'Truyền thống' 5 năm liền vỡ kế hoạch kinh doanh của FECON (FCN) liệu có tiếp diễn?
Dường như việc tung ra mục tiêu thật cao rồi không thể đạt kế hoạch đã trở thành 'truyền thống' hàng năm của FECON (FCN). Tại năm 2024 công ty chỉ dám đặt mục tiêu lãi 60 tỷ đồng.
FECON (FCN) và "truyền thống" 5 năm liền vỡ kế hoạch kinh doanh
CTCP FECON (FCN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Trong đó ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2023 và mục tiêu kinh doanh cho năm 2024.
Tại năm 2023, công ty đạt doanh thu 1.890 tỷ đồng, tương đương với khoảng 90% kế hoạch đề ra. Dù doanh thu cao nhưng FECON vẫn phải báo lỗ 42 tỷ đồng. Trong khi mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 125 tỷ đồng. Đồng thời, công ty mẹ ghi nhận lỗ sau thuế 32 tỷ đồng trong năm 2024. Với kết quả trên, FECON đã vỡ kế hoạch kinh doanh năm.
Những cổ đông lâu năm của FECON chắc chắn cũng không còn quá bất ngờ trước tình trạng đặt mục tiêu cao nhưng sau đó thực hiện chẳng đến đâu của công ty này. Bởi nếu tính từ năm 2019 trở lại đây, FECON chưa một lần thực hiện được chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, năm 2019, FECON chỉ đạt lợi nhuận 221 tỷ đồng, hoàn thành 62% mục tiêu năm. Tại năm 2020, lợi nhuận sụt giảm 40%, còn 133,6 tỷ đồng tương đương hoàn thành 57% kế hoạch. Trong năm 2021, lợi nhuận FECON tiếp tục lao dốc tới 47%, chỉ còn vỏn vẹn 70,8 tỷ đồng, đạt 40,4% mục tiêu năm.
Trong 3 năm này, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp, do đó cũng có thể thông cảm phần nào với FECON. Tuy nhiên, sang năm 2022, công ty tiếp tục đặt tham vọng với mục tiêu lợi nhuận 280 tỷ đồng. Kết quả chỉ mang về 51,6 tỷ tương đương chỉ 18% mục tiêu năm.
FECON thậm chí còn thua lỗ 42 tỷ đồng trong năm 2023, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp không thể hoàn thành chỉ tiêu. Với lịch sử hoạt động như trên, có thể hiểu rằng FECON có "truyền thống" vỡ kế hoạch, đặt mục tiêu cao nhưng kết quả chẳng tới đâu.
Tại năm 2024, FECON tiếp tục đặt mục tiêu rất cao với doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng tới 39% so với năm 2023. Lãi sau thuế mục tiêu 60 tỷ đồng.
Lãi vay đè nặng gây thua lỗ
Một nguyên nhân đáng kể dẫn đến tình trạng thua lỗ trong năm 2023 của FECON là chi phí lãi vay gia tăng mạnh theo khối nợ ngày càng phình to.
Chỉ tính riêng chi phí tài chính năm 2023, công ty đã phải chi ra 287,3 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm trước. Trong đó phần lớn là chi phí lãi vay, chiếm 259,9 tỷ đồng.
Chi phí tài chính gia tăng mạnh, trong khi gánh nặng chi phí quản lý vẫn đang "ngốn" hơn 200 tỷ mỗi năm. FECON cũng chẳng còn cứu cánh là doanh thu từ bán dự án điện mặt trời nên kết quả đành phải ghi nhận thua lỗ trong năm 2023.
Tại cuối năm 2023, tổng tài sản FECON ghi nhận 8.773 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 700 tỷ đồng, cao gấp 4 lần đầu năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 5.413 tỷ đồng, tăng tới 32% so với đầu năm. Như đã nêu trên, vấn đề vay nợ, chi phí lãi tăng cao đang khiến FECON "loay hoay" tìm lối thoát trong hoạt động kinh doanh. Thực tế, nợ ngắn hạn của công ty cũng đã tăng lên 4.390 tỷ đồng.
Nợ cổ tức từ 2022, đến cuối 2024 mới trả cổ đông
Với kết quả kinh doanh nêu trên, không quá khó hiểu khi FECON đang phải chậm trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông. Cụ thể, tỷ lệ cổ tức bằng tiền mà FCN chi trả cho cổ đông năm 2022 là 5%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ tức nhận 500 đồng tiền mặt.
Theo phương án này, Fecon phải chi ra khoảng 79 tỷ đồng để trả cổ tức. Việc chi trả không được thực hiện 1 lần mà chia làm 2 đợt vào ngày 29/3/2024 với tỷ lệ 1%, phần còn lại 4% sẽ được chi trả vào tháng 12/2024.
Trước đó, FCN đã từng thông báo chậm trả đợt cổ tức năm 2022 này. Nguyên nhân do diễn biến thị trường chung khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của công ty gặp nhiều khó khăn. Một số dự án lớn triển khai bị chậm tiến độ so với kế hoạch, ảnh hưởng tới dòng tiền thu hồi của công ty.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2024, FECON dự kiến trong 5 năm tới sẽ phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Liệu đây có tiếp tục là một kế hoạch hão huyền giống cách FECON liên tục đặt mục tiêu kinh doanh "cho vui" suốt 5 năm qua?