Truyền thông Australia: Việt Nam - niềm ghen tị của cả thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19

Kênh ABC của Australia cho rằng, việc Việt Nam không ghi nhận ca tử vong nào vì Covid-19 là thành tích mà Mỹ hay Italy có mà 'nằm mơ' cũng không đạt được.

Việt Nam đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ quốc tế trong "cuộc chiến" chống Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Tại Đông Nam Á những tuần gần đây, khi dịch Covid-19 đang tấn công mạnh vào Singapore giàu có và tiếp tục là nỗi lo đối với các quốc gia khác, thì câu chuyện ở Việt Nam lại vô cùng khác biệt.

Việt Nam chia sẻ đường biên giới dài 1.400 km với Trung Quốc, xuất phát điểm của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), dân số hơn 90 triệu người và GDP bình quân đầu người thấp hơn Australia gấp 22 lần.

Tính đến ngày 13/5, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 288 ca nhiễm Covid-19, không có ca nào tử vong. Số lượng các ca được điều trị khỏi là 252, chiếm 88%. Để so sánh, Malaysia có 6.742 ca nhiễm, còn quốc đảo Singapore là 25.346 ca dương tính với Covid-19 và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á.

GS. Mike Toole, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện Burnet (Melbourne) nói với ABC rằng: “Trước đây, Australia chỉ chú tâm vào câu chuyện ở Singapore nhưng hiện tại Singapore lại là mô hình phòng dịch thất bại. Việt Nam thì ngược lại, tôi nghĩ đây là một thành tựu đáng chú ý với một đất nước rộng lớn như vậy”.

Những con số trung thực

Nhiều chuyên gia tin tưởng rằng, những con số thống kê về dịch bệnh ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác, minh bạch và không giấu diếm gì với phần còn lại của thế giới. TS. Huong Le Thu, một nhà phân tích tại Viện Chính sách chiến lược Australia, nói với ABC rằng các tổ chức quốc tế, nhà dịch tễ học nước ngoài và thậm chí Đại sứ Australia tại Việt Nam đều bày tỏ sự tin tưởng và không có lý do gì để nghi ngờ các số liệu.

Thậm chí, hãng tin Reuters đã liên lạc với quản lý của 13 nhà tang lễ tại Hà Nội. Tất cả đều xác nhận không có sự gia tăng về số ca tử vong. Thậm chí, một người cho biết số đơn đặt hàng cho dịch vụ tang lễ giảm xuống vì trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội có ít tai nạn giao thông hơn. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết không có trường hợp nhiễm bệnh nào khác ngoài những ca được ghi nhận bởi chính phủ.

Sharon Kane, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Plan International tại Việt Nam nói rằng: “Chính phủ Việt Nam đã minh bạch và trung thực khi từ đầu tháng 1 về nguồn lực hạn chế của đất nước nếu đại dịch tiếp tục tấn công mạnh mẽ, vì vậy Việt Nam đã nhanh chóng cố gắng kiểm soát dịch bệnh”.

Ông Mike Toole thì nhận định, Việt Nam không coi Covid-19 giống như bệnh cúm thường như một số nơi khác. Họ thông báo rộng rãi tới người dân về triệu chứng của bệnh, cũng như chỉ rõ nơi người dân có thể đến xét nghiệm.

Việt Nam đã sử dụng thông minh các nguồn lực hạn chế của mình. (Nguồn: Reuters)

Nhanh chóng và quyết đoán

Theo ABC, chìa khóa thành công của Việt Nam là phương pháp xét nghiệm chiến lược, theo dõi dịch tễ chặt chẽ và các chiến dịch truyền thông công chúng hiệu quả. Và quan trọng hơn, Việt Nam thực hiện những biện pháp này một cách nhanh chóng.

“Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã hiểu rằng đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, một loài virus có thể gây ảnh hưởng tới không chỉ người bị nhiễm, mà tất cả mọi người xung quanh họ”, bà Huong Le Thu cho biết.

