Truyền thông chính sách thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Nhà nước, báo chí, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ, chia sẻ trách nhiệm để đạt mục tiêu thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Sáng 13/11 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn với chủ đề "Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm". Sự kiện thu hút đông đảo báo giới và các chuyên gia nghiên cứu tham dự trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm.
Khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao tầm quan trọng của việc triển khai các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức nhằm tại Việt Nam. Các bên liên quan như Nhà nước, hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, doanh nghiệp và người dân cần có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ trách nhiệm để đạt được mục tiêu này, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Mục tiêu tổ chức hội nghị không chỉ cung cấp thông tin, kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các phóng viên, biên tập viên tham dự; mà còn, thúc đẩy sự chung tay, góp sức của các đại biểu cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác trong việc nâng cao nhận thức, năng lực của cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng.
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triên kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam, bằng cách tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Lưu Hương Ly, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã giới thiệu Chương trình hành động quóc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đây thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027; qua đó, ghi nhận, thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời, giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.
Qua triển khai Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, các bên liên quan đều đánh giá, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm được xem là chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã ghi nhận, cần tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh; đồng thời, khuyến khích làm giàu theo pháp luật... gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội. Việt Nam đã cam kết quyết liệt khi đưa ra những tiêu chuẩn tối thiểu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào nội dung luật pháp trong nước cũng như tổ chức thi hành hiệu quả các yêu cầu này thông qua những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; song song đó, cam kết tích cực thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, chủ nghĩa tiêu dùng có đạo đức ngày càng có xu hướng được đề cao và việc tăng cường Khung đánh giá Môi trường - Xã hội và Quản trị (ESG) đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, hưởng ứng tham gia.
Tuy nhiên, để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam vẫn tồn tại không it thách thức. Ts Lưu Hương Ly nhấn mạnh, đó là vấn đề nhận thức của các cơ quan Nhà nước, của doanh nghiệp và một bộ phân cộng đồng xã hội; khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn nhiều điểm chưa hoàn thiện và hiệu quả thực thi pháp luật về vấn đề này chưa cao, chưa đồng đều ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.
Để khắc phục những tồn tại kể trên, Ts Lưu Hương Ly khuyến nghị, cần tăng cường tập huấn nâng cao nhân thức, năng lực cho các cơ quan tổ chức có liên quan về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những văn bản pháp luật hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Cùng đó, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật bằng việc áp dụng Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư phù hợp với bối cảnh và các ưu tiên của địa phương; đồng thời lồng ghép các cơ chế, giám sát, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước như đường dây nóng, hộp thư tiếp nhận, hoạt động đối thoại....đối với việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng hoặc các nhóm dễ bị tổn thương, hình thành các cơ sở dữ liệu thông tin.
Bên cạnh đó, khuyến khích việc xây dựng các quy chế tự khắc phục và phòng ngừa trong nội bộ doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức các hoạt động đối thoại với các cơ quan Nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp cùng các tổ chức chức chính trị - xã hội khác.