Truyền tải - nỗi đau đầu lớn nhất của ngành điện

Lưới điện nhiều địa phương đã 'kêu cứu' từ gần một năm nay do hàng trăm dự án đăng ký đấu nối nhưng lưới điện quốc gia không thể giải tỏa hết công suất. Cơ chế ưu đãi khiến các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào năng lượng tái tạo trong khi truyền tải và phân phối điện lại là việc của... Nhà nước.

 Hệ thống đường truyền tải điện Duyên Hải (Trà Vinh) được EVN đầu tư. Ảnh: EVN

Hệ thống đường truyền tải điện Duyên Hải (Trà Vinh) được EVN đầu tư. Ảnh: EVN

Chỉ tính đến cuối tháng 6-2019, tổng công suất điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã lên tới 2.027 MW (chiếm gần 50% tổng công suất năng lượng tái tạo của cả nước). Dự kiến, đến tháng 12-2020, con số này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Tính đến tháng 7-2020, hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW; 11 nhà máy điện gió đang hoạt động, công suất 429MW. Tổng công suất hai nguồn năng lượng tái tạo này xấp xỉ gần 5.500 MW, chiếm gần 10% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống. Đây là các dự án được EVN ký hợp đồng mua điện, chưa kể hàng trăm các dự án điện mặt trời mái nhà nhỏ lẻ.

Quyết định 13/2020 của Thủ tướng ưu đãi giá mua điện mặt trời nổi là tương đương 7,79 cent Mỹ/kWh, dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent/kWh, hệ thống điện mặt trời mái nhà là 8,39 cent/kWh khiến các chủ đầu tư dự án điện mặt trời (được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019) chạy đua với thời gian để đưa điện lên nối lưới trước ngày 31-12 năm nay.

Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hai tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về năng lượng mặt trời và gió, việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quá dày đã khiến nguồn công suất tại chỗ rất lớn mà phụ tải lại rất nhỏ, như Ninh Thuận chỉ dao động từ 100-115 MW, Bình Thuận từ 250-280MW. Điều đó đặt ra yêu cầu phải cấp bách giải tỏa công suất. Nghĩa là vai trò của truyền tải điện là quan trọng nhất, khi nguồn cung tại chỗ dư thừa.

Tuy nhiên, theo EVN, hiện lưới điện trung, hạ áp tại các tỉnh miền Bắc, Hà Nội và TPHCM đủ khả năng tiếp nhận công suất của các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện mặt trời mái nhà. Nhưng tại miền Nam, 240 dự án với tổng công suất 229 MWp vượt khả năng giải tỏa công suất. Ở miền Trung, điện mặt trời mái nhà cũng khiến một số tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Tây Nguyên... có nguy cơ quá tải lưới điện trung áp.

Các tổng công ty truyền tải điện đã phối hợp chặt với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải nhằm giải tỏa công suất. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân thì để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng sáu tháng, trong khi để đầu tư một dự án lưới điện truyền tải 220kV, 500kV cần khoảng 3-5 năm, nhất là giải phóng mặt bằng và phê duyệt đầu tư.

Về nguồn điện, hiện tư nhân đã tham gia đầu tư rất tích cực vào nguồn phát, nhất là các nguồn phát có giá mua ưu đãi nhưng đầu tư vào lưới điện, truyền tải vẫn thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền, theo quy định của Luật Điện lực.

Từ cuối tháng 3 năm nay, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng về xây dựng tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích Luật Điện lực với nội dung: “Nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải”.

Hay nói khác đi là Nhà nước không độc quyền đầu tư đường truyền tải. Song đến nay, văn bản này vẫn chưa được ban hành. Do đó, việc tư nhân đầu tư vào đường truyền tải như trường hợp của Tập đoàn Trung Nam (được chấp thuận đầu tư dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500kV Thuận Nam-Vĩnh Tân dài 15,5 km) được xem là bước đột phá trong đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, việc tiếp nhận bàn giao đường dây sau khi Trung Nam hoàn thành vẫn chưa thống nhất. Đường dây truyền tải do Trung Nam đầu tư là đường dây truyền tải quốc gia hay đơn giản là trạm đấu nối nhà máy điện mặt trời với hệ thống đường dây truyền tải quốc gia hiện còn chưa ngã ngũ.

Thậm chí, do bài toán về pháp lý đầu tư truyền tải chưa được giải quyết nên mới đây, trong thông báo kết luận thanh tra việc quản lý pháp luật sử dụng đất, cho thuê đất trên địa bàn Ninh Thuận (14-8), Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận rà soát, xem xét, có phương án thống nhất với các nhà đầu tư tạm dừng, giãn tiến độ đối với các dự án điện mặt trời đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa tiến hành xây dựng để hạn chế tối đa việc các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh bị giảm công suất phát điện khi vận hành thương mại.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/307566/truyen-tai--noi-dau-dau-lon-nhat-cua-nganh-dien.html