Ghi nhận trường hợp dương tính đầu tiên vào ngày 22/1, Việt Nam đã nhanh chóng đánh giá nguy cơ của con virus đến từ Trung Quốc và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ông Mike Toole cho rằng, Việt Nam có lẽ hành động nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngoài Trung Quốc. Còn theo bà Kane, từ những kinh nghiệm và bài học rút ra được từ dịch SARS năm 2003, Chính phủ Việt Nam đã khéo léo sử dụng kinh nghiệm phong phú này và hành động có trách nhiệm.

Kể từ ngày 1/2, hãng hàng không Vietnam Airlines tuyên bố ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, Hong Kong; biên giới với Trung Quốc cũng bị đóng cửa không lâu sau đó nhưng lưu thông hàng hóa quan trọng vẫn được đảm bảo. Đến ngày 21/3, Việt Nam ngừng toàn bộ các chuyến bay quốc tế.

Tất cả những ai trở về từ nước ngoài đều phải đi cách ly tập trung trong 14 ngày tại các cơ sở được chỉ định và vận hành bởi Chính phủ. Thậm chí, Việt Nam còn cách ly tất cả những ai nghi ngờ bị nhiễm bệnh và con số đó đã lên tời hàng chục ngàn người.

Đến đầu tháng 3, các nhà khoa học Việt Nam đã phát triển một số bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 giá rẻ. “Lúc đó, Mỹ còn chưa có bộ kit nào, còn Việt Nam đã có 3”, ông Mike Toole cho biết.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có chiến lược tuyên truyền công chúng mạnh mẽ, nhất là các biện pháp bảo vệ sức khỏe như rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước rửa tay khô. Từ ngày 16/3, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và sẽ bị phạt nặng nếu cố tình vi phạm.

“Việc rửa tay sạch và ở trong nhà trong khoảng thời gian giãn cách xã hội được coi như là một hành động yêu nước và đã là thông điệp xuyên suốt khoảng thời gian chống dịch, được truyền đạt qua các hình thức nghệ thuật phổ biến và tuyên truyền về Covid-19”, TS. Huong Le Thu nói.

“Chính phủ Việt Nam đã rất sáng tạo. Mỗi ngày, mỗi bộ phận khác nhau của Chính phủ sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại của công dân để thông tin và cập nhật dịch bệnh”, GS. Toole cho biết.

Việt Nam đang hướng đến đẩy mạnh du lịch nội địa. (Nguồn: AP)

Từng bước mở cửa trở lại

Với việc không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng gần một tháng, Việt Nam đã quyết định cho các doanh nghiệp và địa điểm du lịch trong nước hoạt động trở lại. Các địa điểm giải trí không cần thiết như quán rượu, rạp chiếu phim, phòng xông hơi… cũng được mở cửa.

Ngoài ra, học sinh đã đi học trở lại và tuân thủ theo các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như, kiểm tra thân nhiệt và cung cấp nước rửa tay khô cho học sinh mỗi ngày.

Du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, chiếm gần 8% GDP trong năm 2017. Nền kinh tế tại đây đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khi ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất thập kỷ là 3,8% trong quý I/2020.

Do du lịch quốc tế có nguy cơ tiếp tục “đóng băng” trong thời gian dài, các nhà chức trách Việt Nam đang tìm cách bù đắp hậu quả kinh tế lâu dài của dịch Covid-19, trong đó là công bố cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với kỳ vọng thổi bùng thị trường du lịch nội địa đang dồn nén bấy lâu.

Giờ đây, khi dịch Covid-19 cơ bản đã được đẩy lùi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vào buổi họp tuần trước rằng tuy đây là một dấu hiệu tốt, nhưng Việt Nam không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nguy cơ các ca nhiễm bệnh mới vẫn còn đó, khi Việt Nam tiếp tục hồi hương công dân từ nước ngoài trở về, nhất là khi tuần vừa qua, quốc gia này đã ghi nhận 17 ca nhiễm mới trên cùng 1 chuyến bay hồi hương.

Quang Đào

(theo ABC Australia)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truyen-thong-australia-viet-nam-niem-ghen-ti-cua-ca-the-gioi-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-115501.html