Truyền thống khai giảng của các quốc gia trên thế giới

Trên thế giới, không ít quốc gia tổ chức khai giảng như ngày hội đến trường. Song, một số nơi lại thực hiện các nghi thức đơn giản, nhanh gọn trong ngày đầu trẻ đi học.

Mỗi quốc gia có một nghi lễ khai giảng khác nhau.

Mỗi quốc gia có một nghi lễ khai giảng khác nhau.

Các phụ huynh có thể cảm thấy rằng, mỗi mùa hè thường trôi qua nhanh hơn năm trước. Song, trước khi nhận ra điều đó, đã đến lúc cha mẹ chuẩn bị cho con mình đến trường. Đối với trẻ, giờ tự do dường như vô tận cùng những que kem và trò giải trí trong mùa hè nhàm chán đột ngột khép lại.

Để giúp ngày khai giảng năm học mới trở nên đáng mong đợi, hãy cùng điểm qua các truyền thống trong ngày tựu trường từ khắp nơi trên thế giới. Không phải năm học nào cũng bắt đầu vào tháng 8 và không phải quốc gia nào cũng được khai giảng. Tuy nhiên, sẽ là một điều thú vị khi chúng ta biết về những truyền thống đa dạng giúp học sinh chuẩn bị cho ngày đầu tiên trở lại trường.

Đức

Trẻ em Đức được tặng những vật hình nón chứa đồ dùng học tập.

Trẻ em Đức được tặng những vật hình nón chứa đồ dùng học tập.

Ở Đức, trẻ em bắt đầu vào lớp Một được tặng một vật hình nón khổng lồ chứa đầy đồ dùng. Tại một số vùng ở quốc gia này, ngày đầu tiên của lớp Một được đánh dấu bằng những vật hình nón chứa đầy kẹo và đồ dùng học tập. Chuyên gia văn hóa dân gian Christiane Cantauw giải thích trong một cuộc phỏng vấn với DW rằng, truyền thống này không phải là để cổ vũ trẻ em. Thực tế, đó là về việc “làm rõ rằng, tình trạng của một đứa trẻ đang thay đổi”.

Bởi vì không có mầm non hoặc mẫu giáo, một đứa trẻ sẽ chuyển cấp từ các chương trình tiền tiểu học vào quá trình học kéo dài 12 hoặc 13 năm trong trường. Bước chuyển này được coi là cột mốc quan trọng đối với trẻ.

Indonesia

Kết bạn được xem là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngày đầu tiên đi học tại Indonesia. Ở một số vùng của quốc gia này, ngày đầu tiên được coi là định hướng để học sinh làm quen với nhau.

Theo một bài viết trên tạp chí Kid World Citizen, các trường học ở Indonesia thường chia trẻ thành các nhóm trong ngày đầu tiên đi học. Qua đó, trẻ được thực hiện các hoạt động giúp tạo điều kiện cho việc kết bạn. Đồng thời, học sinh được tạo cơ hội để hiểu rõ hơn về bạn học của mình trước khi bắt đầu năm học mới.

Nhật Bản

Vào năm học mới, hầu hết học sinh ở Nhật Bản đều nhận được một chiếc ba lô, hoặc “randoseru” như một món quà trong ngày đầu tiên đi học. “Randoseru” là một loại ba lô có mặt cứng được làm bằng da khâu chắc chắn hoặc vật liệu tổng hợp giống như da. Loại ba lô này được học sinh tiểu học sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản.

Tương tự ở Đức, ngày đầu tiên đến trường tại Nhật Bản đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc đời trẻ. Trường học là tất cả về “sự khởi đầu mới” hoặc ý thức đổi mới. Vì vậy, ngày đầu tiên đi học tại Nhật Bản là ngày 1/4.

Bên cạnh món quà là ba lô, nhiều phụ huynh cũng sẽ tặng cho con mình một chiếc bàn học mới trong nhà. Món quà này được tặng cho trẻ với hy vọng giúp chúng đạt được thành công trong học tập, bằng cách dành một không gian riêng trong nhà cho việc học.

Kuwait

Không phải quốc gia nào cũng có ngày khai trường. Ở một số nơi, như Kuwait, ngày đầu tiên đi học là một thói quen bình thường. Trong một cuộc phỏng vấn với The Creative World of Varya, một học sinh lớn lên ở Kuwait mô tả rằng, ngày đầu tiên đến trường giống như hầu hết những ngày khác.

Học sinh Mohammad viết: “Không có ngày khai giảng đặc biệt nào. Tuy nhiên, các gia đình cũng có sự chuẩn bị cho ngày đó. Hoạt động duy nhất đánh dấu ngày tựu trường là công việc chuẩn bị và mua đồng phục”.

Nga

Ở Nga, ngày tựu trường còn được gọi là “Ngày tri thức”. Ngày đầu tiên đến trường ở Nga là một công việc của cộng đồng. Ở một số nơi, học sinh và phụ huynh xếp thành đám đông bên ngoài trường để chụp ảnh. Học sinh năm nhất tặng hoa cho giáo viên. Trong khi đó, các nữ sinh sẽ buộc một dải ruy băng trắng để trang trí cho mái tóc.

Ngày 1/9 được chọn là ngày khai giảng ở các trường học tại Nga. Ngoài những nghi lễ khai giảng, các trường còn tổ chức chương trình múa rối, nghệ thuật giải trí...

Trang Russia Insights từng mô tả về nghi lễ khai giảng đầu năm tại Nga, truyền thống về “tiếng chuông đầu tiên” - nơi một trong những cô gái nhỏ hơn được nâng lên vai của một cậu bé lớn hơn. Nam sinh này sẽ bế cô bé quanh các học sinh. Sau đó, nữ sinh này sẽ rung tiếng chuông đầu tiên để đánh dấu ngày khai giảng.

Brazil

Đi học trở lại có thể rất... tốn kém, đặc biệt là ở Brazil. Chọn đồ dùng học tập có thể là một niềm vui, nhưng việc tìm kiếm vở, bút chì và những cuốn sách phù hợp có thể gây khó khăn cho các gia đình. Ở Brazil, một số phụ huynh bắt đầu mua đồ dùng học tập cho trẻ trước lễ khai giảng vài tháng. Blog Dynamic Language cho biết, giá đồ dùng học tập thường có thể tăng cao vào gần ngày khai giảng. Mức giá có thể cao hơn khoảng 5 lần so với bình thường.

Ả-rập Xê-út

Ở Ả-rập Xê-út, lễ khai giảng có thể kéo dài nhiều ngày. Tại quốc gia này, nhiều trường không bắt đầu các lớp học vào ngày đầu tiên, nhưng sẽ dành vài ngày để tổ chức lễ khai giảng. Theo Kid World Citizen, tại buổi lễ, học sinh sẽ được giao lưu và làm quen với nhau thông qua các hoạt động.

Kazakhstan

Ngày đầu tiên đi học có thể là một lễ kỷ niệm của cả gia đình. Ở Kazakhstan, gia đình và bạn bè thường tụ tập để chúc mừng trẻ vào lớp Một. Vào năm bảy tuổi, trẻ em ở Kazakhstan bắt đầu hành trình giáo dục của mình với một ngày được gọi là “Tyl Ashar”, hay “Khởi đầu vào giáo dục”. Không có gì lạ khi các phụ huynh tổ chức một buổi lễ và nấu một bữa tiệc thịnh soạn với thịt cừu, các món ăn khác và đồ tráng miệng ngọt ngào.

Theo Insider

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-thong-khai-giang-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-post606399.html