Truyền thanh thông minh - Thay đổi để bắt nhịp xu thế

Công nghệ thay đổi, nhu cầu của công chúng thay đổi, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng phải thay đổi. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, truyền thanh thông minh là giải pháp tối ưu để tăng hiệu quả thông tin tuyên truyền ở cơ sở và bắt kịp xu thế thời đại.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng đài truyền thanh thông minh

Toàn tỉnh hiện có 209/209 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh hoạt động. Đến thời điểm này mới chỉ có gần 60 đài (đạt gần 30%) chuyển sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) hay còn gọi là truyền thanh thông minh. Còn lại trên 70% vẫn là đài truyền thanh không dây FM và truyền thanh có dây (hữu tuyến).

 Cán bộ Đài Truyền thanh xã Long Sơn (Sơn Động) thu âm bản tin truyền thanh của xã. Ảnh: Sỹ Quyết.

Cán bộ Đài Truyền thanh xã Long Sơn (Sơn Động) thu âm bản tin truyền thanh của xã. Ảnh: Sỹ Quyết.

Qua thực tiễn hoạt động nhiều năm, đài truyền thanh có dây bộc lộ nhiều hạn chế như: Chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trong toàn tuyến; việc kéo dây gian nan và tốn kém ở những nơi xa trung tâm; dây dẫn chằng chịt, mất mỹ quan, nguy hiểm, khó bảo dưỡng, sửa chữa. Đài truyền thanh không dây FM tiên tiến hơn với chất lượng âm thanh tốt và đồng đều trên toàn tuyến, có thể lắp đặt ở bất kỳ điểm nào có điện; việc lắp đặt, bảo trì đỡ vất vả hơn, song vẫn bộc lộ nhược điểm như đầu tư lớn, cán bộ kỹ thuật phải có chuyên môn; tại các trung tâm hành chính huyện, xã phải có mặt bằng để xây dựng cột anten dây co, dễ bị nhiễu sóng; phải có giấy phép xây dựng và hằng năm phải đóng phí sử dụng tần số, vô tuyến điện…

Trong khi đó, truyền thanh thông minh khắc phục triệt để những hạn chế của hai loại truyền thanh nêu trên. Truyền thanh thông minh thế hệ mới phát triển trên công nghệ IP (Internet Protocol- giao thức Internet), là công nghệ truyền dẫn thông tin số thông qua chuyển mạch gói, các thiết bị đầu - cuối được định địa chỉ IP. Thiết bị phát gửi sẽ số hóa thông tin, sau đó chia thành nhiều gói IP để truyền dữ liệu đến điểm thu thông qua môi trường truyền dẫn trên Internet/3G/4G, đồng thời lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây phục vụ cho việc khai thác, sử dụng lâu dài.

Nhờ công nghệ IP, chất lượng âm thanh truyền đi vượt trội, nhanh chóng, tín hiệu truyền đi nguyên gốc so với nguồn phát. Bên cạnh đó, loa truyền thanh thông minh còn hỗ trợ kết nối đa dạng: Wifi, 4G, Ethernet; nguồn phát thông tin đa dạng: Tệp tin, microphone, thiết bị số hóa, văn bản, tiếp sóng. Đồng thời, hệ thống còn có ứng dụng cài trên thiết bị di động cho phép quản lý và điều khiển toàn bộ hệ thống truyền thanh ở mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng này cũng cho phép quản lý toàn bộ các chức năng của hệ thống truyền thanh; trong trường hợp khẩn cấp có thể thực hiện phát thanh trực tiếp từ điện thoại thông minh, không cần phải đến phòng thu; cho phép chuyển dữ liệu nội dung văn bản sang giọng nói trực tiếp (MC ảo) nhờ trí tuệ nhân tạo…

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, mục tiêu tỉnh đề ra là đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây chuyển đổi sang truyền thanh thông minh.

Những năm vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thường xuyên đôn đốc các địa phương trong tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đài truyền thanh thông minh. Một số địa phương đã tích cực triển khai, điển hình như thị xã Việt Yên đã có 15/17 xã, phường, thị trấn đưa truyền thanh thông minh vào hoạt động từ năm 2022; huyện Lạng Giang hiện 21/21 xã, thị trấn đều xây dựng truyền thanh thông minh với phương thức 50-50 (huyện hỗ trợ 50% kinh phí, xã đối ứng 50% kinh phí), một số đài đã đưa vào hoạt động, hiệu quả rõ nét. Trong hai năm (2023-2024), Sở đã và đang thực hiện lắp đặt 22 đài truyền thanh thông minh tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động và Lục Ngạn.

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, mục tiêu tỉnh đề ra là đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây chuyển đổi sang truyền thanh thông minh.

Hệ thống thông tin nguồn và những triển vọng

Nói đến truyền thanh thông minh không thể không nhắc đến hệ thống thông tin nguồn. Triển khai Quyết định số 135 ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT, năm 2023, Bộ TT&TT ban hành Hướng dẫn nghiệp vụ về chức năng, tính năng kỹ thuật của hệ thống thông tin (HTTT) nguồn T.Ư và HTTT nguồn cấp tỉnh, phiên bản 2.0. Thông qua HTTT nguồn cấp tỉnh, người dùng cấp tỉnh tổ chức sản xuất, cung cấp bản tin phát thanh trên đài truyền thanh thông minh; quản lý, theo dõi, giám sát trạng thái hoạt động của các cụm loa truyền thanh trên địa bàn cấp tỉnh.

