhốn nháo, lộn xộn, bề bộn và rất khó có thể nói đây là một thành phố đẹp nhưng đôi khi cái sự lộn xộn lại trở thành nét gợi cảm ở một mặt nào đó, khiến cho nhiều người ở vùng khác đến và thích thú với nó, bên cạnh việc đến đây để lập nghiệp và mưu sinh", nhà văn Trương Quý nhấn mạnh.
Còn nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, đã có rất nhiều đổi thay ở Hà Nội hiện nay từ không gian sống, môi trường sống cho đến nền nếp, cách sinh hoạt của con người. Có những thay đổi nhỏ nhưng cũng có những thay đổi lớn, có những thay đổi có lợi và cũng có nhiều thay đổi không hay, tất cả đều trở thành tiền đề cho những người cầm bút. Theo nhà văn, tuy Hà Nội thay đổi nhiều nhưng có những thứ không thay đổi, đó là nền nếp, tác phong, cách ứng xử của người Hà Nội. Dù bây giờ, nhiều người Hà Nội cũ đã đi khỏi vùng lõi để sống ở vùng ngoại vi thành phố nhưng tính cách, ứng xử của họ dù nhỏ, dù chỉ như giọt mực nhỏ vào Hồ Tây nhưng lại luôn tồn tại những giọt mực như thế.
Nhà văn Đỗ Phấn nhấn mạnh, nó bền bỉ hết năm này đến tháng khác, nó cứ nhỏ vào Hồ Tây như thế và đến một lúc nào đó tính cách ấy sẽ được lan tỏa. Và chúng ta không sợ Hà Nội mất đi đâu cả vì nó vẫn sẽ đọng lại trong mỗi người của chúng ta những tính cách như vậy.
Khi nói đến danh xưng "người Hà Nội", nhà văn Nguyễn Việt Hà thích cách sử dụng "người ở Hà Nội" hơn, bởi tính chất hội tụ con người bốn phương của mảnh đất Thăng Long. Theo nhà văn "Con giai phố cổ", ngay cả những người ở Hà Nội tới 3 đời cũng rất khó để nhận định đó là người Hà Nội.
Sinh sống nhiều năm trên con phố cổ của Hà Nội, nhà văn Nguyễn Việt Hà nhận thấy lối sống sinh hoạt của người dân vùng lõi đã có sự thay đổi. Điều này có thể do dân cư của khu vực bảo tồn di sản đã thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của các cư dân mới. Thị dân cũ dần dịch chuyển về các vùng ven, hoặc tới sinh sống ở các mảnh đất khác nhau trên thế giới và Việt Nam.
Có thể nói, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã mang tới những sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật đa dạng và tương đối đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, vẫn cần thêm sự đầu tư vào chất lượng tác phẩm trưng bày hơn nữa. Bên cạnh đó, dù muốn hay không, nhưng khi đã tổ chức ở những không gian lớn, thậm chí ngoài trời, thì những ý tưởng thiết kế cũng cần “nâng tầm” và mang tính sáng tạo hơn nữa, bắt mắt hơn nữa để có thể tạo sự bất ngờ, thậm chí “choáng ngợp” với người dân và du khách.