Truyền thông Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Nhiều hình thức, đúng đối tượng

Thực hiện Chiến lược dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2021 - 2025, những năm qua, ngành dân số tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức và phù hợp với từng đối tượng. Từ đó, góp phần chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ của người dân trên địa bàn.

Người dân xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc (bìa phải) được tuyên truyền, tư vấn về phương tiện tránh thai, hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản

Người dân xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc (bìa phải) được tuyên truyền, tư vấn về phương tiện tránh thai, hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản

Ông Hoàng Văn Từ, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ, những năm qua, chúng tôi đã tích cực tham mưu Sở Y tế tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tăng cường rà soát, nắm bắt, xác định rõ đối tượng cần tuyên truyền để có hình thức phù hợp, từng bước nâng cao nhận thức, giúp người dân tiếp cận với các phương tiện tránh thai, hàng hóa chăm sóc SKSS.

Theo đó, việc truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong các hội nghị, họp dân, sinh hoạt đoàn thể; truyền thông trực tiếp tại các gia đình, tổ nhóm, câu lạc bộ. Đối tượng được hướng đến là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi); các cặp vợ chồng sinh con một bề; học sinh, sinh viên, người trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những cặp vợ chồng sinh con một bề, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số tập trung tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ, bình đẳng giới, các biện pháp cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em… bằng hình thức truyền thông đại chúng, truyền thông lồng ghép tại các buổi họp thôn, tiêm chủng tại trạm y tế, truyền thông nhóm nhỏ và tư vấn, vận động trực tiếp tại gia đình.

Hằng năm, chi cục phối hợp, ký kết hợp đồng tuyên truyền với các cơ quan báo chí xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền. Từ đầu năm 2024 đến nay, Báo Lạng Sơn đã đăng tải trên 60 tin, bài, ảnh; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng 23 chuyên mục, phóng sự; hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn phát được 248 bài về công tác DS-KHHGĐ. Cơ quan dân số các cấp truyền thông lồng ghép được 362 buổi với trên 14.000 lượt người nghe; tuyên truyền lồng ghép với cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại trạm y tế được 1.260 buổi cho trên 21.000 người; tư vấn tại các buổi tiêm chủng được 1.095 buổi cho trên 15.000 người.

Anh Đàm Văn Dưỡng, cán bộ chuyên trách dân số xã Hùng Việt, huyện Tràng Định cho biết: Để người dân nhận thức đầy đủ về chính sách dân số, KHHGĐ, chúng tôi đã tích cực rà soát, tuyên truyền vận động, tư vấn về dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho người dân nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề là gái. Toàn xã có 350 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì đến nay đã có 72% cặp sử dụng các phương tiện tránh thai hiện đại.

Đặc biệt, với những cặp vợ chồng sinh con một bề, có ý định sinh thêm con, cán bộ chuyên trách dân số xã, cộng tác viên dân số thôn thường tổ chức họp nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ, đến thăm từng gia đình tuyên truyền, vận động để họ hiểu, nhận thức đúng về SKSS, bình đẳng giới, chỉ sinh hai con để nuôi dạy cho tốt. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thăm gia đình được 4.475 hộ với 8.360 lượt người; tổ chức họp nhóm đối tượng được 665 buổi với hơn 4.000 lượt người.

Đối với học sinh, sinh viên, cơ quan dân số phối hợp với các trường THPT tổ chức hoạt động ngoại khóa về chăm sóc SKSS, tuyên truyền về thực trạng, hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm, có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, tảo hôn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; những kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục… Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức được trên 30 buổi ngoại khóa về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên cho trên 20.000 học sinh.

Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao. Chị Hoàng Thị Thu, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan cho biết: Qua nghe tuyên truyền trên báo, đài và tại trạm y tế, tôi hiểu là mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh đủ hai con để nuôi dạy cho tốt. Vì vậy, mặc dù sinh 2 con một bề là gái nhưng vợ chồng tôi đã quyết định không sinh thêm con thứ 3 và lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, bảo vệ SKSS.

Với những nỗ lực của cơ quan dân số và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, công tác tuyên truyền đã phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chương trình công tác dân số của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 55.000 người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại (đạt 105% so với kế hoạch đề ra); trên 70% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ; trên 90% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin, kiến thức và tài liệu về chăm sóc SKSS; 91,3% phụ nữ có thai tại khu vực ba được tiếp cận ít nhất 1 loại tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (tăng 9,6% so với cùng kỳ 2023).

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/truyen-thong-dan-so-ke-hoach-hoa-gia-dinh-nhieu-hinh-thuc-dung-doi-tuong-5029101.html