Qua hệ thống này, người dùng cấp huyện tổ chức sản xuất, cung cấp bản tin phát thanh trên đài truyền thanh thông minh; quản lý, theo dõi, giám sát trạng thái hoạt động của cụm loa truyền thanh trên địa bàn cấp huyện. Người dùng cấp xã, thông qua hệ thống này, biên tập bản tin phát thanh trên đài truyền thanh thông minh, tiếp nhận thông tin nguồn từ trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện để phát trên đài truyền thanh thông minh; quản lý, theo dõi, giám sát trạng thái hoạt động của cụm loa truyền thanh trên địa bàn cấp xã.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay Sở TT&TT đã xây dựng HTTT nguồn cấp tỉnh. Tới đây, khi chính thức đi vào hoạt động, HTTT nguồn tỉnh Bắc Giang sẽ được kết nối với HTTT nguồn T.Ư bảo đảm việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu xuyên suốt từ T.Ư, cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, trong đó HTTT nguồn T.Ư gửi bản tin phát thanh để phát trên đài truyền thanh thông minh; HTTT nguồn cấp tỉnh kết nối với HTTT nguồn T.Ư thực hiện đồng bộ kho nguồn nội dung bản tin phát thanh trên đài truyền thanh thông minh; HTTT nguồn T.Ư có thể gửi ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân từ ứng dụng trên thiết bị di động thông minh đến HTTT nguồn cấp tỉnh; HTTT nguồn T.Ư và HTTT nguồn cấp tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau thông qua hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).

Việc đưa vào hoạt động HTTT nguồn cấp tỉnh sẽ mở ra triển vọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình trên đài truyền thanh thông minh, đồng thời nâng cao công tác quản lý hoạt động thông tin cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025: 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên HTTT nguồn T.Ư và HTTT nguồn tỉnh.

Thích ứng với thay đổi của công chúng

Với ưu thế vượt trội, giải pháp xây dựng truyền thanh thông minh sẽ giải quyết triệt để những hạn chế của truyền thanh truyền thống, từ đó tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực cho đài truyền thanh cơ sở, phát huy hiệu quả hơn việc truyền tải tin tức, thông tin đến người dân.

Sau khi đưa đài truyền thanh thông minh vào hoạt động, nhiều cán bộ phụ trách đài cơ sở đã có sáng tạo trong xây dựng, phát sóng chương trình. Anh Hà Khánh Thần, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã An Hà (Lạng Giang) cho biết, do xã chỉ có mình anh chịu trách nhiệm làm chương trình truyền thanh, anh thường xuyên ứng dụng phần mềm MC ảo để chuyển văn bản sang giọng đọc phát thanh viên nữ giúp chương trình có cả giọng nam, giọng nữ cho hấp dẫn hơn.

Lâu nay, đài truyền thanh cơ sở đã phát huy được vai trò là một kênh thông tin thiết yếu, có lợi thế nhất ở cơ sở do tính chất gần dân, sát dân, tuyên truyền hiệu quả đến người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà khó có kênh truyền thông nào có thể làm được với số lượng người được tiếp cận thông tin đông đảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các loại hình truyền thông hiện đại, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng cần thay đổi mạnh mẽ để níu giữ công chúng bởi họ có quá nhiều lựa chọn. Việc đầu tư truyền thanh thông minh là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, bảo đảm thông tin luôn được thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời, làm tăng hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0.

Mới đây, Bộ TT&TT cũng đề xuất các địa phương cần đa dạng hóa cách thức đưa tin phát thanh để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và đối tượng người nghe thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube… hoặc thông qua cổng/trang thông tin điện tử của địa phương… Từ đó thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận của người dân đối với hoạt động phát thanh không chỉ nghe loa truyền thanh mà còn có thể tiếp cận trên các nền tảng số, chẳng hạn như việc xây dựng Zalo Mini Apps hay Zalo (Official Account) ở cấp cơ sở, nhằm tăng cường tương tác hai chiều để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền, cùng giải quyết những vấn đề phát triển KT-XH ở địa phương, cơ sở. Song dù ở nền tảng nào thì điều chủ yếu nhất mà phát thanh cần chú trọng vẫn là nâng cao chất lượng thông tin, luôn giữ được ưu thế riêng có của phát thanh.

Ben Williams, Giám đốc Công ty truyền thông Beyon Broadcasting của Vương quốc Anh từng chia sẻ: “Điều quan trọng nhất phải nhớ là tương lai của phát thanh rất tươi sáng và các nhà sản xuất phải thích ứng nhanh với những thay đổi của thính giả. Rất ít thính giả chỉ nghe một kênh phát thanh duy nhất, vì thế chúng ta cần liên hệ với các loại hình truyền thông khác nhau để giúp phát thanh có thể bắt nhịp với sự thay đổi đó”.

Vân Hồng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/truyen-thanh-thong-minh-thay-doi-de-bat-nhip-xu-the-095706.bbg